17/11/2011 07:57 GMT+7

Mỹ đưa 2.500 quân đến Úc

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á tại Bali (Indonesia), mọi quan tâm và chú ý của các nước trong khu vực đều đổ dồn vào vấn đề biển Đông.

LT1ca5U5.jpgPhóng to

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Julia Gillard cùng công bố thỏa thuận triển khai quân đội Mỹ tại Úc - Ảnh: Reuters

Tiếp tục chuyến đi chín ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở châu Á - Thái Bình Dương, báo Úc Sydney Morning Herald đưa tin ngày 16-11, ông Obama đã đến Canberra, chặng dừng chân thứ hai sau Hawaii.

Sau cuộc thảo luận với ông Obama, Thủ tướng Úc Julia Gillard tuyên bố Mỹ sẽ đưa khoảng 2.500 quân đến Darwin, thành phố phía bắc nước Úc. Theo thỏa thuận quân sự song phương Mỹ - Úc, quân đội Mỹ sẽ không lập một căn cứ quân sự mới ở Úc, mà sẽ luân chuyển lực lượng tại Úc để dễ dàng tiếp cận biển Đông hơn so với việc đóng quân tại các căn cứ Mỹ ở Nhật và Hàn Quốc.

Tổng thống Obama khẳng định việc Mỹ triển khai quân ở Úc sẽ giúp “đảm bảo cấu trúc an ninh ở châu Á”, giúp Mỹ phản ứng kịp thời với các vấn đề nhân đạo và an ninh khu vực cũng như tăng cường khả năng triển khai lực lượng để hỗ trợ các chiến dịch cứu trợ thảm họa thiên nhiên.

“Thỏa thuận quân sự với Úc sẽ tạo điều kiện cho Mỹ có được sự cân bằng địa lý hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ dễ dàng đảm bảo một loạt lợi ích và khẳng định sự hiện diện quân sự cần thiết trong khu vực” - Reuters dẫn lời phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết. Giới quan sát nhận định thỏa thuận với Úc là cách Mỹ phản ứng lại việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự ở khu vực và gây hấn ở biển Đông. Mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận quân sự Mỹ - Úc “có thể là không phù hợp”.

Thảo luận vấn đề biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN và Đông Á?

“Chúng tôi tin rằng vấn đề an ninh hàng hải là một chủ đề thích hợp để thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Bali - Reuters dẫn lời ông Ben Rhodes cho biết hôm 15-11 - Và trong vấn đề an ninh hàng hải, rõ ràng vấn đề biển Đông là một mối quan ngại”.

Tuyên bố này rõ ràng cũng là thông điệp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn nhắn gửi Trung Quốc. Trước đó một ngày, như Tân Hoa xã cho biết, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã lên tiếng phản đối việc thảo luận vấn đề biển Đông ở Bali. “Trung Quốc tin rằng cần phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên có liên quan trực tiếp - ông Lưu Chấn Dân nhắc lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh - Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài sẽ làm vấn đề thêm phức tạp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực”.

Trên chuyến bay đưa ông Obama đến Úc và đến Bali sau đó, ông Rhodes nhấn mạnh EAS “không phải là một diễn đàn để giải quyết các vấn đề lãnh thổ”, nhưng “là diễn đàn để xây dựng các nguyên tắc xử lý các vấn đề lãnh thổ”. “Biển Đông sẽ là một phần trong cuộc thảo luận an ninh hàng hải, và chúng tôi sẽ tập trung vào các nguyên tắc đảm bảo dòng lưu chuyển tự do của thương mại”.

Mỹ cam kết hỗ trợ Philippines

Theo báo Philippines Daily Inquirer ngày 16-11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (hiện đang thăm Philippines) tuyên bố Mỹ cam kết hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Philippines để đối phó với “các thách thức mới”. Đứng trên tàu chiến Mỹ USS Fitzgerald, đang neo đậu ở cảng Manila, bà Hillary Clinton khẳng định: “Mỹ muốn hợp tác với Philippines về các vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải, khi Philippines đang tăng cường năng lực quốc phòng”.

“Tuyên bố này khẳng định sức sống của liên minh hai nước, đặc biệt trong thời điểm Philippines đang phải đối mặt với các thách thức về lãnh thổ ở biển Tây Philippines” (tức biển Đông) - Ngoại trưởng Philippines Alberto Del Rosario, đứng bên cạnh bà Hillary Clinton, diễn giải. Bà Clinton cũng kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông không gây hấn.

AP dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên tiết lộ Washington đang xem xét cung cấp tàu chiến thứ hai cho Philippines sau tàu chiến đầu tiên hồi tháng 8. “Chúng tôi đang nỗ lực nhằm cải thiện năng lực của hải quân Philippines để đối phó với các thách thức hàng hải” - quan chức này cho biết.

Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực

Hôm nay 17-11, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Bali, Indonesia. Trả lời báo chí chiều 16-11, liên quan đến việc Mỹ tuyên bố đẩy mạnh hơn sự hiện diện ở khu vực cũng như việc Philippines kêu gọi ASEAN đoàn kết hơn nữa để đối phó với những thách thức mới, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định: “Chúng tôi sẽ không để ASEAN trở thành nơi các nước lớn tranh chấp với nhau. ASEAN có lợi ích rõ ràng trong việc đưa ra giải pháp cho các vấn đề và những quan ngại của thế giới giờ đang được giải đáp”.

Liên quan đến biển Đông, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối các nước liên quan có hành động làm tồi tệ thêm tình hình. Những nước nào làm như vậy thì sẽ bị dư luận nhận diện rõ”.

Ngoại trưởng Marty Natalegawa cho biết thêm vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), bởi “Trung Quốc khẳng định sẽ tham gia bàn thảo vào thời điểm thích hợp, điều kiện thích hợp, nhưng chưa biết khi nào và điều kiện thích hợp đối với họ là gì”.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên