Ngày 4-2 (theo giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ phái bộ ở nước ngoài của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), và tiến hành triệu hồi hàng ngàn nhân viên trên toàn cầu, Hãng tin Reuters trích dẫn từ hai nguồn tin am hiểu về vấn đề này cho biết.
Theo đó, động thái này diễn ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định tiến hành sáp nhập USAID - cơ quan nhân đạo chuyên phân phối các khoản viện trợ trị giá hàng tỉ USD ra nước ngoài vào Bộ Ngoại giao, qua đó xóa bỏ tư cách cơ quan độc lập của USAID.
Các quan chức của Bộ Ngoại giao đã được ông Peter Marocco, người vừa được Tổng thống Trump bổ nhiệm phụ trách giám sát hoạt động của USAID vào hôm 3-2, thông báo rằng toàn bộ các nhân viên USAID cùng gia đình phải quay trở về Mỹ trước ngày 7-2.
Tuy nhiên, thời hạn này cũng có thể sẽ bị lùi lại, một nguồn tin cho biết.
Ngoài ra, theo một bản ghi nhớ nội bộ do Reuters thu thập được, nhiều nhân viên USAID làm việc tại trụ sở cơ quan ở Washington đã bị cho tạm nghỉ có lương vào tối 3-2. Bản ghi nhớ này cũng do ông Marocco ký.
Hai trong số nhiều nhân sự bị tạm nghỉ cho biết mỗi đơn vị trong USAID đã được chỉ đạo chỉ giữ lại "một nhóm nhân sự tối thiểu" để xác định chương trình nào sắp tới đây sẽ bị chấm dứt.
Hàng trăm chương trình của USAID, với tổng giá trị lên đến hàng tỉ USD viện trợ nhân đạo trên khắp thế giới, đã bị đình trệ hoàn toàn sau khi Tổng thống Trump ra lệnh đóng băng phần lớn viện trợ nước ngoài của Mỹ vào ngày 20-1, với lý do ông muốn đảm bảo các khoản chi tiêu phải phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của mình.
Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định ngừng tất cả các khoản viện trợ nước ngoài, hàng chục nhân viên của USAID đã nhận được email cho nghỉ có lương vào ngày 28-1 mà không kèm theo lời giải thích nào. Hàng trăm nhân viên hợp đồng làm việc trong nội bộ cơ quan bị sa thải. Một số trường hợp cứu trợ khẩn cấp đã được cấp phép ngoại lệ.
Ông Trump cũng đã giao nhiệm vụ thu hẹp quy mô cơ quan này cho tỉ phú Elon Musk, người trước đó đã cáo buộc mà không đưa ra bằng chứng rằng USAID là một "tổ chức tội phạm".
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thông báo cho Quốc hội trong một bức thư vào ngày 3-2 về kế hoạch tái cơ cấu sắp tới của USAID, nói rằng một số bộ phận của cơ quan này có thể được sáp nhập vào Bộ Ngoại giao, trong khi phần còn lại có thể bị giải thể.
Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), USAID có hơn 10.000 nhân sự, trong đó khoảng 70% làm việc tại nước ngoài. Cơ quan này có hơn 60 phái bộ quốc gia và khu vực.
Cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu thế giới
USAID (United States Agency for International Development) là cơ quan phát triển quốc tế của Chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ và hỗ trợ phát triển cho các quốc gia trên toàn cầu.
Thành lập vào năm 1961, mục tiêu của USAID là thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị, cải thiện điều kiện sống và hỗ trợ các quốc gia nghèo, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và an ninh.
USAID hoạt động ở hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. USAID có mặt tại Việt Nam từ những năm 1989.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận