08/02/2012 08:10 GMT+7

Mỹ siết chặt cấm vận chống Iran

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh trừng phạt mới đối với Iran, động thái mà Tehran mô tả là “ngược ngạo và không có gì mới”.

SSzl9rp8.jpgPhóng to
Đồng rial bị mất giá vì cấm vận khiến thanh toán của Iran với nước ngoài gặp khó khăn - Ảnh: AFP

Theo AFP, sắc lệnh được ký hôm 6-2 đã phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của Chính phủ Iran, Ngân hàng Trung ương Iran và tất cả cơ sở tài chính của Iran trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ. Trước đây, các ngân hàng Mỹ chỉ được yêu cầu từ chối và trả lại các giao dịch của Iran chứ không bị cấm và phong tỏa như lần này.

“Tôi đã lường định sẽ không tránh khỏi những biện pháp trừng phạt khác, đặc biệt là những hành vi gian lận của Ngân hàng Trung ương và một số ngân hàng khác của Iran vốn đang che đậy các giao dịch tài chính với các bên bị cấm vận, những lỗ hổng của cuộc chiến chống rửa tiền và những mánh khóe tồi tệ của họ, kể cả nguy cơ tiếp diễn và không thể chấp nhận được đối với hệ thống tài chính quốc tế do các hoạt động của Iran gây nên” - ông Obama tuyên bố trong một bức thư gửi quốc hội.

Với sắc lệnh này, các biện pháp trừng phạt đã được nêu lên trong luật tài chính của Lầu Năm Góc mà Tổng thống Obama đã ban hành ngày 31-12-2011.

Xoa dịu Israel

Việc Mỹ tăng cường các biện pháp tài chính chống Iran được đưa ra vào lúc đang có nhiều đồn đoán Israel sẽ đơn phương tấn công Iran. Theo AFP, các nhà quan sát ở Mỹ lo ngại nếu bị tấn công, Iran sẽ trả đũa quân sự, điều này sẽ tác động lên kinh tế toàn cầu và khiến giá dầu tăng cao. Mặt khác, Mỹ sẽ không khỏi bị lôi kéo vào cuộc chiến để bảo vệ các đồng minh của mình ở Trung Đông, trong khi Mỹ vừa rút quân khỏi Iraq. Bởi vậy, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ vừa gây được sức ép lên Iran, buộc nước này ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình vừa xoa dịu được Israel về ý đồ tấn công quân sự Tehran. Nhìn chung, Mỹ muốn gây thiệt hại cho Iran càng nhiều càng tốt chứ không muốn các lợi ích của mình bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, như dư luận cho biết, đã yêu cầu các bộ trưởng chấm dứt chuyện ngồi lê đôi mách, nghĩa là đừng bàn luận, suy diễn và tuyên bố công khai về Iran nữa, kể từ sau khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tỏ ý quan ngại Israel sẽ tấn công Iran.

Theo AFP, hôm 6-2, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman đã có cuộc gặp với ủy viên quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ Dick Lugar, trọng tâm là về các biện pháp cấm vận và nỗ lực lôi kéo Nga, Trung Quốc tham gia cấm vận Tehran. Các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ sẽ đến Nga trong vài ngày tới để bàn về các nỗ lực toàn cầu nhằm gia tăng sức ép lên Iran và cô lập nước này với hệ thống tài chính quốc tế.

Buôn bán với châu Á gặp khó

Phản ứng trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast đã mô tả “đây là một hành động ngược ngạo, một kiểu tâm lý chiến và chẳng ảnh hưởng gì cả. Không có gì mới. Chuyện này đã diễn ra 30 năm qua”. Quốc hội Iran tuyên bố Iran đã sẵn sàng ban hành lệnh cấm xuất dầu sang châu Âu.

Tuy nhiên, giới kinh doanh đang lo ngại thương mại giữa Iran và châu Á có thể chậm lại vì lệnh cấm vận mới này của Mỹ khiến việc chi trả trở nên khó khăn hơn. Iran buộc phải dựa vào việc thanh toán bằng các loại tiền tệ không dễ quy đổi. Điều này sẽ làm tăng chi phí giao dịch và tăng sức ép lên chính đồng tiền của Iran. Reuters dẫn lời một nhà buôn quặng sắt ở New Delhi, Ấn Độ nói: “Hàng của Iran thì tôi có thể nhận được. Không thành vấn đề. Nhưng chi trả bằng cách nào lại là vấn đề”.

Một số nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã lâm vào tình thế khó khăn khi khách hàng của họ ở Iran không thể thanh toán được tiền nợ. Việc đồng rial bị mất giá nhanh chóng hồi tháng trước đã khiến cả những nhà nhập khẩu ở Iran và các trung gian ở Dubai khốn đốn vì việc chi trả đắt đỏ hơn. Họ phải quy đổi đồng rial sang USD rồi chuyển về lại Ấn Độ. Nếu việc thông thương với Iran bị chậm lại, chính Iran sẽ bị thiệt hại nhiều hơn các khách hàng của họ. Hiện nay, khoảng 1/3 lượng quặng sắt của Iran được bán cho Trung Quốc nhưng con số này chỉ chiếm khoảng 3% lượng nhập khẩu khổng lồ của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, dầu thô của Iran vẫn đóng vai trò là nguồn cung quan trọng cho các khách hàng châu Á bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc cắt giảm một nửa lượng dầu thô nhập từ Iran do bất đồng xung quanh vấn đề giá cả và cách chi trả. Iran muốn các khách hàng Trung Quốc trả tiền trong một thời gian ngắn, một dấu hiệu cho thấy Tehran đang cần tiền.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên