Phóng to |
Ngôi nhà nhỏ cheo leo dưới chân núi Lớn (TP Vũng Tàu) là nhà của bà Nguyễn Hồng Đào. Nhà lụp xụp, bức tường được ghép với nhau bằng những tấm gỗ thông ép mỏng, hễ trời mưa là dột tứ bề.
Chồng mất, một mình bà nuôi bốn người con khôn lớn nhờ nghề bẻ măng rừng. Hơn 20 năm gắn với nghề, cứ đến mùa măng (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), bà lại xách bao lên rừng. “Hái được cọng măng cũng khó nhọc lắm. Mỗi lần hái về là phải tắm ngay vì rất ngứa. Nhiều đêm chỉ biết nằm gãi, chẳng thể ngủ được”.
Bà đưa tay chỉ những vết thẹo, vết trầy xước chằng chịt trên tay, chân của mình nói vui đó là “kỷ niệm” của những lần trèo núi, băng rừng để hái măng. Bà tự hào bảo rằng cực thì có cực nhưng cũng nhờ măng mà nuôi được đàn con nên người.
Vừa bẻ măng, bà Trần Thị Dung chỉ con út của mình là Nguyễn Hoàng Hiếu, cũng đang bẻ măng gần đó, nói: “Không quen trèo núi nên hai mẹ con bị té gãy chân mấy lần. Muốn hái được măng phải biết bò, trườn, lết đủ tư thế. Nhưng dù sao cũng đỡ hơn đi làm thuê. Mỗi ngày may mắn kiếm được hơn chục ký, bán lại cũng được hơn trăm ngàn gửi về nhà lo cho gia đình”. Nhà ở Bình Dương nhưng cứ đến mùa măng rừng là bà lại cùng con đến núi Lớn để mưu sinh.
Bà Lương Thị Rõ (thôn Chu Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành) cũng một mình mưu sinh với nghề bẻ măng rừng nuôi đàn con khôn lớn gần chục năm nay. Hằng ngày, cứ 5g sáng, bà lại leo núi bẻ măng để chiều về bán lại cho thương lái.
Mấy năm nay, bé Mập (con gái thứ hai của bà) cũng theo mẹ lên rừng. Cô bé 15 tuổi, nhỏ xíu so với tuổi của mình, thổ lộ: “Nhà khó khăn quá nên em nghỉ học đi hái măng kiếm tiền phụ mẹ lo cho em ăn học. Còn một ít tiền mẹ cho lại thì em dành dụm để sau này đi học bổ túc, học nghề”.
Bà Rõ bảo dù bé Mập đã đi hái măng được mấy năm nhưng bà vẫn không dám cho con đi một mình vì sợ lạc đường và gặp nguy hiểm.
“Bẻ măng trên núi cao, dốc dựng đứng, trơn trượt lại gặp rắn, rết, ong rừng... rất nguy hiểm. Mình có bị tai nạn cũng không sao chứ nó còn trẻ quá. Nhìn thân hình nhỏ xíu của con lẫn trong cây rừng mà ứa nước mắt. Hai mẹ con hứa với nhau hi vọng mùa măng này cố dư được chút đỉnh để mua bộ quần áo mới cho bé út đi học vì đồ của con đã rách cả rồi” - bà Rõ thổ lộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận