Luật sư khiếm thị thử thách quan hệ Mỹ - Trung
Phóng to |
Một quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã hứa đảm bảo an toàn cho ông Trần Quang Thành khi ở lại nước và không xin tị nạn ở Mỹ. Mỹ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những đảm bảo mà Trung Quốc đã cam kết để “tháo ngòi” cuộc khủng hoảng, theo AFP.
Tân Hoa xã ngày 2-5 đã phá vỡ sự im lặng của truyền thông Trung Quốc trước cuộc họp SED khi đưa tin ông Trần Quang Thành đã “tự nguyện” rời sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh sau sáu ngày trú ẩn. “Ông Trần Quang Thành đã đến một cơ sở y tế ở Bắc Kinh để được điều trị và đoàn tụ với gia đình” - một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ. Tờ Washington Post cho biết thêm ông Trần Quang Thành đi cùng với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã có những lời lẽ gay gắt đòi Mỹ đưa ra lời xin lỗi về việc sứ quán Mỹ đã chứa chấp ông Trần Quang Thành. Trung Quốc “rất không hài lòng” về “sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. Trung Quốc yêu cầu Mỹ điều tra toàn diện vụ việc, trừng phạt những ai có trách nhiệm và đảm bảo rằng những vụ việc tương tự sẽ không tái diễn.
Bên nhân quyền, bên thể diện
Sự hiện diện của ông Trần Quang Thành trong sứ quán Mỹ và sự chỉ trích gay gắt của Bắc Kinh đã đẩy hai nước lâm vào tình thế khó xử ngay trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Về phía Mỹ, trước khi đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định bà sẽ gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề nhân quyền vốn được coi là vấn đề nhạy cảm trong hơn hai thập niên qua. Nhưng tờ Global Times khẳng định “sự phát triển nhân quyền ở Trung Quốc chỉ có thể do tự nước này và phương Tây không có quyền tiếp tục thúc ép”.
Chính quyền Tổng thống Obama đang đi giữa lằn ranh của hai lựa chọn là giữ các nguyên tắc của Mỹ về nhân quyền hoặc duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề quan trọng khác. Ngoại trưởng Hillary Clinton từng tuyên bố Mỹ phải “thực tế và nhanh nhẹn” khi đề cập các vấn đề về nhân quyền với Trung Quốc. Bà khẳng định trong mọi tình huống, “mục đích của chúng ta là tạo nên sự khác biệt chứ không phải để chứng minh một quan điểm”.
Bước vào cuộc tranh cử tổng thống, chính phủ Obama không thể tự mình tạo thêm xung đột với một đối tác như Trung Quốc. Cùng lúc Mỹ cũng không thể bỏ rơi ông Trần. Phe Cộng hòa đang rình chờ mọi bước đi sai lầm của êkip Obama vốn đã bị lên án là quá nhu mì trước Trung Quốc. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về châu Á Kurt Campbell đã bay đến Bắc Kinh từ ngày 29-4. Những nguồn tin thân cận trong Chính phủ Mỹ cho biết ông Kurt Campbell cần phải nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho vấn đề luật sư Trần Quang Thành để giữ thể diện cho Trung Quốc. “Đây là một thử thách lớn nhất cho quan hệ song phương Mỹ - Trung kể từ năm 1989” - ông Christopher Johnson, nhà cựu phân tích của CIA, nhận định.
Trong khi đó về phía Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang tìm cách ít tệ hại nhất để thoát ra khỏi vụ luật sư Trần Quang Thành, giảm thiểu những tổn thất về hình ảnh của mình cả trong và ngoài nước. Rõ ràng, thử thách này lại diễn ra đúng vào lúc Bắc Kinh vẫn chưa giải quyết xong vụ Bạc Hi Lai và giữa lúc đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực. Sự bất ổn trong lãnh đạo có thể khiến Bắc Kinh thận trọng hơn đối với các vấn đề ngoại giao.
Những hồ sơ khó xử khác
“Dĩ nhiên Mỹ phải nhận ra rằng điều này tác động nhiều đến quan hệ Mỹ - Trung - giảng viên quan hệ quốc tế Shi Yinhong thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định - Trong tình huống này, cả hai bên đều muốn giới hạn ảnh hưởng của vụ việc. Liệu họ có tìm ra cách giải quyết nhanh chóng hay không còn phụ thuộc vào đối thoại và thảo luận”. Tuy nhiên, tờ Global Times cho rằng “quan hệ Trung - Mỹ sẽ không bị đe dọa bởi vụ Trần Quang Thành”, một nhân vật có cái nhìn “xa rời thực tế” được xem như một người hùng.
Quả thật, Mỹ và Trung Quốc có hàng loạt hồ sơ khó xử hơn cần thảo luận ngoài vụ luật sư Trần Quang Thành. Mỹ đang tìm cách thúc đẩy Trung Quốc đứng về phía phương Tây trong vấn đề Syria. Mỹ cũng muốn Bắc Kinh gia tăng sức ép lên chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, CHDCND Triều Tiên và hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông. Nhưng Trung Quốc vẫn đang lưỡng lự về việc siết chặt trừng phạt Tehran và Bình Nhưỡng, trong khi tỏ ra lo ngại về sự tăng cường hiện diện của Mỹ tại biển Đông qua việc Mỹ tăng cường các liên minh quân sự trong khu vực. Đây chính là điểm nhạy cảm đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận