26/04/2015 17:45 GMT+7

Mỹ muốn tiếp cận 8 căn cứ quân sự của Philippines

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Bốn địa điểm nằm trên đảo lớn nhất Philippines Luzon, nơi Mỹ và Philippines thường tập trận chung, hai căn cứ khác trên đảo Cebu và hai điểm ở đảo phía tây Palawan, gần quần đảo Hoàng Sa.

* Nhật Bản đóng 10 tàu tuần tra cho Philippines

Tàu chiến BRP Rajah Humabon của Philippines - Ảnh: wikipedia.org 

Mỹ đã yêu cầu tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines ở tám địa điểm khác nhau để triển khai lại các binh sĩ, máy bay và tàu chiến của họ khi Washington chuyển lực lượng sang châu Á giữa bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở biển Đông.

Ngày 25-4, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter, trong một bài phát biểu ở Arizona, đã vạch ra bước tiếp theo cho chính sách “xoay trục” châu Á của Mỹ, với việc triển khai các tàu khu trục, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tối tân trong vùng.

Trước đó, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đã được cơ cấu lại ở thành phố Darwin thuộc Úc.

Theo Reuters, tám địa điểm ở Philippines đã được quân đội Mỹ nhắm tới để triển khai quân, máy bay và tàu chiến nhằm phục vụ cho các hoạt động diễn tập quân sự.

Tướng Philippines Gregorio Catapang cũng đã công bố thông tin này trên đài truyền hình Philippines ABS-CBN, nhưng Mỹ sẽ phải đợi Tòa tối cao Philippine ra phán quyết về các thỏa thuận quân sự mới, được ký vào năm ngoái.

Mỹ cũng muốn quay lại hai căn cứ cũ của họ ở nước này là Subic và Clark, nơi quân Mỹ từng đồn trú tới tận năm 1992.

Trong một diễn biến khác, Bộ thông tin và vận tải Philippines đã giao thầu 10 chiếc tàu tuần tra đa chức năng cho một nhà thầu Nhật Bản trong tuần rồi.

Dự án trị giá gần 200 triệu USD này được giao cho Tập đoàn hàng hải thống nhất Nhật Bản, với mục tiêu tăng cường năng lực trên biển của quân đội Philippines.

“Dự án này là một phần trong chương trình của chính phủ trang bị cho các lực lượng những thiết bị cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển”, Bộ trưởng thông tin và vận tải Joseph Emilio Abaya nói.

Dự án này sẽ được triển khai thông qua chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản, thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Các tàu tuần tra dài 40 mét dự kiến sẽ được giao trong giai đoạn từ quý 3-2016 tới quý 3-2018.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên