05/05/2009 04:00 GMT+7

Mười cô gái Lam Hạ - Kỳ 6: Ước vọng bất tử

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Những đồng đội còn sống thường đến thắp nén hương trên đài tưởng niệm mười cô gái dân quân Lam Hạ đã hi sinh. Bên cạnh tấm bia đá khắc ghi từng dòng tên tuổi thân quen, mái tóc những chiến sĩ năm xưa nay cũng đã bạc trắng. Từng kỷ niệm sống và chiến đấu, từng gương mặt trẻ trung và xinh đẹp như sống lại.

Nước mắt lặng lẽ tuôn ra trong khóe mắt những người đang đứng dưới bóng cờ đỏ trên nóc đài tưởng niệm. Họ không thể nào quên ngay dưới mảnh đất bình yên họ đang đứng có máu xương của bao đồng đội đã hi sinh.

gIkTpFsB.jpgPhóng to
Nguyên trung đội trưởng Nguyễn Thị Tình ngày ngày vẫn đến đài bia thắp hương cho đồng đội -Ảnh: Q.VIỆT

Đi đến cùng cuộc chiến

“Hết tập trung bảo vệ trận địa, đội nữ dân quân chúng tôi chuyển sang nhiệm vụ cơ động đánh máy bay Mỹ. Sau những ngày quyết chiến ở các trận địa phòng không Lam Hạ, nhiều cô gái trẻ lại tiếp tục tình nguyện đi chiến đấu để thay vị trí những người đã hi sinh”. Người nữ trung đội trưởng dân quân Trương Thị Nhàn năm xưa kể thêm họ được tái trang bị súng cao xạ 14 ly 5 thay các khẩu pháo 37 ly. Loại súng này có tầm bắn thấp hơn pháo cao xạ nhưng dễ di chuyển trận địa, phù hợp để dân quân chiến đấu yểm trợ lực lượng phòng không chủ lực.

Sau những trận chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Phủ Lý năm 1966, đội nữ dân quân Lam Hạ tiếp tục tham gia chiến đấu cả ngày và đêm trước sự gia tăng đánh phá miền Bắc của máy bay Mỹ. Đội của họ thành lập hai khẩu đội 14 ly 5, đi cơ động phối hợp với bộ đội phòng không đánh máy bay Mỹ ở khắp Hà Nam.

Những người bạn đi từ đầu cuộc chiến chống máy bay Mỹ như Thu, Thi, Tâm, Tuyết, Lan, Phương, Chung, Thuận... không còn nữa, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường của họ đã truyền lửa lại cho các bạn còn sống và những người mới vào. Hết bảo vệ các mục tiêu hạ tầng ở Lam Hạ, nội thị Phủ Lý, các cô gái dân quân lại lên chiến đấu ở cầu Giẽ, Đồng Văn... Tuy là lực lượng dân quân tại chỗ nhưng các cô gái Lam Hạ này rất ít khi có mặt ở nhà. Suốt bảy năm chống máy bay Mỹ phá hoại miền Bắc từ 1965 - 1972, lúc nào ngơi tay chiến đấu họ lại tham gia sản xuất và đi xây dựng lại các cầu đường bị đánh phá.

"Đã ra trận địa chiến đấu thì còn nghĩ gì đến sống chết nữa. Nhưng mai sau dù thế nào người còn sống cũng không được quên bạn bè đã hi sinh!"

Trong sổ ghi chép trận đánh của đơn vị mình, bà Nhàn ghi rõ các cô gái dân quân Lam Hạ đã tham gia tất cả 121 trận đánh lớn nhỏ. Ngoài bộ phận phối hợp tham chiến trực tiếp cùng các đơn vị bộ đội phòng không, một số chị em dân quân còn làm phục vụ chiến đấu như tiếp đạn, tải thương, hậu cần...

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ rất xa, nhưng những cô gái dân quân Lam Hạ còn sống đến giờ vẫn không quên được năm tháng chiến đấu hào hùng. Suốt 12 ngày đêm trong cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không, các cô gái gần như thức trắng. Tai họ ù đặc, mắt họ cay xè và người lúc nào cũng ám mùi thuốc súng, lấm lem bùn đất vì những cuộc quyết chiến liên tục với quân thù. Trước mỗi trận đánh, họ hay ôn lại gương chiến đấu và hi sinh anh dũng của những đồng đội đi trước. Những cô gái trẻ gia nhập dân quân sau không hề biết mặt Thu, Thi, Tâm, Tuyết, Lan, Phương, nhưng vẫn không kìm được nước mắt khi nghe kể câu chuyện bất khuất của họ.

“Cứ nơi nào bị máy bay Mỹ đánh phá là có mặt chúng tôi. Bộ đội phòng không đánh tầm cao, chúng tôi đánh tầm thấp. Nhiều khi còn bắn chặn uy hiếp ban đêm để tạo lưới lửa không cho máy bay Mỹ dễ dàng oanh tạc trúng mục tiêu”. Cô cựu dân quân Nguyễn Thị Mạn kể thêm tuy chiến đấu thiếu thốn, nguy hiểm nhưng rất vui. Chị em trong đội coi nhau như ruột thịt trong gia đình. Họ sẻ chia cho nhau từng vốc ngô, củ sắn, khúc mía. Một cô bị ốm cả đội cùng lo.

Những đêm trăng treo đầu súng, họ nằm ôm nhau trong chiến hào đợi kẻ thù và hay tâm sự: “Đã ra trận địa chiến đấu thì còn nghĩ gì đến sống chết nữa. Nhưng mai sau dù thế nào người còn sống cũng không được quên bạn bè đã hi sinh!”.

5HFe7zVY.jpgPhóng to
Trận địa pháo ở Lam Hạ giờ đã thành trường học - Ảnh: Quốc Việt

Để đời sau không quên

Ngày nay về Lam Hạ không còn gặp lại được mấy cô dân quân thuở nào nữa. Gần đài bia tưởng niệm chỉ còn mỗi trung đội trưởng Nguyễn Thị Tình vẫn sống trong nếp nhà cũ. Tuy đã 73 tuổi nhưng ngày ngày bà vẫn hay đến đài bia để thắp nén hương trên mảnh đất đã hòa lẫn máu xương đồng đội. Còn nữ trung đội trưởng Trương Thị Nhàn năm xưa đã đi lấy chồng ngay sau ngày máy bay Mỹ chấm dứt đánh phá miền Bắc. Chồng Nhàn cũng là một anh bộ đội ở huyện Duy Tiên, Hà Nam đã từng kề vai chiến đấu bên nhau trong những ngày ác liệt.

Cô chính trị viên Lê Thị Hồ vượt qua chiến tranh nhưng lại ra đi vì bệnh tật trong thời bình. Còn các chiến sĩ Thảo, Mên, Mến, Mạn, Yến, Loan, Lý, Diệp... cũng hạnh phúc được nhìn thấy ngày đất nước thống nhất. Họ thắp nén hương chào những đồng đội không còn nữa, rồi nhiều người cũng theo về quê xa của chồng.

Cuối tháng 4-2009, trời Lam Hạ xanh biếc, không gian ngòn ngọt hương hoa lúa. Trên các trận địa chiến đấu từng loang máu đỏ chiến sĩ giờ là trường học, nhà dân, vườn cây xum xuê. Thấy khách lạ miền Nam ra thắp hương trên đài bia tưởng niệm cho mười nữ liệt sĩ đã hi sinh, những người dân lớn tuổi ở gần đó đến hỏi han. Hình như ai cũng biết, cũng có những kỷ niệm xúc động để in sâu trong trái tim câu chuyện này.

Bí thư xã Lam Hạ Vũ Hồng Tuyên cứ rưng rưng nhớ mãi liệt sĩ Nguyễn Thị Oánh trước ngày hi sinh vẫn là cô giáo của mình. Còn ông Trương Ngọc Thà, người chăm coi đài tưởng niệm, không thể nào quên mười gương mặt trẻ trung, xinh đẹp của mười tên tuổi đã đi vào lịch sử. Thuở thơ ấu họ là những người bạn hiền lành ở quê ông, nhưng họ đã hiên ngang không lùi một bước khi đất nước có chiến tranh.

Hằng năm đến kỷ niệm trận quyết chiến ngày 1-10, những cựu dân quân Lam Hạ còn sống lại trở về họp mặt, thắp hương cho mười đồng đội đã hi sinh. Mỗi người đều có nỗi niềm, kỷ niệm không quên về bạn bè. Và tất cả đều cùng chung ước vọng đời sau mãi mãi ghi nhớ câu chuyện mười cô gái anh hùng này. Gần đây, tỉnh Hà Nam đã có dự án xây dựng nơi này thành khu di tích lịch sử mười cô gái Lam Hạ như đã từng làm với mười cô gái Đồng Lộc. Mong sao dự án đó sớm trở thành hiện thực.

Những người trẻ hôm nay và nhiều thế hệ mai sau sẽ được biết trên mảnh đất nở hoa này có máu xương và khát vọng thanh xuân của mười cô gái Lam Hạ đã giữ vững ngọn cờ Tổ quốc.

_____________________________

Câu chuyện mười cô gái Lam Hạ đã gây xúc động mạnh với nhiều người. Có thật nhiều đề xuất để các cô gái Lam Hạ sống mãi như những cô gái Đồng Lộc, Truông Bồn...

Kỳ tới: Lịch sử mãi còn tươi

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên