Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày 13-11 - Ảnh: REUTERS
Phát biểu sáng 14-11 trước khi đến Singapore dự hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN, Thủ tướng Abe bày tỏ mong muốn có thể thảo luận chặt chẽ với các nhà lãnh đạo khu vực trong nỗ lực thúc đẩy sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trước đó, trong cuộc họp báo chung với ông Abe tại Tokyo ngày 13-11, Phó tổng thống Mỹ Pence chính thức tuyên bố Washington sẽ chi 60 tỉ USD cho sáng kiến này; 10 tỉ USD còn lại sẽ đến từ Chính phủ Nhật Bản, theo báo Yomiuri Shimbun.
Nhật Bản và Mỹ dự định sẽ phối hợp trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc xây dựng các cơ sở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Đông Nam Á.
Một khi hoàn thành, các cơ sở này sẽ mở đường cho việc tăng cường xuất khẩu LNG được sản xuất tại Mỹ sang châu Á.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực thông qua hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng dọc theo "Vành đai, Con đường", quyết định đầu tư của Washington và Tokyo bắt đầu cho thấy sự thức thời.
Hồi tháng 8-2016, phát biểu trong một hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản và các nước châu Phi, Thủ tướng Nhật Abe đã chính thức tuyên bố chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Bằng cách kết hợp cả hai châu lục Á-Phi và hai đại dương lớn của thế giới, người Nhật tin rằng đây sẽ là chìa khóa cho việc đảm bảo ổn định và thịnh vượng cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 11-2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam và phát biểu tại một sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao APEC, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Hồi cuối tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố sáng kiến đầu tư 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngay sau tuyên bố đó, chính quyền Nhật và Úc đã đánh tiếng ủng hộ, khẳng định sẽ cùng tham gia với Mỹ.
Như vậy, về cơ bản, có thể thấy sáng kiến của Nhật, Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang có sự chồng lấn với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn tới sự cạnh tranh nhưng cũng không thể loại trừ khả năng hợp tác giữa các nước liên quan.
Trong chiến lược của Nhật Bản, khu vực Mekong bao gồm các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam được xem là cầu nối giữa hai đại dương.
Để hiện thực hóa điều này, Tokyo đã thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng thông qua các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế phía Nam với điểm xuất phát từ Myanmar, Thái Lan và kết thúc ở bờ biển Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận