Sau khi nghị định 168 có hiệu lực với mức phạt vi phạm giao thông tăng cao, nhiều người dân vẫn chủ quan và vi phạm các lỗi: chạy xe trên vỉa hè, chạy ngược chiều và phổ biến nhất là rẽ phải khi đèn đỏ.
Nhằm góp thêm góc nhìn xung quanh vụ việc, sau đây là ý kiến bạn đọc Huỳnh Lê gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Mặc định đèn đỏ được rẽ phải để tránh kẹt xe
Mấy ngày nay, quanh bàn cà phê sáng là câu chuyện về nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là việc rẽ phải hay không rẽ phải, rẽ sao cho đúng luật để không bị xử phạt.
Hiện tôi sống ở An Giang, nhưng có người nhà tại TP.HCM nên thường xuyên đến đây và để ý: hình như ở đây mọi người có thói quen rẽ phải khi đèn đỏ, như là mặc định.
P., anh bạn tôi, giải thích: Khi rẽ phải sát lề đường hoàn toàn không gây nguy hiểm cho dòng xe đang chạy theo đèn xanh. Hơn nữa, vào giờ cao điểm xe máy rất đông nên việc rẽ phải cũng là giải pháp để tránh kẹt xe ở TP.HCM.
Theo tìm hiểu, không riêng gì trường hợp anh bạn, một số người cũng có suy nghĩ tương tự. Mãi đến sau này khi nghị định 168 áp dụng, một số người mới vỡ lẽ: Bao năm nay việc mặc nhiên rẽ phải lúc đèn đỏ, không biển báo cho phép là vi phạm Luật giao thông.
Và thói quen trên cũng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác.
Như ở An Giang quê tôi, nếu thời gian trước đây người lái xe đều chấp hành nghiêm túc tín hiệu đèn đỏ, tuyệt đối không được rẽ phải, thì giờ đây nhiều người vô tư quẹo phải khi có tín hiệu đèn đỏ nơi giao lộ và nghĩ là việc bình thường.
Hôm rồi, anh bạn tôi suýt tông phải một thanh thiếu niên nơi góc ngã tư vì thói quen này.
Cần tuyên truyền trong trường học, trên báo chí
Hoàn toàn ủng hộ nghị định 168, nhưng tôi nghĩ công tác tuyên truyền phải được rộng rãi hơn nữa để người dân hiểu rõ và không vi phạm pháp luật.
Về phía cơ quan chức năng, phải kiểm tra lại những đèn tín hiệu để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và nâng cao ý thức chấp hành quy định.
Hệ thống metro ở TP.HCM vừa được đưa vào sử dụng đã làm rất tốt việc tuyên truyền và rất đáng để các nơi khác, các lĩnh vực khác áp dụng.
Những bản tin được phát lại nhiều lần trên những chuyến metro sẽ là những bài học về pháp luật thực tế và dễ ghi nhớ đối với hành khách khi tham gia giao thông.
Trên hành trình xuôi ngược cùng với những chuyến tàu, hành khách sẽ được tiếp cận những kiến thức pháp luật về quy định mới, bổ ích để góp phần vào việc sống đẹp và xây dựng xã hội văn minh.
Kiến thức pháp luật có thể lồng ghép vào các tình huống, tiểu phẩm, bản tin, hỏi đáp với sự tham gia của các luật sư, chuyên gia tư vấn hay những người nổi tiếng sẽ thu hút được khán thính giả và giúp họ ghi nhớ lâu hơn.
Với sự trợ giúp của các đài truyền thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí cùng với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin, việc tuyên truyền qua hình thức này chắc không gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các hoạt động giáo dục trong nhà trường cũng là một nguồn kênh khác để lan tỏa đến học sinh và các bậc phụ huynh về những điểm mới của nghị định 168.
Khi tiếp cận được những nguồn tin chính thống từ nhà trường, các em học sinh sẽ thẩm thấu và góp phần lan tỏa đến những người thân của mình.
Một khi công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và cộng đồng được thực hiện đồng bộ, khoa học thì những quy định pháp luật sẽ dần đi vào cuộc sống dễ dàng và sâu rộng hơn.
Xe máy rẽ phải sai quy định bị phạt 4-6 triệu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho biết: Không phải giao lộ nào cũng được phép rẽ phải.
Một số trường hợp được rẽ phải khi gặp đèn đỏ như có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; ở giao lộ có biển báo phụ cho rẽ phải; có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp kèm theo. Nếu có tiểu đảo phân luồng thì người đi đường cũng được phép rẽ phải.
Vị này lưu ý người dân phải bật xi nhan và nhường đường cho người đi bộ trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.
Nếu người dân không chú ý biển báo mà vô tư rẽ sai có thể bị xử phạt. Cụ thể, Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 quy định người điều khiển ô tô hoặc các loại xe tương tự sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe. Mức phạt này cao gấp nhiều lần so với quy định trước đây.
Trong khi đó, với người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông, vẫn đi khi đèn đỏ sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (trước đây 800.000 - 1 triệu đồng).
Ngoài ra, nếu tại giao lộ có vạch mắt võng cũng không được dừng xe trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Trong khu vực vạch này nếu có kèm mũi tên rẽ phải, xe cộ bắt buộc phải rẽ phải, không được phép đi thẳng hoặc dừng đỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận