Cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Paul Manafort (giữa), bị dẫn giải tới tòa tại Tòa tối cao New York ở New York, Mỹ ngày 27-6-2019 - Ảnh: Reuters
Bản báo cáo công bố ngày 18-8 có chữ ký phê duyệt của các thành viên thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đây là báo cáo được soạn trên cơ sở thông tin thu thập từ những cuộc phỏng vấn với 200 người và hơn 1 triệu trang tài liệu.
Báo cáo là những nội dung trọng yếu nhất cho tới nay được rút ra từ cuộc điều tra của lưỡng đảng về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cho rằng đó là "sự mô tả toàn diện nhất cho tới nay về các hoạt động của Nga và nguy cơ từ họ".
Khẳng định Nga đã can thiệp bầu cử
Về đại thể, báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cho rằng Matxcơva đã sử dụng thành công một mạng lưới phức tạp gồm các điệp viên và những biện pháp hiệu quả để gài bẫy các thành viên trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Trong một số trường hợp, những người bị gài bẫy đó được cho là khiến chính quyền mới dễ bị thao túng hơn.
Báo cáo cho rằng đích thân Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh cho chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ; các thành viên cao cấp trong đội ngũ thân cận thuộc chiến dịch tranh cử của ông Trump đã duy trì mối quan hệ thân cận với các nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng lớn của Nga và các gián điệp.
Báo cáo tập trung vào những nhân vật chủ chốt của Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump, đồng thời xem xét cả những động thái can thiệp bầu cử do lực lượng tình báo Nga và các tổ chức như trang web WikiLeaks, một tổ chức mà bản báo cáo cho rằng đã hỗ trợ tình báo Nga.
Không những thế, báo cáo còn kết luận ông Paul Manafort - chủ tịch chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Donald Trump, còn là "nguy cơ phản gián nghiêm trọng" vì các mối quan hệ của ông này với những người thân cận với Điện Kremlin.
Ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ còn nhận thấy cuộc điều tra của Cơ quan Điều tra liên bang (FBI) về can thiệp bầu cử của Nga đã có những khiếm khuyết.
Dù vậy, theo truyền thông Mỹ, bản báo cáo lại không tìm ra chứng cứ nào cho thấy các quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông Trump hoặc sẵn sàng hoặc chủ động hợp tác với Nga để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016.
Chưa thể buộc tội ông Trump
Về bản báo cáo này, theo Đài ABC (Mỹ), nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đệ trình "quan điểm bổ sung" cho báo cáo, cho rằng cần nói rõ ràng việc chiến dịch tranh cử của ông Trump đã không cấu kết với Nga.
Theo họ, mặc dù báo cáo cho thấy Chính phủ Nga "đã can thiệp không phù hợp" bầu cử Mỹ, song "ứng cử viên tổng thống khi đó là ông Trump đã không liên quan".
Trong khi đó, một nhóm các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ lại muốn bổ sung quan điểm cho rằng báo cáo "chứng tỏ rõ ràng các thành viên trong chiến dịch của ông Trump đã hợp tác với các động thái giúp ông Trump đắc cử".
Vì những bất đồng sâu sắc này mà các quan điểm bổ sung đã không được thêm vào báo cáo công bố. Theo thượng nghị sĩ Mark Warner của Đảng Dân chủ, bản báo cáo này được làm theo cách "để mọi người dân Mỹ tự đưa ra đánh giá của họ".
Thêm một lần nữa, ngay sau khi truyền thông Mỹ loan tin về báo cáo điều tra của Thượng viện Mỹ, các hãng thông tấn nhà nước của Nga nhắc lại những lời khẳng định dứt khoát từ văn phòng Tổng thống Vladimir Putin rằng Matxcơva không liên quan gì tới việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga gắn kèm vào một bài báo nói về báo cáo vừa công bố của Ủy ban Tình báo thượng viện một tuyên bố từng đưa ra từ trước đây của ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin: "Điện Kremlin lấy làm tiếc khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020 đang tới gần, ngày càng nhiều hơn những cáo buộc Nga cố tình can thiệp quá trình bầu cử sẽ xuất hiện".
Đã không ít lần ông Peskov cũng như Tổng thống Putin bác bỏ việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận