Trong một nhà máy điện tử ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc hồi tháng 1-2018 - Ảnh: REUTERS
Ngày 28-5, các đại diện của Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi nảy lửa tại cuộc họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc đã đánh cắp ý tưởng của Mỹ - mấu chốt của 2 vụ kiện và kế hoạch của Nhà Trắng nhằm áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea nói rằng việc "cưỡng ép chuyển giao công nghệ" đã trở thành một quy tắc bất thành văn đối với các công ty nào muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc, đặc biệt trong trường hợp các công ty này hợp tác với một công ty quốc doanh hoặc có liên quan tới nhà nước.
Cụ thể, ông Shea cho biết các quy định về cấp phép và hành chính của Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chia sẻ công nghệ nếu họ muốn làm ăn. Trong khi đó, các quan chức chính phủ có thể lợi dụng những quy định đầu tư mập mờ để áp đặt các yêu cầu chuyển giao công nghệ.
"Đây không phải là thượng tôn pháp luận. Thật sự đây chính là luật của Trung Quốc nhằm mở đường cho việc cưỡng ép" - ông Shea trình bày với cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.
"Về cơ bản, Trung Quốc đã quyết định theo đuổi công nghệ tiên tiến của các thành viên WTO một cách có hệ thống, được nhà nước chỉ đạo và phi thị trường để phục vụ chính sách công nghiệp của Trung Quốc" - vị đại sứ Mỹ chỉ ra cách chèn ép và cưỡng đoạt công nghệ của Bắc Kinh.
Ông Shea cho rằng đây là một quy định gây thua lỗ cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chứ không riêng gì Mỹ. Theo ông, khả năng cạnh tranh của tất cả quốc gia sẽ tiếp tục giảm sút nếu các chính sách của Trung Quốc không được kiểm soát.
Tổng thống Mỹ Trump gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington hôm 17-5. Ông Lưu Hạc là người dẫn đầu đoàn đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mà qua đó Mỹ và Trung Quốc đã tạm cất đi chiếc búa chiến tranh thương mại - Ảnh: REUTERS
Đáp lại, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ những chỉ trích của phía Mỹ.
"Không hề có chuyện cưỡng ép chuyển giao công nghệ tại Trung Quốc. Sự thật là không có quy định nào yêu cầu các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ" - Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần (Zhang Xiang Chen) tuyên bố.
Ông Trương nói rằng văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã không thể đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố của họ, và và một số tuyên bố chỉ là "suy đoán thuần túy".
Vị đại sứ Trung Quốc khẳng định những cải tiến về công nghệ mà Trung Quốc có được là nhờ "sự siêng năng và tinh thần kinh doanh của người dân Trung Quốc, việc đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu, cùng nỗ lực cải thiện việc bảo vệ sở hữu trí tuệ".
Các chuyên gia pháp lý cho biết Washington cần sự ủng hộ từ WTO để áp các mức thuế lên hàng hóa Trung Quốc vì chúng có liên quan tới quy định của WTO. Trong khi đó, bác bỏ kế hoạch áp thuế của Washington, Bắc Kinh hôm 5-4 đã gửi đơn kiện yêu cầu WTO nhúng tay để ngăn chặn.
Theo quy định của WTO, nếu các tranh chấp không được các bên đồng thuận giải quyết êm xuôi sau 60 ngày thì bên thưa kiện có thể yêu cầu nhóm chuyên gia phân xử, khởi động một vụ kiện pháp lý mà có khả năng kéo dài trong nhiều năm.
Mỹ đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên WTO hôm 23-3. Do đó, Mỹ hoàn toàn có thể dùng cuộc họp ngày 28-5 để tiến tới giải pháp trên. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự trong cuộc họp vào tháng tới.
Tuy nhiên, từ khi tranh chấp nổ ra, chính sách thương mại Mỹ-Trung đã trở thành chủ đề chính trong các cuộc đàm phán song phương. Tuần trước, ông Trump viết trên Twitter cho biết "thỏa thuận thương mại của chúng ta với Trung Quốc đang tiến triển tốt đẹp", nhưng có lẽ nó cần "một cấu trúc khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận