08/03/2019 08:01 GMT+7

Nam Bộ nắng nóng hơn, vì sao?

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TTO - Hôm nay 8-3, thời tiết tại Nam Bộ, trong đó có TP.HCM tiếp tục nắng nóng, không mưa, tình trạng này tiếp tục kéo dài, người dân ra đường cần lưu ý mang vật dụng chống nắng.

Nam Bộ nắng nóng hơn, vì sao? - Ảnh 1.

Người đi đường phải đưa tay che nắng để di chuyển trên đường Bạch Đằng, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo khí tượng Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, một số năm gần đây, khi Nam Bộ vào mùa khô vẫn xuất hiện những trận mưa trái mùa.

Cụ thể như dịp Tết Đinh Dậu (2017), trong các ngày 28, 30 tháng chạp và mùng 1 tết đều có mưa, lớn nhất là trận mưa ngày mùng 6 tết khiến nhiều tuyến đường TP.HCM, Cần Thơ bị ngập nước.

Đến Tết Mậu Tuất 2018 cũng có mưa trái mùa. Nhưng dịp Tết Kỷ Hợi (2019) và kéo dài đến nay ở Nam Bộ gần như không mưa (ngoại trừ một số tỉnh miền Tây do ảnh hưởng bão số 1, xuất hiện mưa những ngày đầu năm) tạo ra tình trạng nắng nóng kéo dài.

Số liệu quan trắc cho thấy đa số các nơi ở Nam Bộ trong tháng 1 và tháng 2 lượng mưa đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

* Có ý kiến cho rằng hiện tượng El Nino sẽ làm cho tình hình khô hạn năm nay khốc liệt hơn phải không, thưa ông?

- Tôi không nghĩ như vậy, bởi từ cuối năm 2018 là giai đoạn chuyển từ pha trung tính sang El Nino, đầu năm 2019 El Nino hiện diện ở mức 50-60% nhưng đã có dấu hiệu suy giảm. Vì lẽ đó, khô hạn vẫn xảy ra nhưng không khốc liệt như những năm có hiện tượng El Nino hoạt động mạnh như năm 2016 chẳng hạn.

Nhưng điểm đặc biệt của mùa khô năm nay là mưa trái mùa xuất hiện rất ít nên tạo cảm giác nắng nóng kéo dài. Hơn nữa, độ ẩm trong không khí thấp ở mức dưới 30%, tạo ra nóng khô hanh chứ không phải nóng oi nồng của thời điểm giao mùa.

Còn nguyên nhân dẫn đến ít xuất hiện mưa trái mùa là do thời gian qua áp cao cận nhiệt đới (từ 5.000m trở lên - PV) hoạt động mạnh. Áp cao cận nhiệt đới này ngăn hơi nước bốc lên hình thành những đám mây dông gây mưa.

Thời tiết không mưa, ít mây nên cường độ bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp xuống tạo ra nắng nóng.

* Nhiệt độ ở Nam Bộ còn tăng trong những ngày tới không, thưa ông?

- Theo số liệu quan trắc, nhiệt độ cao nhất tại Nam Bộ thời gian qua chỉ đạt 36 độ C, chưa đạt giá trị cực đại (Nam Bộ từng ghi nhận nhiệt độ cao nhất 39-40 độ C - PV). Nhưng tại hầu hết các trạm quan trắc cho thấy nhiệt độ cao nhất trong tháng 1 và 2 đều cao hơn nhiệt độ trung bình cùng kỳ của các năm.

Ví dụ nhiệt độ trung bình của trạm Tân Sơn Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong tháng 1 xấp xỉ 29 độ C, tăng gần 2 độ C so với nhiệt độ trung bình nhiều năm trước. Tương tự, nhiệt độ trung bình trong tháng 2 có trạm cao hơn 2 độ C so với nhiệt độ trung bình nhiều năm.

Nhiệt độ trung bình trong tháng 1, tháng 2 cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm một phần cũng do năm nay các đợt không khí lạnh tăng cường về yếu, di chuyển lệch đông nên không đủ mạnh để giảm nhiệt cho Nam Bộ.

Từ hôm nay 8-3 trở đi, nắng nóng tại Nam Bộ tiếp tục mở rộng, nhiệt độ 35-36 độ C không chỉ duy trì ở khu vực các tỉnh phía Đông Nam Bộ mà có thể lan ra một số vùng thuộc Tây Nam Bộ như Mộc Hóa (Long An), Châu Đốc (An Giang)...

Cao điểm mùa khô, nhiệt độ có thể lên mức 38-39 độ C.

* Thời gian qua, có thời điểm nhiệt độ tại Nam Bộ chênh lệch khá lớn, nhiệt độ cao nhất buổi trưa có thể lên 35-36 độ C, nhưng về đêm, sáng sớm nhiệt độ chỉ ở mức 22-24 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ như vậy có thể gây ra những tác hại gì?

- Tại một số địa phương như Bình Phước, Đồng Nai... nhiệt độ giữa đêm và ngày chênh lệch từ 13-14 độ C. Tại TP.HCM, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm cũng trên 10 độ C.

Chênh lệch nhiệt độ như vậy không tốt cho sức khỏe, khiến cơ thể phải hoạt động nhiều hơn để thích ứng với sự thay đổi môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên, đối với một số loại cây trồng, sự chênh lệch nhiệt độ này lại cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển. Đây cũng là mức chênh lệch nhiệt độ thường thấy vào thời điểm mùa khô ở Nam Bộ.

* Trong mùa khô này, khi nào có khả năng xuất hiện mưa trái mùa? Liệu năm nay mùa mưa đến sớm?

- Theo các mô hình dự báo, khả năng trong khoảng ngày 11, 12-3, nhiều tỉnh của Nam Bộ sẽ có mưa trái mùa. Tuy nhiên, theo các dữ liệu hiện tại chúng tôi ghi nhận thì yếu tố gây mưa chưa rõ ràng nên vẫn tiếp tục theo dõi, càng gần thời điểm trên thì khả năng dự báo càng chính xác hơn.

Dự báo mùa mưa cũng vậy, từ nay đến mùa mưa còn khá xa, nhưng nhận định ban đầu của chúng tôi là mùa mưa năm nay sẽ đến muộn, khả năng có thể đến nửa đầu tháng 5. Tuy vậy, lượng mưa trong mùa mưa năm nay có khả năng vượt trung bình nhiều năm.

Nam Bộ tiếp tục nắng nóng, chênh lệch ngày đêm khoảng 12 độ C Nam Bộ tiếp tục nắng nóng, chênh lệch ngày đêm khoảng 12 độ C

TTO - Nam Bộ trong những ngày tới tiếp tục có nắng nóng, nhiệt độ cao nhất vẫn duy trì mức 35-36 độ C nhưng nhiệt độ thấp nhất ban đêm và sáng sớm khoảng 24 độ C, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên