02/03/2019 14:18 GMT+7

Muốn sân khấu tồn tại, người làm nghề phải 'cựa quậy'

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Câu chuyện làm sao để không còn bám víu vào 'bầu sữa' ngân sách, thật sự bán được vé để sàn kịch có thể đi bằng chính đôi chân mình vẫn là vấn đề đau đầu với sân khấu kịch phía Bắc.

Muốn sân khấu tồn tại, người làm nghề phải cựa quậy - Ảnh 1.

Vở kịch Nữ ca sĩ hói đầu - Ảnh: THANH HIỆP

Bản chất lớn nhất của sân khấu là đối thoại, không đối thoại được với cuộc sống thì... nghỉ chơi! Mình diễn cho người ta xem mà không đưa ra được những vấn đề người ta quan tâm, bức xúc, trăn trở thì ai mà xem.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

1. Đêm 23-2, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, suất diễn mở màn sau tết của Đoàn kịch LucTeam - một đơn vị kịch tư nhân hiếm hoi của sân khấu phía Bắc do nghệ sĩ Trần Lực thành lập tháng 11-2017, khán giả chộn rộn mua vé trong thời tiết khá lạnh. 

Đón khán giả ngay cửa ra vào, nghệ sĩ Trần Lực vui vẻ nói: "Mọi người thông cảm, bán vé, soát vé, hậu đài, diễn viên... đều là các em sinh viên nên vẫn còn lúng túng lắm!".

Hôm ấy, sân khấu diễn vở kịch phi lý hay còn gọi là "hài kịch - nghịch dị" của tác giả Eugène Ionesco Nữ ca sĩ hói đầu (đạo diễn: Trần Lực). Đạo cụ, cảnh trí trong vở diễn khá đơn giản trên phông nền trắng - đen, suốt vở hầu như không có chuyển cảnh. Diễn viên cũng không nhiều, chỉ độ 5, 6 người. Kịch không có nhiều cao trào, không có nhiều hành động kịch, các nhân vật cứ thế rề rà với những câu thoại.

Những tình huống bày ra đôi lúc thật ngớ ngẩn, phi lý, các nhân vật cứ thế hồn nhiên trong sự phi lý của mình để rồi một khi đã thấm, khán giả nghiệm ra rằng có lý đó chứ, mặc dù có thể có lý trong chua chát. Một cặp vợ chồng trưởng giả người Anh gần như đi trọn đời bên nhau mà vẫn cảm thấy xa lạ, không thể thấu hiểu, không thể "nhận" ra nhau...

2. NSƯT Triệu Trung Kiên - phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN, người gần như không bỏ sót vở diễn nào của LucTeam từ ngày đầu thành lập, từ vở Quẫn rồi Cơn ghen của Lọ Lem - tỏ ra thích thú khi nói về đoàn kịch tư nhân này: "Kịch của LucTeam không dễ xem, nếu bạn đến với tâm thế xem một vở kịch giải trí thông thường sẽ có chút thất vọng. Có thể nói anh là người tiên phong liều lĩnh và tôi thích sự liều lĩnh của anh trong tình hình sân khấu trầm lắng như hiện nay".

NSƯT Trần Lực chia sẻ nhiều người cho là anh... quẫn khi trong thời điểm dở hơi cám hấp như thế này mà lại ra sân khấu. 

"Muốn sân khấu tiếp tục tồn tại, người làm nghề phải "động đậy", cựa quậy. Muốn tồn tại phải có sự khác biệt. Sân khấu chết là do chúng ta làm như thế nào thôi, tại anh làm chán khán giả mới không mua vé. Anh diễn kịch mà khán giả chịu bỏ tiền mua từng tấm vé của anh đó mới là sống thật".

NSND Lê Khanh, ngôi sao kịch nói đất Bắc, đã bỏ thời gian mấy tháng trời ròng rã cùng các bạn trẻ trong nhóm LucTeam tập luyện cho vở Nữ ca sĩ hói đầu. Với diễn xuất vẫn rất thanh xuân trong một êkip trẻ, chị đúc kết: "Không phải khán giả không muốn xem sự khác biệt, mà quan trọng sự khác biệt đó có chinh phục được giới trẻ hay không".

3. Tư duy muốn thay đổi, tự chủ bán được vé cho khán giả ở một số đoàn cải lương phía Bắc xem ra vẫn còn cam go, vì tâm lý muốn được an toàn khi vẫn trông chờ vào "bầu sữa" ngân sách. 

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho rằng có đơn vị chưa hướng tới khán giả, chưa đặt sự quan tâm sức nặng sống chết trong từng vở diễn. Vấn đề bán vé hay không vẫn còn nằm trong tính toán nâng lên đặt xuống với một sự e ngại.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc Sân khấu IDECAF, một ông bầu có nhiều kinh nghiệm ở sân khấu xã hội hóa phía Nam - khẳng khái: "Sân khấu IDECAF cũng khó khăn, cũng đang tự ăn mòn. 

Diễn viên lên tivi hết đến nhàm chán thì ai mà chịu khó đến sân khấu coi. Sân khấu nhà nước hay tư nhân cũng vậy, phải sòng phẳng với khán giả. Chức năng cao nhất của nghệ thuật cũng phải đáp ứng được nhu cầu giải trí. 

Đầu tiên sân khấu phải tự thấy mình dở. Chúng ta phải tôn trọng khán giả, làm hay thì họ coi, không hay tự động dần dần khán giả biến mất!".

Đồng tình với quan điểm sòng phẳng với khán giả của ông Tuấn, đạo diễn Trần Lực vẫn đang kiên trì với lối đi riêng của mình với những vở diễn cần có sự tập luyện cao độ của các diễn viên (mất 4-6 tháng tập luyện) để mỗi một sự di chuyển, mỗi một câu thoại có ý nghĩa riêng. 

Anh ý thức rất rõ một đơn vị tư nhân sẽ không có ai hỗ trợ, chạy vạy thuê rạp cho từng đêm diễn. "Chúng tôi tìm lối đi khác biệt để có một đối tượng khán giả riêng. Bọn tôi sẽ nỗ lực hết mình nhưng nếu làm không hay, khán giả không mua vé thì chúng tôi chấp nhận dẹp!".

Sân khấu cả nước đang có những khó khăn và chuyện bán được vé ở các sân khấu kịch, cải lương phía Bắc càng nan giải hơn. Những "cựa quậy" của những con người tâm huyết chưa thể khẳng định hiệu quả ra sao, nhưng ít ra có những động thái tích cực vẫn hơn ngồi đó than vãn...

Sân khấu Hà Nội và nỗi buồn kịch bản Sân khấu Hà Nội và nỗi buồn kịch bản 'nông choèn'

TTO - Thêm một lần nữa sân khấu Hà Nội lại xới lên câu chuyện khán giả tại hội thảo Sân khấu Thủ đô với khán giả hôm nay, được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vào sáng 12-7.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên