09/04/2018 20:59 GMT+7

Mỹ - Trung căng thẳng thương mại, Đài Loan lo ôm hậu quả

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”, thành viên Đảng Dân tiến cầm quyền tại Đài Loan nói về vị thế của vùng lãnh thổ này giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung.

Mỹ - Trung căng thẳng thương mại, Đài Loan lo ôm hậu quả - Ảnh 1.

Lãnh đạo chính quyền Đài Loan, bà Thái Anh Văn, theo dõi một cuộc tập trận bắn đạn thật của Đài Loan năm 2017 - Ảnh: AFP

Những ngày gần đây, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu tăng nhiệt.

Với quy mô kinh tế của hai nước lớn, Mỹ - Trung không thể chỉ là câu chuyện song phương. Và ngoài kinh tế, căng thẳng giữa hai cường quốc này cũng ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác về nhiều mặt.

Báo Washington Post (Mỹ) ngày 9-4 cho rằng, một cuộc chiến thương mại sẽ khiến nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Đài Loan bị phá hoại nghiêm trọng.

Đơn giản hơn một nửa xuất khẩu của Đài Loan có đích đến là Trung Quốc, đa phần là linh kiện và hàng hóa trung gian/hàng thiết bị. Số hàng này sau đó được lắp ráp và xuất khẩu sang các nước khác, mà Mỹ là một trong số đó.

Quan trọng hơn, về mặt chính trị, như Washington Post ví von, "các mảng kiến tạo của ngoại giao quốc tế cũng đang chuyển động theo một chiều hướng có thể đem tới sóng gió cho Đài Loan".

Tính đến lúc này, mối quan hệ giữa chính quyền Đài Loan và chính quyền Trung Quốc đại lục vẫn tồn tại nhiều yếu tố khác biệt, nhạy cảm.

Trong khi Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì quan điểm thống nhất "Một Trung Quốc", xem Đài Loan là một tỉnh, thì chính quyền của bà Thái Anh Văn giữ lập trường cứng rắn.

Chính điều này khiến Bắc Kinh muốn "cô lập" Đài Bắc trên trường quốc tế, kèm theo việc phô diễn sức mạnh quân sự. Các chuyên gia cho rằng dù xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan là điều khó xảy ra, nhưng đây sẽ là một điểm nóng nguy hiểm.

Trong bối cảnh ấy, Đài Loan cũng tích cực tìm kiếm các lựa chọn mới, đặc biệt là hướng về phía Mỹ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Song, như lời ông Jason Lin Chun-Hsien, thì "hôm nay các anh hét vào mặt nhau, nhưng hôm sau có thể các anh bắt tay nhau. Chúng tôi phải cố gắng tránh việc trở thành một con cờ trên bàn đàm phán".

Nỗi lo của ông Lin không phải thiếu cơ sở. Dù mới đây có "chọc giận" Trung Quốc bằng việc ký vào luật mới tạo điều kiện để tiến hành các cuộc thăm viếng giữa quan chức Mỹ và Đài Loan ở mọi cấp độ, các biểu hiện khác lại không mấy khả quan cho Đài Loan.

Việc bổ nhiệm ông John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia là ví dụ.

Ông Bolton trong bài viết trên báo Wall Street Journal hồi tháng 1 cho rằng Washington nên "chơi lá bài Đài Loan" chống lại Trung Quốc.

Theo đó, lá bài này thậm chí có thể xuất hiện thông qua việc tái triển khai lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ từ Okinawa (Nhật Bản) tới Đài Loan, hoặc công bố tình trạng quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan nếu Trung Quốc từ chối ngưng hành động ngang tàng trên Biển Đông.

Giáo sư Margaret Lewis của trường luật Seton Hall, hiện đang làm việc tại Đài Loan, nhận xét rằng Đài Loan cần sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, nhưng cần cảnh giác để điều này đừng trở thành một bước tiến tiếp theo dẫn tới thái độ hiếu chiến.

"Đặc biệt, với việc quá nhiều điểm nóng toàn cầu có thể nhanh chóng chuyển hướng sự tập trung của chính quyền Mỹ, mối quan ngại ở đây là việc Mỹ có thể mạnh miệng về Đài Loan, và sau đó bất ngờ hạ giọng, vốn là cách làm có thể đẩy Đài Loan vào tình thế dễ bị tổn thương hơn", bà Lewis nhận định.

Đài Loan mạnh mẽ bật lại lời đe dọa từ Bắc Kinh Đài Loan mạnh mẽ bật lại lời đe dọa từ Bắc Kinh

TTO - Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh “mượn lời” truyền thông khuấy đảo chính trị sau khi tờ Thời báo Hoàn cầu nêu quan điểm cần phát lệnh truy nã với người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên