Thầy cho em hỏi với ước mơ của mình em chọn Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM có được không? Mong nhận được sự tư vấn của thầy. Em xin cảm ơn. (anhchangdanghi96...@gmail.com)
Phóng to |
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong phiên tòa giả định do trường tổ chức. |
ThS Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Với mong muốn trở thành một chính trị gia, một cán bộ nhà nước thì việc em chọn thi vào Học viện Hành chính là phù hợp. Học viện này đào tạo ngành quản lý nhà nước, tuyển sinh trong cả nước và tổ chức thi tuyển các khối A, A1, C, D1.
Theo học ngành này, em được trang bị kiến thức cơ bản về hành chính học và kiến thức chuyên sâu về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, nông thôn, đô thị... Tốt nghiệp ra trường, em có thể làm việc tại ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân như Sở Nội vụ, Sở Tư pháp...
Ước mơ làm việc trong các cơ quan nhà nước, một chính trị gia thì ngoài việc chọn học ngành quản lý nhà nước tại Học viện hành chính em còn có thể chọn học ngành luật tại Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM)...
Tốt nghiệp ngành luật thì cơ hội việc làm của em tại các cơ quan nhà nước sẽ rộng hơn. Em có thể làm việc tại ủy ban nhân dân các cấp, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động-thương binh và xã hội, Sở Kế hoạch và đầu tư, ngân hàng, Cục Thuế, tòa án, Viện Kiểm sát, công an...
Về nhu cầu nguồn nhân lực trong các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp hiện nay là rất lớn. Theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 20-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thì đến năm 2020 nhu cầu đào tạo cán bộ pháp luật cho hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự là khoảng 700 chấp hành viên, khoảng 1.300 thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, khoảng 4.300-4.500 thư ký thi hành án.
Các cơ quan tư pháp địa phương cần khoảng 17.000 người, ngành tòa án nhân dân từ cấp huyện trở lên khoảng 22.000 người... Với những số liệu này, em có thể yên tâm khi theo học ngành quản lý nhà nước và ngành luật để theo đuổi ước mơ của mình.
* Em muốn dự thi vào ngành luật. Cho em hỏi nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm của ngành này trong các cơ quan nhà nước như thế nào? Trường nào đào tạo ngành này tốt nhất? (voquangminh…@...)
ThS Lê Văn Hiển: Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành luật là rất lớn. Theo đó, muốn làm việc tại ủy ban nhân dân các cấp. Sở Tư pháp, Sở Nội vụ... thí sinh có thể chọn lĩnh vực chuyên sâu Luật hành chính; muốn làm việc tại tòa án, Viện Kiểm sát, công an... thí sinh có thể chọn lĩnh vực chuyên sâu Luật hình sự.
Muốn làm việc tại Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động-thương binh và xã hội, Sở Kế hoạch và đầu tư, ngân hàng, Cục Thuế... thí sinh có thể chọn lĩnh vực chuyên sâu Luật thương mại và Luật dân sự; muốn làm việc tại Sở Ngoại vụ và các công việc có liên quan đến công tác ngoại giao... thí sinh có thể chọn lĩnh vực chuyên sâu Luật quốc tế.
Để nói rằng hiện nay cơ sở giáo dục có đào tạo ngành luật nào là tốt nhất thì chưa có tiêu chí để so sánh. Tuy nhiên, trên thế giới, người ta thường đánh giá qua 3 tiêu chí: chất lượng đội ngũ giảng viên (giảng dạy và nghiên cứu khoa học), chương trình đào tạo và khả năng tìm việc làm của sinh viên khi ra trường. Nếu đánh giá qua các tiêu chí này thì tại khu vực phía Nam, cơ sở giáo dục có đào tạo ngành luật tốt nhất là Trường ĐH Luật TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận