11/09/2019 11:28 GMT+7

Mzung - người mang cho rác một đời sống mới

VŨ THỦY thực hiện
VŨ THỦY thực hiện

TTO - "Tái chế mọi thứ" (Recycle everything) là tinh thần xuyên suốt trong quá trình tạo nên Mzung Space - không gian tái chế của một bạn trẻ làm phim về môi trường, hoạt động môi trường.

Mzung - người mang cho rác một đời sống mới - Ảnh 1.

Mzung đã đến nhiều quốc gia để làm phim thể nghiệm về môi trường - Ảnh: NVCC

Trong vòng 4 tháng, Mzung (tên thật là Mỹ Dung, 37 tuổi) và một nhóm bạn trẻ đã tha lôi rác từ khắp nơi, gỗ vụn bỏ đi từ công trình bị tháo dỡ, những chiếc sofa vứt ở bãi rác tự phát gần nhà, bàn ghế gãy, chậu cây vỡ, vải cũ... làm nên một quán trà, trở thành điểm hẹn để những bạn trẻ đến nói chuyện về môi trường, làm những workshop tái chế.

Quán trà 40 triệu đồng

* Ý tưởng tạo nên quán trà này bắt đầu từ đâu?

- Nhiều người nói tôi làm nhiều thứ quá, viết sách, làm phim, đi dạy…, nhưng với tôi đây là lúc môi trường cần nhiều bàn tay giúp đỡ, cần nhiều người hơn nên phải gồng gánh làm những thứ mà đôi lúc cảm thấy hơi quá sức với mình.

Nghe có vẻ là một kế hoạch với sự sắp xếp ghê gớm nhưng việc gắn với rác thải, với môi trường là một quá trình rất ngẫu nhiên. Ban đầu vì thuê được một chỗ rất rẻ, tôi muốn tạo nên một nơi để nghỉ chân cho chính mình, rồi bạn bè khen đẹp nên tôi quyết định tạo ra một không gian về tái chế cho mọi người.

Tôi cũng nghèo, không có tiền để mua đồ mới, quần áo cũng mặc đồ cũ nên khi lượm đồ tôi không ngại. Không gian này từ ngoài vào trong nhìn rất ấm áp nhưng toàn là phế thải lượm từ bãi rác với sự giúp đỡ của rất nhiều tình nguyện viên.

Tôi chỉ tốn khoảng 40 triệu đồng cho việc thiết kế, xây dựng mà nếu làm theo cách thông thường, mua sắm đồ mới có thể tốn ít nhất 2 tỉ đồng.

Mzung - người mang cho rác một đời sống mới - Ảnh 2.

Mzung (phải) cùng đồng đội đã mất khoảng 4 tháng để làm không gian tái chế từ đồ cũ - Ảnh: NVCC

* Từ một bạn trẻ làm phim môi trường rồi gắn với tái chế rác thải, quá trình đó của bạn như thế nào?

- Lần đầu tiên tôi bước ra khỏi Việt Nam là khi nhận được khóa học bổng đạo diễn phim truyện tại Mỹ. Trong những lần đi làm dự án, làm phim tốt nghiệp, tôi gặp nhiều nhóm hoạt động về môi trường, họ nhắc nhở chúng tôi phải dọn rác, hạn chế đồ nhựa. Tôi nhận ra thế giới có nhiều mối quan tâm khác hơn là những câu chuyện tình ái, những câu chuyện phim ảnh thuần túy tưởng tượng.

Tiếp đó tôi đi học ở Hàn Quốc, đi làm phim với một nhóm từ 17 nước. Họ là những người thấy rác sẽ nhặt, không bao giờ vứt rác bừa bãi và suy nghĩ kiểu "đã có người dọn nhà không có nghĩa là mình sẽ vứt rác bừa bãi".

Khi trở về, tôi cũng cố gắng lo tròn cuộc sống của mình theo hướng đó. Chẳng hạn như một cái lon nước uống xong tôi sẽ chế một cái đèn, tôi xem hướng dẫn trên YouTube để thực hành tái chế. Tôi nghĩ mình phải hành động, làm một dự án tái chế, mang đến cho rác thải một đời sống mới.

Quá trình làm việc ở nước ngoài, tôi thường thuê một cái phòng rất rẻ, không có tiền mua đồ nên đi xin đồ cũ về rồi học theo những clip trên mạng để sửa đồ. Về Việt Nam làm không gian tái chế, tôi chỉ lặp lại những gì mà mình đã từng làm. Nhận thức về môi trường, thói quen tái chế và cả đam mê nghệ thuật, mọi thứ bỗng dưng đến chung với nhau trong dự án này.

Mzung - người mang cho rác một đời sống mới - Ảnh 3.

Mzung ở một buổi chia sẻ về tái chế tại Mzung Space - Ảnh: VŨ THỦY

Mặc đồ đẹp để đi lượm đồ cũ

* Việc xây dựng một không gian tái chế cũng giống như làm một bộ phim môi trường chứ?

- Loại phim tôi làm là phim thể nghiệm, là đập phá những cái cố hữu để làm cái mới. Tôi không viết kịch bản mà chỉ vẽ sơ đồ cho phim. Tái chế cũng vậy, tôi cũng vẽ sơ đồ. Chẳng hạn như cái bàn, cái tủ, cái ghế sofa to nằm ở góc nào, góc nào dành cho hội thảo, góc nào dành cho ngắm nghía, đi ra đi vào.

Chúng tôi may mắn vì gần đây có một bãi rác tự phát rất to. Có những khối đồ đạc quá to thì người ta đổ chui lúc sáng sớm. Cả một đống sofa cái nào cũng nặng gần 20kg. Chúng tôi đi lượm về, họ nhận thấy có kẻ đang "ăn rác" giùm nên tích cực đi đổ.

Mọi người thấy tôi lúc nào cũng ăn bận nghiêm túc như thể sắp đi hội nghị tới nơi nhưng tôi bận đồ như vậy để đi lượm rác. Bận đồ rách rưới đi lượm rác thì không có gì để nói, chẳng có gì để người ta thắc mắc; nhưng bận đồ đẹp, làm tóc, thỉnh thoảng có trang điểm nữa để đi lượm rác thì người ta bắt đầu chú ý đến mình, thay đổi được một số người rồi. Nhiều người cũng bắt đầu đi nhặt đồ cũ về sửa lại.

Mzung - người mang cho rác một đời sống mới - Ảnh 4.

Mzung (tóc xù) cùng đồng đội đã mất khoảng 4 tháng để làm không gian tái chế từ đồ cũ - Ảnh: NVCC

* Mzung từng nhắc đến lý do muốn tái chế đồ đạc là vì thấy nhiều người Việt đang bị xoáy vào chủ nghĩa tiêu dùng, mua sắm và thải bỏ quá nhanh…

- Cũng nên chia sẻ một chút với người Việt. Thói quen mua sắm quá độ đến từ Black Friday ở châu Âu nhưng người châu Âu có hệ thống xử lý rác thải, phân loại rác tốt. Ở Việt Nam cũng đang thịnh hành mốt Black Friday, giảm giá vào những dịp lễ, tết nhưng chúng ta không có cái bản lề là quy trình xử lý rác.

Chúng ta đang đứt gãy quá nhiều giá trị. Có những giá trị trước đây như ăn chắc mặc bền, tốt gỗ hơn tốt nước sơn… vốn đem lại nhiều lợi ích cho môi trường. Muốn bảo toàn những giá trị đó thì phải học. Ai cũng bối rối về nhiều thứ và tôi cũng vậy. Chính vì bối rối về tất cả mọi thứ nên mình sẽ lấy ra một thứ nhỏ để làm trước.

Ở nhà thấy cái gì chưa đến mức phải bỏ đi thì mình tái chế. Nhiều khi tôi cũng nghĩ vì sao con người ta lại cần nhiều đồ như vậy? Tại sao phải làm nô lệ cho chúng khi mà tất cả những thứ này chỉ là lớp vỏ, chỉ để trang trí?

Một cuộc chiến

* Bạn trẻ đến Mzung Space sẽ học được những gì?

- Mzung Space hiện có khoảng 20 bạn tình nguyện viên. Các bạn đến với tinh thần rất hồn nhiên. Tôi thường nói với các bạn rằng điều quan trọng là học, là thay đổi nhưng không phải để bước ra ngoài kia là một người thành công mà là để tử tế hơn.

Ở đây có cuộc chiến dành cho họ: cuộc chiến với rác thải nội thất. Các bạn học tất cả quy trình, cách sử dụng các phương tiện, dụng cụ. Mỗi ngày họ tập trung thay đổi một vấn đề, thay đổi một xã hội nhỏ đó là chính họ.

Mzung - người mang cho rác một đời sống mới - Ảnh 6.

Mzung làm phim độc lập, đồng sáng lập chương trình điện ảnh "Gặp gỡ mùa thu", đã tham gia khóa biên kịch và lý luận chuyên sâu quỹ Ford (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), khóa học làm phim tại Mỹ và Hàn Quốc.

Mười năm qua Mzung từng làm phim truyện ngắn, phim tài liệu, phim thể nghiệm về đề tài môi trường và xã hội tại nhiều quốc gia khác nhau. Nhiều phim ngắn của chị đã đoạt nhiều giải thưởng môi trường như "Sleeping in the city" (Giấc ngủ trong thành phố), "When our garden grows silent" (Khi khu vườn im lặng), "The light after life" (Ánh sáng sau sự sống)…

Không gian Mzung Space (Q.4, TP.HCM) là nơi Mzung và các cộng sự tái chế tất cả đồ đạc cũ mà Mzung đã góp nhặt ở nhiều nơi trước đó. Mục tiêu là đào tạo cho người trẻ các phương pháp tái chế, giải pháp bảo vệ môi trường, tổ chức các lớp học/workshop với cách tiếp cận bằng nghệ thuật, phim ảnh, tranh vẽ mỹ thuật và tái chế.

Rác tái chế: Chờ người dân hay chờ chính sách? Rác tái chế: Chờ người dân hay chờ chính sách?

TTO - Câu chuyện "Giải cứu vỏ hộp sữa" (Tuổi Trẻ 18-8) đã được phản hồi từ bạn đọc Cẩm Phô (Quảng Nam). Một góc nhìn từ cách làm của các nước và điều đang còn thiếu ở thực tế tại Việt Nam.

VŨ THỦY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên