19/08/2006 15:33 GMT+7

"Mùi ngò gai" với phim trường đầu tiên tại VN

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TTO - Chiều ngày 18-8-2006, diễn ra lễ khánh thành cụm phim trường ngoại và phim trường nội - kết quả của sự hợp tác giữa công ty Gia đình Việt (Vifa) với công ty CJ Media Hàn Quốc.

wbmzjYeP.jpgPhóng to
Đạo diễn Hàn Quốc Kim Hyo Joong
TTO - Chiều ngày 18-8-2006, diễn ra lễ khánh thành cụm phim trường ngoại và phim trường nội - kết quả của sự hợp tác giữa công ty Gia đình Việt (Vifa) với công ty CJ Media Hàn Quốc.

Ngoài ra còn có hai đơn vị khác tham gia là trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.HCM, và HTVC (truyền hình cáp). Phim trường nội 4.000 mét vuông đặt tại quận 2, mặt bằng phim trường ngoại rộng 15.000 mét vuông (hiện nay đưa vào sử dụng dựng cảnh 7.000 mét vuông) tại quận 9. Khá nhiều hãng phim trong nước đến chứng kiến sự kiện trên, chia sẻ với ý kiến của bà Huỳnh Thanh Diệu (chủ tịch hội đồng quản trị Vifa), “xây dựng công nghệ phim trường đầu tiên tại Việt Nam”.

Trang sử của ngành điện ảnh VN ắt hẳn phải ghi nhận sự kiện phim trường của Vifa. Nói như vậy không phải quá lời. Vì, có lẽ hiếm có nước nào như VN mà ngành điện ảnh trong suốt chiều dài lịch sử (xét trong phạm vi miền Bắc VN từ thập niên 50 cho đến năm 1975, và trong cả nước sau 1975) lại … chưa hề có một phim trường đúng nghĩa.

A0ebKxlK.jpgPhóng to
Một tiệm phở ở phim trường của Vifa
Chuyện khó tin nhưng là sự thật! Giới làm phim VN cứ phải rong ruổi “trên từng cây số” như gánh xiếc rong đi tìm bối cảnh thực địa để quay, cũng thỉnh thoảng có được một số bối cảnh được dựng nhưng chỉ có tính nhất thời, dựng vội cho một phim nào đó, khi xong phim thì bối cảnh dựng cũng xóa sổ.

Các hãng phim quốc doanh như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện 1, Hãng phim Giải Phóng trong nhiều năm dài cứ ôm giấc mơ về phim trường. Cụm phim trường ngoại (openset) và nội (studio) của Vifa, một công ty tư nhân, biến giấc mơ của đồng nghiệp thành hiện thực. Và, trở thành phim trường đúng nghĩa đầu tiên (lắp đặt những hệ thống ánh sáng qui mô, hệ thống đường ray, kho dựng cảnh…) được khánh thành. Trong khi đó, những đơn vị kinh tế tư nhân khác là công ty Trí Việt với dự án phim trường ở Bình Dương, và hãng phim Chánh Phương với dự án phim trường ở Bình Chánh vẫn còn trong giai đoạn triển khai.

Phim trường của Vifa - CJ Media, ngay từ ban đầu, mang lấy một sức sống: nơi đây đang diễn ra câu chuyện của bộ phim Mùi ngò gai! Phim trường nội có thể cùng lúc lắp đặt được 15 bối cảnh, phim trường ngoại hoành tráng, với hệ thống boom thu tiếng trực tiếp, nhiều camera, rút ngắn thời gian làm phim trong hai ngày xong một tập phim.

fJhJjJGC.jpgPhóng to
Thành Lộc trong vai Hoàng, Ngọc Trinh vai Vy phimMùi ngò gai
Ông Mã Diệu Cương, phó giám đốc HTV - nơi nhận phát sóng 36 tập đầu (trong toàn bộ kế họach 100 tập, chia làm ba giai đoạn: giai đoạn 1 36 tập, giai đoạn 2 - 34 tập, giai đoạn 3 – 30 tập) của Mùi ngò gai vào thời gian cuối năm 2006, đưa ra nhận định: “Với phim trường mà chúng ta đang tận mắt chứng kiến, thời gian thu hình nhanh chóng, tôi nghĩ nơi đây là một mô hình đáng tham khảo để có thể đạt được mục đích tăng thời lượng 50% phim VN trên sóng”.

Mùi ngò gai, như vậy, lại băng tiếp trên đường ray đã đặt kể từ thời điểm cuối năm 2005 khi công bố kế hoạch bấm máy. Vừa bấm máy rong ruổi vừa chờ phim trường hoàn thành, và chờ … một số thủ tục “đặc thù” lòng vòng trong lề lối quản lý tại Việt Nam - có lúc phải tạm ngưng quay một thời gian.

Diễn viên Thành Lộc cho biết, “Tôi chia sẻ khó khăn ngoài ý muốn, vào lúc ấy, từ phía nhà sản xuất. Về nguyên tắc, tôi có thể cắt hợp đồng khi thời hạn quay phim gián đoạn, nhưng tôi không muốn rút lui trong cơn hoạn nạn, đặc biệt trước đối tác từ Hàn Quốc. Đó là sự tự trọng của người nghệ sĩ VN. Cũng phải nói thêm, vì tôi thích kịch bản phim này, thích tác phong làm việc chuyên nghiệp tại nơi đây”.

Một êkíp Việt - Hàn, với đạo diễn Kim Hyo Joong, phó đạo diễn Chu Thiện, quay phim Oh Seung Yub, nhà thiết kế Hwang Jung Hyun, So Seong Hyun, và dàn diễn viên hùng hậu là Thành Lộc, Ngọc Trinh, Minh Hoàng, Việt Anh, Mỹ Duyên, Thanh Thủy, Kim Xuân, Kim Hiền, Tấn Beo, Minh Đạt, Hương Giang, Tiết Cương, Hòa Hiệp …

CjAsg7UY.jpgPhóng to
Ngọc Trinh (phải) vai Vy cùng bạn học

Có thể đưa ra một dẫn chứng về phong cách làm phim Mùi ngò gai. Chẳng hạn, trong một số phân đoạn quay “quán phở Hoàng” tại phim trường, tác phong làm việc nhanh gọn, đạo diễn ra hiệu lệnh thì ngay lập tức mọi người im phăng phắc, tất cả các khâu ánh sáng, đạo cụ, quay phim răm rắp vào việc.

Việc đổi góc máy được diễn ra liên tục dù chỉ một cảnh ngắn diễn ra giữa chủ quán Hoàng (Thành Lộc) với Vy (Ngọc Trinh). Ngay đến những cảnh nhân vật trầm tư, cũng có sự thay đổi góc máy và động tác máy nối nhau. Ở đây không thể nói cắt cảnh nhằm tạo tiết tấu nhanh như không ít người lầm tưởng, mà đúng ra là tạo tiết tấu sinh động.

Mùi ngò gai kể chuyện đời, chuyện người, trong đó đặc biệt nói đến văn hóa ẩm thực Việt - món phở, đi vào đời sống người Việt ra sao…Theo diễn viên Ngọc Trinh, Minh Hoàng, họ tin rằng đây sẽ là bộ phim có nhiều chuyện để xem, đáng xem.

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên