31/07/2024 08:14 GMT+7

Mực tuyệt vời cho sức khỏe nhưng không uống nhiều bia với mực, vì sao?

Với nguồn protein hoàn chỉnh, omega 3, vitamin và các khoáng chất quý, mực là món ngon có tác dụng tốt cho sức khỏe và chữa nhiều bệnh. Nhưng nhiều người đại kỵ với mực, cần biết cách ăn kẻo mang bệnh vào người.

Mực là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời - Ảnh: BSCC

Mực là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời - Ảnh: BSCC

Nguồn cung cấp dưỡng chất 

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết mực không chỉ là món ngon yêu thích của nhiều người mà còn là vị thuốc để bồi bổ và chữa trị của y học cổ truyền.

Theo dinh dưỡng hiện đại, trong 100g mực có: calo: 104; chất đạm: 18g, chất béo: 2g; carbohydrate: 3g và đặc biệt nhiều canxi, phốt pho, sắt và các vitamin B1, B2, PP...

Những lợi ích sức khỏe của mực thường liên quan tới hàm lượng protein cao, hàm lượng chất béo không bão hòa đa (được gọi là axit béo omega - 3) và các vitamin, khoáng chất...

Mực là một nguồn protein hoàn chỉnh, trong 100g mực chứa tới 18g protein. Con số này không thua gì thịt bò hay cá với cùng một khối lượng. Protein đóng vai trò là nguyên liệu chính để xây dựng các tế bào và mô của cơ thể, với sự giúp đỡ của các enzyme và hormone được hình thành. 

Mực vượt trội hơn các món hải sản khác về hàm lượng kali: nó cần thiết cho hoạt động bình thường của tất cả các cơ, bao gồm cả cơ quan trọng nhất - cơ tim. Kali giúp duy trì nhịp tim ổn định, nhịp nhàng và đều đặn, điều chỉnh sự cân bằng nước - muối trong cơ thể, ngăn ngừa phù nề và tăng huyết áp.

Đặc biệt mực hầu như không chứa chất béo, thích hợp với người ăn kiêng, giảm cân. Mực cũng là một nguồn cung cấp đồng tuyệt vời, cần thiết cho sự hình thành hemoglobin và collagen trong cơ thể.

Phốt pho trong mực đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì xương và răng khỏe mạnh. Nó cũng tham gia vào quá trình phát triển và tái tạo mô, đồng thời giúp duy trì nồng độ pH trong máu bình thường, là một trong những thành phần của màng tế bào.

Mực chứa một lượng lớn kẽm tham gia vào các phản ứng miễn dịch, sản xuất vật chất di truyền và chữa lành vết thương.

Mực là một nguồn cung cấp magie tuyệt vời, có liên quan đến sự phát triển của xương, hình thành protein, các hoạt động của enzym, co cơ, sức khỏe răng miệng và hệ thống miễn dịch. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc trao đổi năng lượng và dẫn truyền các xung thần kinh.

Vitamin E trong mực có tác dụng bảo vệ màng tế bào xung quanh, đặc biệt là tế bào hồng cầu và bạch cầu (tế bào của hệ thống miễn dịch). Vitamin C, có trong mực, đơn giản là không thể thiếu đối với cơ thể, cụ thể là đối với sức khỏe của xương, sụn, răng và nướu. 

Mực tốt cho sức khỏe nhưng cần nấu chín và ăn đúng cách - Ảnh minh họa

Mực tốt cho sức khỏe nhưng cần nấu chín và ăn đúng cách - Ảnh minh họa

Bồi bổ sức khỏe và chữa nhiều bệnh

Theo ThS Toàn, trong Đông y, cá mực còn gọi là ô tặc ngư, vị mặn, tính bình, có công dụng tư âm dưỡng huyết, bổ tâm thông mạch. Sách Biệt lục cho rằng cá mực có tác dụng "ích khí cường trí". Ăn mực có lợi cho cả nam và nữ, đặc biệt là những người thuộc thể âm hư.

- Hỗ trợ quá trình mang thai khỏe mạnh: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ nhấn mạnh cá mực là thực phẩm lành mạnh cho những người đang mang thai và cho con bú. Hàm lượng protein và sắt trong mực được coi là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ khi đang mang thai.

- Sức khỏe tim mạch: Axit béo docosahexaenoic axit (DHA) trong mực cao hơn so với những loại hải sản khác. DHA đã được chứng minh là cải thiện được nhịp tim khi nghỉ ngơi, giúp giảm kết tập tiểu cầu...

- Viêm khớp dạng thấp: Nghiên cứu về axit béo omega - 3 có trong mực giúp làm dịu các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Những người tham gia vào một nghiên cứu ăn mực báo cáo thời gian cứng khớp vào buổi sáng của họ đã giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, tình trạng sưng, đau các khớp cũng được xoa dịu rất nhiều.

- Đặc tính kháng khuẩn: Nhiều nghiên cứu chỉ ra mực có đặc tính kháng khuẩn, cho phép chúng vô hiệu hóa vi khuẩn và vi rút có hại. 

- Chống oxy hóa: Mực ống có đặc tính chống oxy hóa mạnh. Một số nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật chỉ ra rằng các đặc tính chống oxy hóa của mực ống đến từ các polysacarit, là chuỗi dài các phân tử đường dính liền nhau chống lại các gốc tự do. 

Gốc tự do là tác nhân gây tổn thương tế bào và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường...

- Ăn mực có thể làm giảm huyết áp: Mực có chứa các hợp chất giúp các mạch máu giãn ra, giúp cải thiện huyết áp.

- Chống loét dạ dày: Mực có thể làm giảm sản xuất axit dạ dày và chống loét dạ dày.

- Tăng cường miễn dịch: Mực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào miễn dịch và tăng cường khả năng miễn dịch tổng thể so với giải pháp kiểm soát.

Đặc biệt, khi kết hợp mực với nấm kim châm còn có tác dụng bổ khí huyết, trừ phong thấp, tăng cường trí nhớ, tốt cho tinh binh...

Biết cách ăn để tránh sinh bệnh

Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mực rất ngon nhưng đại kỵ với những người sau:

- Không nên ăn nhiều mực kết hợp với bia: Ăn mực uống bia là thói quen phổ biến của nhiều người vì cách ăn này rất ngon, hầu như không ai nghĩ rằng đây là một sự kết hợp thực phẩm bị cấm kỵ. Bởi trong mực chứa một lượng lớn chất bismuth và glucosinolates, trong khi bia rất giàu vitamin B1. 

Nếu kết hợp mực với bia, vitamin B1 trong bia sẽ thúc đẩy sự phân hủy và chuyển hóa chất purine nucleotide và các chất khác trong mực, không chỉ dễ dẫn đến bệnh gout, bệnh sỏi, mà còn có thể gây ra mẩn đỏ toàn thân, sưng, đau và ngứa...

- Không ăn mực chưa nấu chín kỹ: Mực sống hoặc chưa nấu chín có chứa các thành phần peptide, có thể gây rối loạn tiêu hóa sau khi ăn. Khi ăn mực cần phải đảm bảo chín hoàn toàn để không gây nguy hiểm cho sức khỏe.

- Những người bị dị ứng: Mực là một loại hải sản giàu protein, có thể là nguồn gốc gây dị ứng. Nếu phát hiện bị dị ứng với mực một cách thường xuyên (hễ ăn mực là bị dị ứng) thì nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn món ăn này.

- Ngộ độc thủy ngân: Hải sản và mực được biết là có chứa nồng độ thủy ngân cao, tuy nhiên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ coi mực là một trong những "lựa chọn tốt nhất" tính riêng cho hải sản, có nghĩa là nó chứa hàm lượng thủy ngân tương đối thấp.

Người lớn nên ăn mực và các loại hải sản khác nhiều nhất hai hoặc ba lần mỗi tuần với khẩu phần khoảng 100g. Đối với trẻ em từ 2 - 11 tuổi, khẩu phần được khuyến nghị là 30g.

Những người tỳ thận dương hư (biểu hiện bằng các triệu chứng như tay chân lạnh, sợ lạnh, hay bị cảm mạo phong hàn, sắc mặt nhợt nhạt, dễ đổ mồ hôi, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng nát, di tinh, liệt dương, suy giảm ham muốn tình dục…) thì không nên dùng.

Nên kiêng ăn mực khi dùng những đơn thuốc có phụ tử, bạch liễm, bạch cập.

Mai mực hot trend trên mạng xã hội, có thực sự chữa đau dạ dày?Mai mực hot trend trên mạng xã hội, có thực sự chữa đau dạ dày?

Gần đây mai mực được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng vì có tác dụng chữa được bệnh viêm loét dạ dày, ợ chua, đầy hơi…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên