14/09/2016 16:32 GMT+7

Mỹ quan ngại Bắc Kinh dùng tiền mua ảnh hưởng ở chính trường Úc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Úc, ông John Berry thẳng thắn rằng Washington cảm thấy rất ngạc nhiên trước sự can dự của chính phủ Trung Quốc trong chính trường nước Úc.

Thượng nghị sĩ Sam Dastyari xin lỗi công chúng sau bê bối nhận tiền từ công ty Trung Quốc - Ảnh: AFP

Trả lời báo The Australian trong cuộc phỏng vấn độc quyền ngày 14-9, Đại sứ John Berry nhấn mạnh: “Đó thật sự là một vấn đề hoàn toàn khác khi chính phủ Trung Quốc có thể trực tiếp rót tiền cho các ứng cử viên chính trị để thúc đẩy lợi ích quốc gia của họ”.

Theo ông Berry, cho dù số tiền đó đến từ bất kỳ chính phủ nào, dù là bạn hay thù, thì nó cũng không nên được xem là hợp pháp về dân chủ.

Tại Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Úc, các khoản quyên góp của nước ngoài bị xem là bất hợp pháp và Đại sứ Berry kêu gọi Úc nên cân nhắc về điều đó.

“Chúng tôi hi vọng rằng, trong khi giải quyết vấn đề này, Úc sẽ cân nhắc các hành động mà những nền dân chủ khác đã làm. Đó là bảo vệ trách nhiệm cốt lõi trong việc chống lại sự ảnh hưởng quá mức từ các chính phủ không chia sẻ cùng giá trị của chúng ta”, Đại sứ Berry kêu gọi.

Tài trợ chính trị từ các nguồn nước ngoài đang trở thành một vấn đề rất nhạy cảm ở Úc. Tuần vừa rồi, thượng nghị sĩ Sam Dastyari của đảng Lao động Úc thừa nhận đã nhận tiền từ Trung Quốc để lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, vốn mâu thuẫn trực tiếp với quan điểm chung của đảng này.

Cũng theo AFP, kể cả đảng Tự do của Thủ tướng Úc đương nhiệm Malcolm Turnbull cũng nhận được những khoản tài trợ đáng kể từ các công ty và cá nhân người Trung Quốc, vốn được cho là có liên hệ thường xuyên với chính quyền trung ương Bắc Kinh.

Không có dấu hiệu nào cho thấy những hành vi như thế nào sắp sửa bị cấm ở Úc.

Đại sứ Berry thẳng thắn: “Úc là một quốc gia có chủ quyền nhưng tôi không thấy bất cứ có cuộc tranh luận nào xảy ra xung quanh chuyện liệu sự can dự của một quốc gia nước ngoài qua các khoản quyên góp chính trị có thực sự thúc đẩy lợi ích của nước Úc hay không”.

Trong khi đó, Lãnh đạo đảng cực hữu Một quốc gia của Úc, bà Pauline Hanson ngày 14-9 đã sử dụng lại chính bài phát biểu đầu tiên của bà trước Quốc hội cách đây hai thập niên để lên án việc để cho Trung Quốc sở hữu tài sản ở nước này.

Bà Hanson chất vấn: “Bất kỳ quyền sở hữu nào nằm trong tay nước ngoài điều đáng tiếc, vậy tại sao chúng ta lại cho phép Trung Quốc sở hữu những tài sản đó của chúng ta?”.

“Đất và tài sản của chúng ta không phải để bán”, bà Hanson nhấn mạnh.

Thực tế, đứng trước các áp lực và chỉ trích, trong thời gian gần đây chính quyền Canberra bắt đầu chú ý đến các tập đoàn Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison hồi tháng 8 vừa rồi thông báo đã khước từ sự tham gia của hai tập đoàn Trung Quốc vào hệ thống lưới điện quốc gia vì lý do an ninh.

Trước đó, hồi tháng 4, chính phủ Úc cũng đã chặn thương vụ tập đoàn Bằng Hân Thượng Hải (Trung Quốc) mua lại tập đoàn chăn nuôi gia súc Kidman & Co vì lý do an ninh.

Kidman & Co là chủ đất tư nhân lớn nhất nước Úc. Tổng diện tích đất mà tập đoàn này sở hữu chiếm 1,3% tổng diện tích nước Úc và 2,5% diện tích đất nông nghiệp của nước này.

Phía Trung Quốc sau đó đã cáo buộc chính quyền Canberra đang áp dụng chủ nghĩa bảo hộ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên