Phóng to |
Ngày 12-3, Tổng thống Mỹ Obama cam kết sẽ điều tra đầy đủ và truy tố trách nhiệm đối với bất kỳ ai có liên quan đến vụ thảm sát. Trước đó, như Reuters cho biết, ông Obama đã mô tả vụ thảm sát là “bi thảm và khiến ông rụng rời”, “không đại diện cho tính cách của quân đội Mỹ cũng như sự kính trọng mà nước Mỹ dành cho người dân Afghanistan”. Ông Obama đã gọi điện cho Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai khẳng định đây là hành vi khủng bố “không thể chấp nhận được”.
Theo những nguồn tin ban đầu từ quân đội Mỹ, lúc 3g sáng chủ nhật 11-3, một lính Mỹ mang theo súng và ống nhòm ban đêm ra khỏi căn cứ ở quận Panjwai thuộc tỉnh Kandahar, đi bộ gần 2km rồi xông vào ba căn nhà ở hai ngôi làng khác nhau, xả súng tàn sát tổng cộng 16 người, trong đó có chín trẻ em và ba phụ nữ.
Kẻ giết người máu lạnh
Báo New York Times cho biết thủ phạm là một hạ sĩ, 38 tuổi, có vợ và hai con, người bang Washington, từng tham chiến tại Iraq. Nguồn tin từ cơ quan điều tra Afghanistan tiết lộ tại một căn nhà ở ngôi làng Najeeban, 11 người bị bắn chết. Hung thủ đã đốt thi thể một số nạn nhân. Ít nhất ba nạn nhân nhỏ tuổi bị sát hại bằng một phát đạn vào đầu.
Một cậu bé 15 tuổi tên Rafihullah, bị bắn vào chân, nức nở kể với Tổng thống Karzai: “Hắn (hung thủ) xông vào nhà cậu của cháu, hắn đuổi theo mấy người phụ nữ... Hắn xé váy họ và làm nhục họ... Hắn bắn chết hết mọi người”.
Quân đội Mỹ cho biết sau cuộc tàn sát, viên hạ sĩ này đã bình tĩnh quay trở lại căn cứ và đầu thú. Nguyên nhân dẫn đến cuộc tàn sát hiện vẫn chưa được làm rõ. Có một số tin đồn cho rằng hung thủ có thể đã say xỉn hoặc bị rối loạn tâm thần.
Kênh tin Ả Rập Al Jareera dẫn lời nhiều quan chức và nghị sĩ Afghanistan nghi ngờ vụ thảm sát là “tác phẩm” của một nhóm lính Mỹ chứ không phải của một người. Nghị sĩ Abdul Rahum Ayubi, đại diện tỉnh Kandahar, nhấn mạnh khó có thể tin rằng chỉ một hung thủ có thể xông vào ba ngôi nhà ở hai làng khác nhau, ở cách xa 2km, giết người rồi đốt thi thể. Một số dân làng cũng khẳng định họ nghe tiếng súng nổ phát ra từ các địa điểm khác nhau vào lúc rạng sáng.
Cùng với vụ lính Mỹ đốt kinh Koran, cuộc thảm sát nhắm vào thường dân Afghanistan một cách rõ ràng nhất ngày 11-3 đã đẩy quan hệ Mỹ - Afghanistan xuống mức thấp chưa từng thấy. Nó đang có nguy cơ làm dấy lên một làn sóng trả đũa mạnh mẽ. Đại sứ quán Mỹ ở Kabul cảnh báo các công dân Mỹ ở Afghanistan cần thận trọng. Trên mạng Internet, lực lượng Taliban đã thề sẽ trả thù “bọn man rợ Mỹ bệnh hoạn”.
“Bọn xâm lược Mỹ vô đạo tới nhà của các người, làm nhục phụ nữ và giết hại trẻ em. Vậy các người còn chờ đợi gì nữa? Hãy xuống đường biểu tình” - AFP dẫn lời anh Abdul Khaliq cho biết các đại diện của Taliban đã xuất hiện ở các làng thuộc quận Panjwai và kêu gọi người dân biểu tình.
Khó cho ông Obama
Vụ thảm sát ngày 11-3 là một cú tát giáng vào hình ảnh vốn đã thảm hại của Mỹ trong mắt người Afghanistan sau 10 năm chiến tranh. Một số quan chức Mỹ và Afghanistan dự báo vụ việc có thể khiến Washington và Kabul phải tạm hoãn ký thỏa thuận đối tác chiến lược, khung pháp lý của kế hoạch duy trì sự hiện diện Mỹ tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân vào năm 2014.
Báo Los Angeles Times dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng kế hoạch rút quân của ông Obama sẽ gặp nhiều trắc trở. Theo lịch trình, Mỹ sẽ rút 20.000 quân về nước vào tháng 9-2012 và hoàn tất việc rút quân vào năm 2014.
Kết quả khảo sát của ABC News và báo Washington Post cho thấy 60% người Mỹ cho rằng cuộc chiến Afghanistan là không đáng so với những thiệt hại quá lớn mà Mỹ đã phải bỏ ra. Chi phí cho cuộc chiến này hiện đã vượt qua 500 tỉ USD cộng với hơn 1.900 lính Mỹ thiệt mạng. Khoảng 54% đòi rút lính Mỹ sớm, kể cả khi quân đội Afghanistan chưa được huấn luyện đầy đủ. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo nếu Mỹ rút quân sớm, lực lượng an ninh Afghanistan sẽ có nguy cơ suy sụp. Trong khi đó, Taliban lại chỉ chờ Mỹ và liên quân rút khỏi Afghanistan, bởi vì như tình báo Mỹ cảnh báo, “Taliban cho rằng chiến thắng của họ là chắc chắn. Taliban tự tin cho rằng họ có đủ khả năng đánh bại lực lượng an ninh Afghanistan”. New York Times dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ Washington từng muốn kéo Taliban vào bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, nhưng Taliban cho rằng chẳng việc gì phải đàm phán với một lực lượng sẽ rút đi trong hai năm nữa.
Ngược lại, nếu ông Obama trì hoãn rút quân, đặc biệt trong năm bầu cử 2012, ông sẽ phải đối diện với nguy cơ bị mất phiếu. “Nhà Trắng đang rất thất vọng - Los Angeles Times dẫn lời chuyên gia Stephen Biddle thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế ở Washington nhận định - Họ đang cố thực hiện một chiến dịch rút quân hợp lý, nhưng liên tục bị thọc gậy bánh xe”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận