27/03/2013 07:00 GMT+7

Năm 2020: chuyển hoàn toàn sang truyền hình số

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Các đài phát thanh - truyền hình sẽ chỉ tập trung vào sản xuất nội dung theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; hoạt động truyền dẫn phát sóng sẽ giao cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện trên cơ sở dùng chung hạ tầng, đảm bảo tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Truyền hình trả tiền đấu nhau, người dùng hưởng lợiKhông thể để người dân thiệt thòi

Đó là ý kiến chung của hầu hết đại biểu tham dự hội nghị toàn quốc triển khai đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, do Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức ngày 26-3.

Hoạt động truyền hình chưa chuyên nghiệp

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, bắt đầu từ ngày 1-1-2021 VN sẽ không phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự (analog) và chuyển hẳn sang công nghệ truyền hình số mặt đất.

Theo đó, đến năm 2020, 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.

Đánh giá chung về hiện trạng truyền hình số của VN, ông Đoàn Văn Hoan, cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Bộ Thông tin - truyền thông, cho biết nước ta hiện có số lượng đài phát thanh - truyền hình và số kênh chương trình phát truyền hình analog lớn nhất thế giới. Điều này dẫn đến lãng phí tài nguyên tần số, không chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền hình. Trên thực tế, việc chuyển đổi sang công nghệ số là xu hướng của toàn thế giới. Cho tới nay trên thế giới đã có hơn 45 nước chuyển hoàn toàn sang truyền hình số, khối Asean cũng cam kết sẽ chuyển đổi sang truyền hình số trong giai đoạn 2015-2020. Công nghệ truyền hình số sẽ mang lại chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn, phát được nhiều kênh chương trình trên một kênh tần số như hiện nay.

VN hiện có ba đơn vị đã và đang thực hiện truyền hình số gồm VTC, VTV và AVG. Trong đó VTC đã thực hiện phát sóng với công nghệ số mặt đất DVB-T từ năm 2001. Năm 2010, AVG là một công ty truyền thông tham gia thị trường này với công nghệ chuẩn DVB-T2 và đến năm 2012, VTV cũng phát thử nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM với chuẩn này.

Theo ông Hoan, việc chuyển sang truyền hình số có tác dụng sắp xếp các đài phát thanh - truyền hình theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tập trung vào khâu quan trọng nhất là làm chương trình, việc phát sóng giao cho các DN thực hiện truyền dẫn phát sóng chuyên nghiệp hóa. Điều này sẽ góp phần làm các chương trình truyền hình mang lại chất lượng tốt hơn, phục vụ nhu cầu của người dân. Ông Hoan khẳng định việc cấp phép cho các DN truyền dẫn phát sóng sẽ được điều chỉnh theo Luật viễn thông chứ không phải Luật báo chí như trước đây.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng

Tại hội nghị, câu chuyện truyền dẫn phát sóng được các đại biểu quan tâm hơn cả bởi ai sẽ là người được thực hiện hoạt động này. Theo quyết định của Thủ tướng, ba đơn vị gồm VTC, VTV và AVG sẽ được thực hiện truyền dẫn trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, một số đài truyền hình đã có mạng truyền dẫn phát sóng và việc xử lý thế nào là một vấn đề.

Vấn đề này được ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nêu lên: hiện trên địa bàn thành phố đã có hai hệ thống cáp truyền hình đến các phường, vốn đầu tư khoảng 150 tỉ đồng/mạng, dẫn đến lãng phí. Do đó cần giải quyết bài toán dùng chung cơ sở hạ tầng, tránh gây ra sự lãng phí.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên dịch vụ - kỹ thuật truyền thông HTV cho rằng nên thành lập DN kinh doanh truyền dẫn phát sóng khu vực để phát triển hạ tầng chung nhằm tiết kiệm chi phí ban đầu cho DN và tận dụng được hạ tầng kỹ thuật đã có sẵn của các đài. Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Lê Nam Thắng ủng hộ khi trao đổi với báo chí. Theo ông Thắng, tới đây bộ sẽ xem xét cấp phép cho một số DN phát triển dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo khu vực, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị các đơn vị, nhất là VTV, VTC, AVG, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ, hiện đại, trước mắt ở năm thành phố lớn, tiếp theo là triển khai ở các tỉnh thành trong giai đoạn 2.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết trước mắt tập trung thực hiện số hóa truyền hình ở một số địa phương trong năm tỉnh thành trực thuộc trung ương và một số tỉnh thực hiện trước nhằm rút kinh nghiệm để triển khai ở các tỉnh khác. Đề nghị các tỉnh trong điều kiện của mình có thể đăng ký tham gia kế hoạch số hóa có thể trước thời điểm trong quy hoạch đã đề xuất...

Nên cho DN viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền

Trả lời Tuổi Trẻ về việc có nên cho các DN viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền hay không, ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định nên cho DN viễn thông tham gia nhưng phải tránh trường hợp độc quyền về hạ tầng. Cụ thể là không để tồn tại tình trạng DN viễn thông có hạ tầng không cho đơn vị khác được truyền dẫn phát sóng trên hệ thống của mình.

Ông Hà đánh giá hiện nay 80% nông thôn chưa có truyền hình trả tiền, chưa có hệ thống truyền dẫn của các đài truyền hình. Trong khi đó Viettel và VNPT đều có hệ thống đến tận nơi. Nếu triển khai truyền dẫn trên hạ tầng của các đơn vị này mà có tình trạng độc quyền thì ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Do đó, DN viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền phải có cam kết chia sẻ hạ tầng cho tất cả các nhà cung cấp khác, bởi trên một mặt bằng chỉ cần thiết xây dựng một hạ tầng, không nên có 2-3 hạ tầng dẫn đến sự lãng phí.

BBqEvw5G.jpgPhóng to
Người dân sửa chữa chảo ăngten thu các kênh truyền hình trả tiền - Ảnh: Thuận Thắng
MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên