26/03/2019 06:21 GMT+7

Nam Bộ như 'lò lửa' giữa cao điểm mùa khô

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - TP.HCM và một số tỉnh thành miền Đông - Tây Nam Bộ đều có mưa trái mùa sau thời gian dài nắng nóng. Thế nhưng do lượng mưa không lớn, mau tạnh, không đủ làm thời tiết dịu mát kéo dài mà ngược lại còn làm gia tăng cảm giác oi bức.

Nam Bộ như lò lửa giữa cao điểm mùa khô - Ảnh 1.

Nhiều học sinh Trường tiểu học Đông Ba, quận Phú Nhuận, TP.HCM che nắng trước khi được bảo vệ nhà trường đưa qua đường lúc trưa nắng - Ảnh: Q.KHẢI

Trưa 25-3, nắng hầm hập vẫn bao trùm trên địa bàn TP.HCM. Một ngày trước đó, tại nhiều nơi đã xuất hiện mưa nhưng chỉ kéo dài trong khoảng 10 phút, sau cơn mưa trời nắng gắt trở lại càng làm gia tăng cảm giác nóng bức khó chịu hơn.

Phòng trọ như "lò thiêu"

Đi dọc các trục đường Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trị, Nơ Trang Long thuộc quận Bình Thạnh, Gò Vấp những ngày này, các hàng quán, trụ sở cơ quan... thi nhau tránh nóng bằng cách trang bị vòi nước phun sương. Có nhiều trường hợp phải dùng vòi, thau chậu lấy nước tưới mặt đường, trước các trụ sở để giảm nóng nhưng nước tưới ra đường chưa đầy 5 phút sau đã bốc hơi.

Đứng núp dưới tán cây xanh trước quán, anh Nguyễn Lê Quốc - nhân viên giữ xe quán cà phê Thảo Mộc trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp - kéo áo, phẩy phẩy quạt liên tục. "Mấy nay trời nắng nóng quá, quán cà phê có hệ thống phun sương nhưng cũng không mát được, dắt một hai chiếc xe cho khách là mồ hôi tuôn nhễ nhại" - anh Quốc than.

Không chỉ người lao động, các sinh viên cũng cảm thấy "nóng trong người" với trời nóng bức khó chịu này. Bạn Nguyễn Hải Thắng - sinh viên Trường ĐH Nông lâm - cho biết do phòng trọ nhỏ nên những ngày này nóng như "lò thiêu". Mặc dù đã sử dụng đến 2 cái quạt nhưng càng quạt càng thấy nóng và cảm giác khô rát khó chịu. 

"Một ngày phải tắm đến ba lần mới bớt nóng, hôm nào chịu không nổi phải lên phòng tự học của trường hoặc trốn qua quán cà phê, trà sữa có máy lạnh", Thắng cho hay.

Những ngày này, các quán cà phê hay các khu trung tâm thương mại khu vực trung tâm TP đông nghịt khách trốn nóng. Một chủ quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 cho biết trước đây chỉ 150-200 khách đến quán mỗi ngày, giờ số lượng khách tăng lên 250 người/ngày, khách đông nhất là buổi trưa.

Tương tự, tại các tỉnh ĐBSCL, tình hình nắng nóng những ngày gần đây đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh và nguy cơ cháy rừng cao. Tại Sóc Trăng, theo ngành nông nghiệp tỉnh này, nắng nóng những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Ông Trần Văn An (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có 2.000m2 rẫy trồng rau cho biết mùa nắng, chi phí sản xuất rau màu tăng gần gấp đôi so với mùa mưa. "Để củ cải xanh tốt, mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 3h sáng tưới nước. Chỉ tính riêng tiền điện chạy máy bơm, tháng tốn không dưới 1,5 triệu đồng, sắp tới giá điện tăng, còn khổ hơn. Đó là chưa kể đây cũng là cơ hội để sâu bệnh phát triển thêm", ông An nói.

Ruộng vườn khô khốc, nguy cơ cháy rừng

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại khu vực Trần Văn Thời và U Minh Hạ - vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, chúng tôi thấy ruộng vườn khô khốc, cạn nước, đất nứt nẻ.

Ông Duy Quốc Tuấn - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời - cho biết hiện mực nước các kênh mương thủy lợi bên trong vùng ngọt hóa vẫn còn nhưng ở mức thấp, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài thì thiếu nước sẽ xảy ra, sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. 

"Chúng tôi đã tăng cường cán bộ, thường xuyên kiểm tra và đo độ mặn tại các vị trí cửa cống tại vùng ngọt hóa. Nếu phát hiện nước mặn xâm nhập vào thì xử lý ngay", ông Tuấn nói.

Khu vực rừng tràm vùng U Minh Hạ cũng bị khô hạn gay gắt, mức báo cháy ngày càng cao, vì vậy lực lượng kiểm lâm cũng đang căng mình phòng chống cháy rừng. Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện nay hầu hết rừng trong khu vực U Minh Hạ, rừng các cụm đảo Hòn Khoai đã bị khô với diện tích hơn 42.137ha. Trong đó, dự báo cháy cấp III (cấp có khả năng cháy cao) là 23.788ha, cấp IV (cấp nguy hiểm) là 5.574ha.

Ông Trần Văn Hiếu - giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ - cho biết diện tích rừng khô hạn thay đổi liên tục và cấp cháy ngày càng cao. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy cũng căng thẳng. "Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, gia cố hệ thống đê, cống, đập, bố trí lực lượng trực, quan sát rừng trên các chòi canh 24/24 giờ", ông Hiếu cho hay.

Nam Bộ như lò lửa giữa cao điểm mùa khô - Ảnh 2.

Kiểm tra phòng chống cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ - Ảnh: N.HÙNG

Nóng kéo dài gần 11 giờ

Ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho hay theo chuỗi quan trắc những ngày qua chưa phải là thời điểm nóng nhất ở Nam Bộ. Tính đến nay, nhiệt độ cao nhất ở Nam Bộ ghi nhận được là 37,6 độ C (ở Biên Hòa ngày 18-3). Mức nhiệt độ này còn thấp hơn nhiệt độ cao nhất năm 2018 ở Biên Hòa là 38,1 độ C. Tại TP.HCM, nhiệt độ cũng đã chạm ngưỡng 37 độ C.

Lý giải chuyện người dân cảm thấy nóng bức hơn, ông Quyết cho rằng dù nhiệt độ ghi nhận từ đầu mua khô đến nay chưa vượt qua giá trị năm 2018 cũng như nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận được nhưng thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài. 

"Ví dụ như ngày 23-3, mới hơn 9h sáng nhiệt độ đã lên mức 33 độ C kéo dài đến tận 17h30 nhiệt độ vẫn còn mức 31độ C, thậm chí đến sau hơn 20h nhiệt độ mới giảm chút ít còn 29 độ C. Thời gian nhiệt độ trên 30 độ C kéo dài gần 11 giờ trong ngày làm tăng cảm giác không khí lúc nào cũng nóng bức", ông Quyết quả quyết.

Đề cập thêm hiện tượng mưa trái mùa, ông Quyết cho hay lượng mưa trung bình trong tháng 3 tại nhiều nơi đạt mức trung bình nhiều năm. Trong ngày 24-3, mưa ở Đồng Phú 23,3mm, Trị An, Biên Hòa mưa xấp xỉ 15mm. Một số tỉnh miền Tây như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh cũng có mưa với lượng nhỏ từ 2-6,6mm. Riêng tại TP.HCM có mưa tại nhiều quận như 5, 8, 10, Tân Phú...

Do mưa ngắn, lưu lượng nhỏ nên chỉ giúp giảm nắng nóng trong thời gian rất ngắn ở những nơi có mưa. Sau mưa, nắng nóng trở lại càng làm gia tăng độ ẩm (do mưa) nên cảm giác còn nóng hơn. "Trời nắng nóng, mưa bất chợt làm thời tiết dịu mát, cơ thể vừa kịp thích nghi với trạng thái thay đổi này thì nắng nóng xuất hiện liền sau đó. Trạng thái thời tiết thay đổi đột ngột này khiến cơ thể cảm giác nóng bức, mệt mỏi", ông Quyết giải thích thêm.

Nắng nóng còn kéo dài, gay gắt hơn

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện áp thấp nóng phía tây đang phát triển và tăng cường nên tình trạng nắng nóng ở Nam Bộ vẫn tiếp tục duy trì và gay gắt hơn. Nhiệt độ các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể đạt 36-37 độ C. Nắng nóng này sẽ lan rộng ra các tỉnh miền Tây, đặc biệt các tỉnh biên giới nhiệt độ có thể lên mức 35-36 độ C.

Tình trạng nắng nóng này kéo dài đến cuối tháng, trong khoảng ngày 30 và 31-3, khả năng Nam Bộ lại xuất hiện mưa trái mùa trong một hai ngày. Sau đó, nắng nóng tiếp tục khống chế thời tiết Nam Bộ, qua tháng 4 nhiệt độ cao nhất có thể đạt trên 38 độ C.

Trẻ em nhập viện tăng

Bác sĩ Trần Văn Dễ - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết thời tiết nắng nóng làm trẻ em dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp do thay đổi nhiệt độ, ngoài trời nắng nóng trẻ thường đổ mồ hôi nhiều, về nhà thường tắm hay bật máy lạnh nhiều... Hiện nay mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám khoảng 2.000 lượt bệnh, trong đó chiếm nhiều là các bệnh lý liên quan đường hô hấp và tiêu hóa.

dp_nangnong (2) 2(read-only)

Thời tiết nắng nóng, phụ huynh sau khi đón con thì che chắn con cẩn thận để không bị ảnh hưởng bởi nắng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thống kê số liệu khám và nhập viện các bệnh như: viêm họng amiđan cấp và mãn tính, bệnh mũi xoang, bệnh đường hô hấp... đều gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tia cực tím vượt mức cho phép

Bác sĩ Lê Đức Thọ - chuyên khoa da liễu - cho hay nắng nóng trong những ngày qua đã làm chỉ số cực tím (UV index) tăng lên mức quá cao, vượt ngưỡng cho phép. Trong khi bức xạ tia cực tím và các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da (sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da) và các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm)...

dp_nangnong  (10) 2(read-only)

Ông Nguyễn Xuân Thụy (50 tuổi, Q.Phú Nhuận) làm mát mặt đường ngay trước cửa nhà để giảm bớt lượng hơi nóng bốc lên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo các chuyên gia dinh dưỡng và tiêu hóa, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn có hại sinh sôi, gây ra các bệnh truyền nhiễm (sởi, thủy đậu, tay chân miệng...), bệnh đường tiêu hóa (ngộ độc thực phẩm, đầy bụng, chán ăn...), đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm xoang...).

Để hạn chế tích lũy lâu dài của các nguy cơ phơi nhiễm UV, bác sĩ Thọ khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, rất cần được chú ý bảo vệ phòng chống tác hại của tia UV bằng cách: thoa kem chống nắng, mang kính râm, đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay che kín toàn thân...

XUÂN MAI

Độ mặn 1‰ tiến sâu vào hơn 40km trên các nhánh sông chính

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, độ mặn 1‰ trên các nhánh sông chính gồm sông Cửa Đại, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên đã vào sâu trên 40km.

Cụ thể, trên sông Cửa Đại, độ mặn 1‰ đã xâm nhập đến xã Giao Hòa (huyện Châu Thành), cách cửa sông 40-41km; sông Hàm Luông nước mặn 1‰ đã vào đến xã Sơn Phú (huyện Giồng Trôm), cách cửa sông khoảng 42km; sông Cổ Chiên nước mặn 1‰ đã vào đến xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, cách cửa sông 40-42km.

Trong vài ngày tới, độ mặn xâm nhập sâu có xu hướng tăng dần và đạt mức sâu nhất trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 26-3, xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, 2016. Riêng trên sông Cổ Chiên phía tỉnh Trà Vinh, độ mặn cao nhất trên sông Long Toàn tại Long Toàn: 17,6‰; độ mặn cao nhất trên sông Cổ Chiên tại Hưng Mỹ: 6,9‰, Trà Vinh: 1‰; và độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trà Kha: 8,8‰, Cầu Quan: 2,1‰.

MẬU TRƯỜNG

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên