03/12/2019 15:28 GMT+7

Mỹ - Trung cạnh tranh bán vũ khí cho Thái Lan

VŨ NGUYÊN
VŨ NGUYÊN

TTO - Kể từ khi mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan trở nên xa cách, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội để gia tăng hợp tác mua bán vũ khí cho Bangkok.

Mỹ - Trung cạnh tranh bán vũ khí cho Thái Lan - Ảnh 1.

Quân lính tham gia buổi tập luyện tại Prachin Buri, ngoại ô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Quan hệ Mỹ - Thái đã trở nên lạnh nhạt kể từ cuộc đảo chính của quân đội Thái Lan vào năm 2014. Sự kiện này buộc Mỹ thi hành luật giới hạn hợp tác quân sự với Thái Lan cho tới khi một chính quyền dân chủ lại nắm quyền.

Theo Hãng tin Bloomberg của Mỹ, lợi dụng thời cơ, Trung Quốc nhanh chóng nhảy vào đẩy mạnh hợp tác quân sự và nhanh chóng ký với Bangkok 10 thỏa thuận mua bán vũ khí lớn. Trong đó, một thỏa thuận đã trở thành thương vụ mua bán khí tài lớn nhất Thái Lan từng thực hiện: hợp đồng trị giá 1,03 tỉ USD mua 3 tàu ngầm và 48 xe tăng, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.

"Về lâu dài, sự thay đổi trong quan hệ Mỹ - Thái cho thấy Thái Lan đã nhận ra họ đang nằm ở trọng tâm của cuộc tranh chấp vị trí địa lý chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á", ông Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu của Viện Các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai, cho biết.

Sau cuộc bầu cử hồi tháng 3 tại Thái Lan, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng hành động để giành lại vị trí của mình. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ca ngợi Thái Lan đã "trở lại với nền dân chủ" trong chuyến thăm Bangkok hồi tháng 8.

Cùng lúc đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xúc tiến chiến lược xuất khẩu vũ khí "Buy American - Mua hàng Mỹ", theo Bloomberg.

Mỹ - Trung cạnh tranh bán vũ khí cho Thái Lan - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - Ảnh: REUTERS

Hồi tháng 8 năm nay, Thái Lan cho biết sẽ nhận 70 chiếc xe bọc thép Stryker của Mỹ trong giai đoạn cuối năm, đồng thời dự tính mua thêm 50 chiếc nữa. Đến tháng 9, quân đội Thái Lan tiếp tục cho biết đang thực hiện hợp đồng trị giá 138 triệu USD mua 8 chiếc trực thăng trinh sát - tấn công hạng nhẹ AH-6i của lục quân Mỹ.

Ngoài chuyện mua bán vũ khí, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng mở rộng ra vấn đề tập trận quân sự trong những năm gần đây. Thái Lan hiện tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận "Cobra Gold" (Hổ mang Vàng) do Mỹ hỗ trợ, vốn được cho là cuộc tập trận quân sự đa phương thường niên lớn nhất châu Á, trong đó có sự tham gia của 29 lực lượng gồm 4.500 quân nhân Mỹ và hàng chục của Trung Quốc.

Thái Lan tiếp tục thể hiện sự cân bằng khi đồng thời tham gia thêm các cuộc tập trận giữa Trung Quốc và những nước Đông Nam Á khác.

Theo dữ liệu của SIPRI, doanh số bán vũ khí thường (không phải hạt nhân) của Trung Quốc tăng từ 644 triệu USD năm 2008 lên 1,04 tỉ USD năm 2018. Tuy nhiên xét giá trị thương mại tổng thể, con số này chưa vào đâu so với Mỹ, vốn đã xuất khẩu các lô hàng trị giá 10,5 tỉ USD cho quân đội nước ngoài năm 2018.

Vì sao Trung Quốc né dùng công cụ thương mại để trả đũa Mỹ? Vì sao Trung Quốc né dùng công cụ thương mại để trả đũa Mỹ?

TTO - Sau khi Trung Quốc tiến hành các động thái đầu tiền nhằm trả đũa Mỹ vì đạo luật Hong Kong, nhiều nhà quan sát đã nhận ra rằng Bắc Kinh không sử dụng bất cứ biện pháp thương mại nào để "cảnh cáo" Washington.

VŨ NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên