20/06/2015 07:52 GMT+7

Mỹ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa đảo nhân tạo

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Washington vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông. Các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo không có chuyện Bắc Kinh nhượng bộ.

Người dân Philippines biểu tình tố cáo Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông, trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Makati ngày 19-6 - Ảnh: Reuters
Người dân Philippines biểu tình tố cáo Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông, trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Makati ngày 19-6 - Ảnh: Reuters
 Mỹ và các nước đồng minh cần duy trì sự hiện diện liên tục cả trên biển và trên không ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc có những hành vi bắt nạt, gây hấn với Philippines, Việt Nam hay Malaysia. Mỹ nên mời quan sát viên quân sự các nước khu vực như Philippines và Việt Nam tới quan sát các cuộc tập trận 
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc)

Trong cuộc họp báo hôm 18-6, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết trái với những cáo buộc ồn ào của truyền thông Trung Quốc, Washington hoàn toàn không có ý định đối đầu quân sự với Bắc Kinh.

“Biển Đông không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, là vấn đề giữa Trung Quốc và luật pháp quốc tế. Việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở trên các đảo nhân tạo khiến không chỉ Mỹ mà tất cả các nước khu vực lo ngại” - ông Russel khẳng định.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cảnh báo có khả năng Trung Quốc sẽ quân sự hóa các “tiền đồn” và việc này đi ngược lại mục tiêu giảm căng thẳng trên Biển Đông. Tự do hàng hải và hàng không đang bị đe dọa. Chúng ta phải đảm bảo các nguyên tắc như không đe dọa, không sử dụng vũ lực, không cản trở thương mại hợp pháp, đòi chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình” - ông Russel nói.

Ông Russel thông báo trong cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) tuần tới ở Washington, phía Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra vấn đề Biển Đông.

“Điều chúng tôi muốn là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao. Chúng tôi muốn đảm bảo ở Biển Đông, kể cả những chiếc tàu đánh cá nhỏ nhất của Philippines hay Việt Nam, cũng có thể di chuyển trên vùng biển quốc tế một cách tự tin giống như những chiếc tàu chiến lớn nhất của Mỹ” - ông Russel nhấn mạnh.

Tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ chủ trì S&ED. Đại diện phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương.

Trên thực tế hồi đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận việc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở trên các đảo nhân tạo trái phép vì cả mục tiêu quân sự và dân sự.

Sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ sớm hoàn tất lấn biển, xây đảo nhân tạo, một số nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể đã nhượng bộ trước sức ép quốc tế.

Báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Huang Jing thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận định với thông báo trên, Bắc Kinh đi một bước dừng hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép như Washington yêu cầu, nhưng cũng đồng thời khẳng định với dư luận nước này rằng “nhiệm vụ” trên Biển Đông đã hoàn tất.

Tuy nhiên trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Prashanth Parameswaran bình luận sẽ là sai lầm và ngu ngốc nếu nghĩ Trung Quốc nhượng bộ.

Ông Parameswaran cho rằng thông báo của phía Trung Quốc hoàn toàn không có gì cụ thể. Và kinh nghiệm quá khứ cho thấy Bắc Kinh thường “câu giờ” để đạt mục tiêu ngoại giao trước mắt, sau đó tiếp tục các hành vi gây hấn. Chuyên gia Parameswaran dự báo có thể Bắc Kinh muốn tạm thời làm dịu căng thẳng ở Biển Đông để tránh bị chỉ trích tại S&ED và trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ. Và chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp này.

Chuyên gia Parameswaran nhấn mạnh dù Trung Quốc có giải thích như thế nào đi nữa thì hành vi lấn biển, xây đảo nhân tạo vẫn là bất hợp pháp, đe dọa hòa bình và ổn định trên Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN.

Bi quan hơn, giáo sư Joseph Siracussa của Viện Công nghệ Melbourne (Úc) dự báo Trung Quốc có thể sẽ gây chiến trên Biển Đông trong vòng 10 năm tới.

Trong khi đó, cựu tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ James Lyons, hồi đầu tuần này trên báo Washington Times, cho rằng Mỹ cần phải can thiệp để đảm bảo duy trì “hòa bình vũ trang” trong khu vực, nếu không sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ gây chiến để giành quyền kiểm soát Biển Đông.

Dân Philippines lo Trung Quốc gây chiến

Theo AFP, khảo sát mới công bố ở Philippines cho thấy cứ 10 người Philippines thì có 8 người lo ngại Trung Quốc sẽ gây xung đột vũ trang trên Biển Đông. Trong số 1.200 người được hỏi thì có 84% lo lắng với nguy cơ xung đột.

Nhiều người Philippines cho rằng chính phủ nước này phản ứng quá nhẹ trước việc tàu Trung Quốc liên tục quấy rối ngư dân Philippines trên Biển Đông.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên