Anh Trần Văn T. (40 tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An) chỉ vì mong muốn có cậu con trai, anh đã nghe theo lời mách bảo của bạn bè tiêm bốn mũi S. loại 250mg trong vòng 2 tháng.
Đợi mãi vợ chẳng có con thai, anh đi kiểm tra thì chẳng còn con tinh trùng nào. Sau hơn 1 năm điều trị tích cực, hy vọng có con của anh vẫn rất mong manh.
Theo các bác sĩ, việc dùng testosterone liều cao kéo dài ở nam giới có thể gây ức chế quá trình sản xuất tinh trùng và quý ông mất tinh, vô sinh.
Chỉ vì mong muốn có cậu "quý tử"
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết đây là một trong những ca hy hữu bác sĩ gặp trong quá trình điều trị vô sinh.
Theo đó, anh T. là bệnh nhân lâu năm của bác sĩ. Khi vợ chồng anh quyết định xây tổ ấm hạnh phúc, anh chị đã đến bác sĩ tư vấn và thăm khám sức khỏe cho cả hai người. Khi đó, kết quả xét nghiệm của anh xứng đáng là một người đàn ông khỏe mạnh, thậm chí còn cao hơn so với những người bình thường khác.
Vợ chồng anh sinh một cô con gái khỏe mạnh. Mọi chuyện không có gì để nói nếu cách đây hơn 1 năm anh được người bạn thân mách nước cho sử dụng một loại thuốc "thần dược", sau khi sử dụng anh cảm thấy đúng là có hiệu quả như bạn anh nói.
Trông anh khỏe mạnh hơn so với trước khi lấy vợ. Anh khoe mình đã học được bí quyết, tăng cường sức mạnh đàn ông và "trẻ mãi không già" từ vài người bạn. Thấy vậy ai cũng mừng cho anh.
Theo anh T., dòng họ anh đã bao đời "độc đinh" nên gánh nặng có người nối dõi đè nặng trên vai anh. Vợ sinh con gái được ba năm, gia đình đã thúc sinh tiếp đứa nữa và nhất định phải là con trai. Đúng lúc đó anh được mấy người bạn thân truyền cho bí quyết tiêm nội tiết tố nam để vừa mạnh khỏe, vừa đẻ được con trai.
Anh đã nghe theo mà không hỏi ý kiến của bác sĩ, tự đến cửa hiệu mua thuốc và tiêm bốn mũi S. liều 250mg/mũi trong 2 tháng, kết quả người vợ vẫn chưa có thai lại, dù các xét nghiệm của vợ hoàn toàn bình thường.
Anh giấu vợ đến phòng khám để xét nghiệm lại, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên, từ 130 triệu tinh trùng/ml trước đây, hiện giờ trong tinh dịch của anh T. gần như không có tinh trùng, chỉ lác đác có vài con yếu và dị dạng.
Qua thăm khám và kiểm tra cụ thể, các bác sĩ kết luận: thủ phạm chính là bốn mũi tiêm hormone liều cao của anh T..
Cơ chế phản hồi
Bác sĩ Hưng cho biết, S. thực chất là testosterone - hormone sinh dục nam liều cao được dùng để điều trị những trường hợp chuyển giới tính từ nữ sang nam hoặc dậy thì trễ do thiếu testosterone, suy tuyến yên, bất lực do thiếu nội tiết tố sinh dục. Nhưng khi sử dụng liều chỉ định thường thấp 100mg một tháng một mũi.
Việc dùng testosterone liều cao kéo dài ở nam giới ngược lại có thể gây ức chế quá trình sản xuất tinh trùng.
Cơ chế là do nội tiết tố này khi ở nồng độ cao sẽ ức chế sự chế tiết của các hormone LH và FSH từ tuyến yên, nồng độ hai hormone này giảm thấp sẽ làm mất tín hiệu kích thích tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng, từ đó làm giảm mạnh số lượng tinh trùng.
"Đó là lý do hiện nay người ta đã dùng testosterone liều cao và dùng kéo dài để làm thuốc tránh thai cho nam giới" - bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hưng, việc dùng testosterone điều trị cho những trường hợp vô sinh nam phải rất thận trọng. Bình thường, ở đàn ông có 20-200 triệu tinh trùng trong 1ml tinh dịch, tinh dịch càng ít tinh trùng khả năng thụ thai sẽ càng giảm.
Khi số lượng tinh trùng giảm dưới 1 triệu/ml tinh dịch thì khả năng thụ thai được chỉ là 1%. Trong các nghiên cứu về phương pháp tránh thai cho nam bằng nội tiết tố, đa số nam giới nhận được phương pháp tránh thai này đều có số lượng tinh trùng giảm nặng, thậm chí không còn tinh trùng, trong khi ở một số người số lượng tinh trùng chỉ giảm một phần.
Anh T. không biết điều đó nên gánh chịu hậu quả. Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực sau khoảng 6 tháng đã lên được 40 - 50 triệu tinh trùng/ml và hiện nay ở mức trên 90 triệu, nhưng anh T. vẫn chưa có con được bởi số lượng tinh trùng non, yếu, dị dạng vẫn còn nhiều.
Bác sĩ Hưng cho biết thêm, hormone tổng hợp đưa từ bên ngoài như S. vào cơ thể - vốn là thứ cơ thể tổng hợp được - sẽ dư thừa, gây ra cơ chế điều hòa ngược, sản xuất của cơ thể phải giảm để cân bằng với tác động từ bên ngoài.
Nguy cơ mắc nhiều bệnh
Đây là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, nếu tình huống này bị lạm dụng và xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến chính cơ quan sản xuất ra hormone, suy giảm chức năng của nó. Đến một mức nào đó, cơ quan này sẽ mất khả năng sản xuất, người ta sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormone ngoại lai.
Điều này đưa đến sự rối loạn đặc biệt về cấu trúc sinh lý của cơ thể. Bước đầu là một số bệnh liên quan đến nội tiết như teo tinh hoàn và vô sinh, tăng nguy cơ ung thư, phì đại tiền liệt tuyến. Thừa testosterone khiến cơ thể không sản xuất hormone nội sinh nữa, không sinh được tinh trùng nữa và dẫn đến vô sinh...
Ngoài ra, nó còn gây tăng cân, giảm kích thước tinh hoàn và chứng cương đau dương vật, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Testosterone là một nội tiết tố nam quan trọng nhất, được tiết ra chủ yếu ở tinh hoàn. Nồng độ testosterone trong máu thay đổi trong ngày, cao nhất vào buổi sáng, thấp nhất vào buổi đêm.
Ở người trưởng thành chỉ số này dao động từ 10 - 35 nmol/l, trung bình là 28 nmol/l. Lượng testosterone đạt đỉnh cao trong giai đoạn dậy thì, từ sau 30 tuổi nồng độ testosterone trong máu giảm dần, đặc biệt là từ 40 tuổi trở đi, làm cơ thể nam giới có nhiều biến đổi, tuy nhiên không sử dụng bổ sung tùy tiện làm nguy cơ mắc nhiều bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận