18/01/2018 09:50 GMT+7

Mỹ đòi siết an ninh biển chặn giao thương với Triều Tiền

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Vancouver (Canada), Mỹ và các đồng minh hối thúc các nước lớn ủng hộ việc tăng cường an ninh trên biển để chặn đứng các chiêu thức lách trừng phạt của Bình Nhưỡng.

Mỹ đòi siết an ninh biển chặn giao thương với Triều Tiền - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (trái) và người đồng cấp Rex Tillerson tại cuộc họp báo ngày 16-1 ở Vancouver - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, trong tư cách đồng chủ trì cuộc họp tại Vancouver ngày 16-1, đã hối thúc các nước tham dự hội nghị ủng hộ những chiến thuật mới nhằm ngăn chặn hoạt động giao dịch và vận tải trên biển các nguyên liệu hạt nhân, hay hàng hóa nhập khẩu vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Nghi ngờ hiệu quả thực tiễn

Các bên tham dự Hội nghị Vancouver tái khẳng định cam kết thực thi kế hoạch phi hạt nhân hóa "toàn diện, tin cậy và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên".

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát và ngay chính Bắc Kinh cũng như Matxcơva đã tỏ ý ngờ vực về hiệu quả thực tiễn việc tổ chức phiên họp tại Vancouver, khi cả Nga và Trung Quốc đều vắng mặt. Trong công cuộc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, sự ủng hộ của Bắc Kinh vẫn là yếu tố mấu chốt quyết định thành bại trong việc thực thi một giải pháp ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu quan điểm trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh: "Các bên liên quan quan trọng nhất trong vấn đề bán đảo Triều Tiên đã không tham dự phiên họp, vậy nên tôi không nghĩ cuộc họp này là hợp pháp hoặc mang tính đại diện". Ông Lục Khảng cũng lên án "tinh thần chiến tranh lạnh" của Mỹ khi hối thúc Bắc Kinh cắt nguồn cung dầu lửa cho Bình Nhưỡng.

Dẫu thế thì sau khi phiên họp kết thúc, ngoại trưởng Mỹ vẫn khẳng định các đồng minh đã thể hiện tinh thần đoàn kết, họ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và Nga trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ, gây sức ép để buộc ông Kim Jong Un phải tự chấp nhận đàm phán về quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thời gian qua, Triều Tiên đã bị cáo buộc có những hoạt động lách lệnh trừng phạt bằng cách giao dịch, thuyên chuyển hàng hóa từ các tàu nước ngoài sang tàu nước này ở các vùng biển quốc tế. Truyền thông cũng như các cơ quan Chính phủ Mỹ đã công bố những hình ảnh chụp từ vệ tinh cáo buộc hoạt động buôn bán dầu vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ giữa Triều Tiên và Nga, Trung Quốc tại các vùng biển.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các chiến dịch hành động trên biển nhằm ngăn chặn các tàu hàng theo cách đó có thể bị coi là một hành động chiến tranh và nhiều khả năng sẽ kích động một phản ứng tàn khốc từ Triều Tiên. Nhiều tờ báo tại Washington cho biết chí ít quân đội Mỹ đã lên kế hoạch chuẩn bị một cuộc tấn công chủ động của họ, một đòn tấn công được cho là ở mức hạn chế và có tính răn đe, buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên phải hiểu rằng lựa chọn an toàn cho Bình Nhưỡng là một thỏa thuận sau đàm phán.

Ông Tillerson từ chối đả động tới các vấn đề thuộc về kế hoạch hành động quân sự, cũng không nói Tổng thống Donald Trump đã có thông tin đầy đủ về cuộc sống phía Bình Nhưỡng hay chưa, nhưng cảnh báo cuộc khủng hoảng đang tiến tới mức cao trào.

Tiếp tục ngoại giao thể thao

Trong diễn tiến song song, Hội nghị liên Triều tiếp theo diễn ra ngày 17-1 kết thúc với nội dung đáng kể nhất là việc Triều Tiên đề nghị cử 230 cổ động viên tới tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc và dự kiến tham dự luôn Paralympic trong tháng 3.

Khi cuộc họp bắt đầu khai mạc tại phần địa giới phía nam của làng đình chiến Panmunjom, Hãng tin AFP dẫn phát biểu của ông Jon Jong Su, trưởng phái đoàn Triều Tiên: "Quan hệ liên Triều đã căng thẳng suốt 10 năm qua. Chúng tôi hi vọng các mối quan hệ có thể mở ra".

Trong cuộc họp lần này, mỗi bên có ba quan chức tham gia. Các kết quả đạt được sau đó sẽ phải được thảo luận lại giữa phía liên Triều và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tại Lausanne, Thụy Sĩ trong cuộc họp dự kiến diễn ra thứ bảy tuần này (20-1). IOC sẽ phải chấp thuận việc có thêm các vị trí tham dự cho vận động viên Triều Tiên, sau khi họ không đạt tiêu chuẩn hay đã quá thời hạn chót đăng ký.

Tuần trước, Seoul có "sáng kiến" đề nghị Bình Nhưỡng thành lập một đội khúc côn cầu trên băng dành cho nữ gồm các vận động viên chung của hai nước, cùng cả đội diễu hành chung liên Triều trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội.

Tuy nhiên, sau khi thông tin này phát đi, công luận Hàn Quốc dấy lên nhiều quan điểm phản đối, chỉ trích chính phủ. Một số ý kiến cáo buộc chính quyền của Tổng thống Moon Jae In đã "cướp" mất cơ hội thi thố tài năng của các nữ vận động viên môn này chỉ để phục vụ các mục tiêu chính trị. Hàng ngàn người đã tham gia góp chữ ký trong hàng chục đơn kiến nghị tập thể online trong trang web của tổng thống Hàn Quốc, đề nghị ông Moon Jae In hủy bỏ kế hoạch "chơi chung" đó.

Triều Tiên cũng chưa có phản hồi gì về đề xuất "chơi chung một đội" của Hàn Quốc với môn khúc côn cầu nữ. Đầu tuần này, Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ một quan chức thể thao giấu tên cho biết không có kế hoạch tổ chức đội tuyển chung nào ở các môn thể thao khác.

Hoan nghênh đàm phán liên Triều

Bất kể những thận trọng của Mỹ, phần đông ngoại trưởng tham dự cuộc họp cấp cao tại Vancouver đều tỏ quan điểm hoan nghênh quyết định của Triều Tiên trong việc tổ chức đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc và cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông, coi đây như một tín hiệu tích cực đáng kể giải tỏa tình thế bế tắc hiện nay.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên