07/04/2015 08:18 GMT+7

​Nắm dao đằng lưỡi

MAI VINH
MAI VINH

TT -  Hỏi những người làm nông nghiệp lâu năm, những chuyên gia hoạch định chính sách nông nghiệp và cả những nhà nông học về việc có nên trồng cây mắc ca ở Lâm Đồng, ai cũng gật đầu bảo nên.

Nhưng với dự án đầy tham vọng biến Lâm Đồng thành “thủ phủ mắc ca” với tổng diện tích 200.000ha, gấp đôi tổng diện tích cây mắc ca của cả thế giới hiện nay, các chuyên gia lại e ngại.

Họ lo nông dân sẽ trở thành con nợ ngân hàng nếu dự án có phần mạo hiểm này không đạt kết quả như mong muốn.

Thận trọng trước dự án nông nghiệp lớn chưa có tiền lệ trong đầu tư nông nghiệp tại Lâm Đồng, chính quyền địa phương chỉ đồng ý với dự kiến trước mắt trồng 22.000ha mắc ca (bằng 1/10 diện tích trong dự án), khi nào nhà đầu tư chứng minh được hiệu quả vượt trội sẽ cho mở rộng.

Dù vậy, diện tích mắc ca tại Lâm Đồng cũng sẽ tăng ít nhất 22 lần trong năm năm tới.

Sẽ có hàng nghìn nông dân đầu tư vào loài cây này trong khi đầu ra vẫn chưa thật sự rõ ràng. Tập đoàn Him Lam khẳng định không có rủi ro khi nông dân liên kết cùng tập đoàn trồng mắc ca.

Vốn đầu tư đã có LienVietPostBank cho nông dân vay, Him Lam cam kết bao tiêu, cam kết khả năng phát triển của cây tốt và cam kết cung cấp đúng loại giống thị trường cần, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật xuyên suốt. Nông dân chỉ tốn công chăm sóc và quản lý vườn.

Nhưng trong mối liên kết này nông dân vẫn nắm dao đằng lưỡi. Họ phải đi vay tiền để mua cây giống hiện có giá cao gấp nhiều lần các loại cây dài ngày khác.

Ngay khi bắt đầu dự án, họ đã thành con nợ của ngân hàng trong khi chưa ngừa hết được các rủi ro bởi mắc ca không phải là loài cây dễ đơm hoa kết trái và phải chờ đợi trong khoảng năm năm.

Bất cứ một quá trình thử nghiệm nào thì bên cạnh những mong chờ về thành quả luôn có những rủi ro, thất bại rình rập.

Mọi cam kết của nhà đầu tư chỉ dừng lại ở cam kết, phần rủi ro vẫn thuộc về nông dân nếu mắc ca không cho sản phẩm đúng như mong muốn.

Đại diện Tập đoàn Him Lam đang triển khai dự án mắc ca khẳng định “trồng mắc ca là sản xuất liên kết nên thất bại ở khâu nào thì toàn liên kết phải gánh chịu, không chỉ riêng nông dân”.

Điều đó không sai nhưng với doanh nghiệp, họ còn có những cơ hội khác để xoay xở, ít nhất cũng đã bán được cây giống. Còn nông dân, nếu thất bại chắc chắn sẽ không tránh được cảnh sống dở chết dở vì trong tay họ là tờ giấy vay nợ ngân hàng.

Cần phải tính toán kỹ cơ chế liên kết để nông dân không phải nắm dao đằng lưỡi khi muốn có giống phải ký nợ vay ngân hàng.

Chẳng hạn, nhà đầu tư cùng nông dân khởi động dự án bằng cách cung cấp cây giống đúng chuẩn và nông dân chỉ phải trả tiền giống sau khi cây phát triển tốt và cho thu hoạch.

Không thể để nông dân phải lãnh hậu quả của bất cứ quá trình thử nghiệm nào, bởi họ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.

Với họ, cuộc sống có thể đi từ chỗ đủ ăn đến trắng tay chỉ vì một rủi ro tiềm ẩn nào đó mà lần này lại bắt đầu từ cuộc... làm ăn lớn.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên