Khu nhà đất số 8 Nguyễn Huệ, Q.1 với diện tích khuôn viên 771m2 và diện tích sử dụng gần 10.000m2, do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, đang cho thuê - Ảnh: Q.ĐỊNH
Đó là nội dung được đưa ra tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về hiệu quả sử dụng đất công tại Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TP (Công ty Quản lý nhà) ngày 17-5. Trong khi công ty này đang quản lý tới 368 địa chỉ nhà kinh doanh với diện tích hơn 276.000m2.
Bán nhà giá thấp?
Theo Công ty Quản lý nhà, dù nguồn nhà giảm do bán chỉ định và chuyển giao, công ty vẫn tăng doanh thu tiền thuê nhà qua các năm.
Cụ thể, doanh thu năm 2015 là khoảng 423 tỉ đồng, đến năm 2016 là 476 tỉ và tăng lên khoảng 484 tỉ năm 2017.
Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết giai đoạn 2014 - 2017, UBND TP đã duyệt giá bán chỉ định 64 địa chỉ nhà đất, xưởng do Công ty Quản lý nhà đang quản lý.
Trong đó có 23 địa chỉ nhà đất, xưởng bán cho các doanh nghiệp, còn lại là địa chỉ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều địa chỉ nhà ở vị trí đắc địa được bán chỉ định với giá thấp hơn thị trường chung rất nhiều.
Tháng 6-2014, UBND TP duyệt giá bán nhà đất số 121-123-125 Hàm Nghi (quận 1) cho Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang với giá khoảng 230 triệu đồng/m2.
Khoảng 20 ngày sau khi UBND TP duyệt giá, Công ty Quản lý nhà đã ký hợp đồng bán diện tích nhà đất trên.
Theo số liệu của một công ty thẩm định giá trên địa bàn TP.HCM, giá đất thị trường tại thời điểm đó tại đường Hàm Nghi khoảng 400 triệu đồng/m2.
Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM, đặt vấn đề tại sao một địa chỉ rất lý tưởng ở trung tâm TP mà chỉ bán với giá 48,5 tỉ đồng.
Tương tự, nhà số 15-17 Trương Định (quận 1) được bán với giá khoảng 178 triệu đồng/m2, nhà số 85 Đồng Khởi được bán với giá khoảng 438 triệu đồng/m2, nhà số 181 Hàm Nghi được bán với giá khoảng 214 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, theo báo cáo của một công ty định giá tại TP.HCM, các lô trên có giá từ 214 - 800 triệu/m2.
Đất vàng liên doanh thua lỗ
Tại buổi giám sát, ông Bình cho biết qua đi thực tế, nhiều công ty đang thuê nhà của Công ty Quản lý nhà đã cho thuê lại.
Như các mặt bằng tại 79 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), 201 Võ Thị Sáu (quận 3) đều được cho thuê lại.
Trong khi đó, đại diện Công ty Quản lý nhà cho biết công ty khó có thể siết chặt việc sử dụng nhà đất của các đơn vị thuê.
Các đại biểu HĐND cũng chất vấn về địa chỉ nhà số 8 Nguyễn Huệ (quận 1).
Đây là tòa nhà nằm ở vị trí vàng của thành phố, mặt tiền phố đi bộ đang cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê với giá khoảng 13,5 USD/m2 mỗi tháng và đang được cho thuê lại với giá 28 USD/m2 một tháng.
Lý do, đại diện Công ty Quản lý nhà cho biết: đơn vị thuê phải tốn chi phí đầu tư, vận hành khấu hao tài sản...
Đường đi khiến "đất vàng" bị thâu tóm với giá rẻ (trái) và cách chặn việc thất thu (phải) - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Qua chất vấn, các đại biểu cũng đặt vấn đề về hai địa chỉ "siêu đẹp" đem liên doanh bị lỗ hoặc lợi nhuận không cao.
Như địa chỉ số 111 Nguyễn Du (quận 1) liên doanh đã trên 20 năm nhưng đến nay lợi nhuận chỉ hơn 9%/năm - bằng lãi suất cho vay của ngân hàng.
Địa chỉ 101 Nguyễn Du liên doanh với đối tác từ Nhật Bản còn thê thảm hơn. Liên doanh đã hoạt động hơn 22 năm nhưng năm 2015 báo lỗ hơn 36 tỉ đồng, hai năm gần đây chưa có lợi nhuận.
Giải trình, Công ty Quản lý nhà TP cho hay liên doanh tại số 101 Nguyễn Du rất... phức tạp. Việt Nam chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đối tác Nhật phải vay vốn, do tiền vay quá lớn, lợi nhuận không đủ trả lãi vay.
Bất lực đòi nợ tiền thuê nhà đất
Hiện trong số các địa chỉ nhà đất do Công ty Quản lý nhà TP quản lý có đến 27 địa chỉ nhà đang bị nợ tiền thuê, tổng tiền nợ hơn 73 tỉ.
Giải trình, đại diện Công ty Quản lý nhà cho biết trong số các công ty nợ tiền thuê nhà đất có công ty nhà nước. Công ty không thể thu hồi vì trong Qquyết định 09/2007 của Chính phủ không quy định việc cưỡng chế để thu hồi.
Khu đất 5.000 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Trương Lâm Danh - Trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM - yêu cầu công ty phải cung cấp hồ sơ hợp đồng của một số địa chỉ nợ tiền thuê nhà.
Theo ông Danh, đáng lẽ khi làm hợp đồng phải dự trù cụ thể trường hợp vi phạm và biện pháp xử lý. Do vậy, đoàn giám sát sẽ xem xét hồ sơ để làm việc với UBND tìm hướng giải quyết những vướng mắc về thu hồi nợ.
Sẽ kiên quyết xử lý những thiếu sót
Thông tin này được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cho biết tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 4 tháng đầu năm 2018... diễn ra ngày 17-5.
Ông Huỳnh Cách Mạng cho hay hiện TP còn 12 điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, trong đó vấn đề về Thủ Thiêm cuối tuần này TP sẽ báo cáo Chính phủ.
"Khiếu nại diễn biến cách đây 20 năm, trong quá trình đó luật pháp thay đổi theo hướng ngày càng có lợi cho dân, nên sẽ cố gắng giải quyết có tình có lý", ông Mạng nói.
Ông cho biết thêm: từ năm 2017 tới nay có hơn 25 đoàn kiểm tra của trung ương vào làm việc với TP về công trình dự án, đất vàng, Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao...
Về dự án ở Thủ Thiêm, ông Mạng nói vừa qua có vụ việc bản đồ, khi chưa có kết luận đã có dư luận cho rằng lãnh đạo TP sai hết.
Nhưng thực tế những gì thiếu sót lãnh đạo TP sẽ nhận và kiên quyết xử lý, còn những việc đúng phải luôn kiên định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận