29/05/2024 18:58 GMT+7

Ăn hải sản, đậu phộng, dị ứng tới mức gây sốc phản vệ

Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí gây sốc phản vệ tử vong nhanh.

Một bệnh nhân có biểu hiện khó thở, nổi mẩn đỏ sau khi ăn thực phẩm được chế biến từ đuông dừa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một bệnh nhân có biểu hiện khó thở, nổi mẩn đỏ sau khi ăn thực phẩm được chế biến từ đuông dừa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy sau khi ăn

Ông A.T. (59 tuổi, Tân Bình) đang ăn tối cùng bạn tại một quán hải sản bỗng nhiên nổi mề đay, miệng sưng vù sau 10 phút ăn món tôm hấp. Nhận thấy nguy cơ có thể sốc phản vệ nên gia đình đã đưa ông đi cấp cứu.

Khai thác bệnh sử, ông T. có cơ địa dị ứng hải sản, các bác sĩ nhận định bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 với món tôm. Người bệnh được tiêm adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế, sau 10 phút, người bệnh giảm sưng miệng, hết ngứa.

Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh (TP.HCM) đã tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân N.L.T. (40 tuổi, TP.HCM) ngứa toàn thân sau bữa ăn.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết sau khi ăn con sam tại bữa tiệc sinh nhật, khoảng 3 giờ sau, chị xuất hiện tình trạng mẩn đỏ, ngứa.

Ðây là lần đầu chị T. ăn thử loại hải sản này và trước đó cũng chưa từng bị dị ứng.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán phản vệ độ 1 do thực phẩm.

Tương tự, chị V.H.H. (43 tuổi, Long An) cho biết sau mỗi lần ăn đậu phộng, cá biển, thì xuất hiện các nốt sần phù nhỏ trên da, kèm tiêu chảy, đau bụng, nghĩ bụng yếu nên chị không đi khám.

Tuy nhiên, gần đây, sau khi ăn canh bí đỏ đậu phộng cùng một số loại thức ăn khác, chị đau bụng nhiều, nổi mề đay và sưng đau toàn thân. Sau đó, chị được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Kết quả cho thấy chị có dị ứng với nhiều thực phẩm như: đậu phộng, mè, hạt hạnh nhân, một số loại hải sản (cua, cá thu, tôm...).

Sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng

Bác sĩ Huỳnh Minh Nhựt - khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết hằng ngày bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì tình trạng dị ứng, phản vệ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nhiều trường hợp có tiên lượng nặng.

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

Có nhiều tác nhân trong môi trường có thể gây ra phản ứng phản vệ cho người bệnh, trong đó dị ứng thực phẩm được xem là một trong những nguyên nhân chính gây sốc phản vệ.

Thực phẩm có thể gây ra phản vệ hoặc đôi khi sốc phản vệ nghiêm trọng bao gồm: sữa bò, trứng, đậu phộng, động vật có vỏ (tôm và tôm hùm), đậu tương, các loại hạt cây (như quả óc chó, quả phỉ, hạt điều), lúa mì, các loại hạt (như hạt vừng và hạt hướng dương)…

Ngoài ra, một số thuốc và chất gây dị ứng khác có thể dẫn đến sốc phản vệ thường gặp như: mủ cao su, được tìm thấy trong các vật dụng như găng tay dùng một lần, ống thông và băng dính... Một số người bị phản vệ do côn trùng đốt như: ong bắp cày, ong vò vẽ, ong vàng, kiến lửa,...

Theo bác sĩ Nhựt, phản vệ được phân thành bốn mức độ, tương ứng với mức độ nguy hiểm của bệnh. Một số biểu hiện chính của phản vệ, sốc phản vệ cần lưu ý ngay khi xuất hiện gồm: Mày đay, phù mạch nhanh, khó thở, tức ngực, thở rít, đau bụng hoặc nôn, tụt huyết áp hoặc ngất, rối loạn ý thức.

Khi nhận thấy cơ thể có các triệu chứng nghiêm trọng, phải đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu y tế ngay lập tức.

Các trường hợp phản vệ nếu không điều trị, các triệu chứng sốc phản vệ nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng có thể xảy ra như: lơ mơ, vật vã, lú lẫn do tụt huyết áp kéo dài, tăng nhịp tim, xanh xao dần rồi tím tái, tay chân lạnh do thiếu oxy máu, bất tỉnh hoặc ngừng tim...

Bác sĩ Nhựt khuyến cáo cách tốt nhất để ngăn ngừa phản vệ, sốc phản vệ là tránh xa các chất gây ra các phản ứng dị ứng, luôn ghi nhớ hoặc mang theo bên người, giấy ghi các loại thuốc gây bị dị ứng. Nói với các bác sĩ về các phản ứng dị ứng thuốc đã gặp phải.

Nếu bị dị ứng với côn trùng đốt, hãy thận trọng khi ở gần chúng, nên mặc áo sơ mi và quần dài tay, không đi chân trần trên cỏ, không dùng nước hoa hoặc nước thơm; đồng thời giữ bình tĩnh khi ở gần côn trùng đốt và di chuyển từ từ ra.

Chuẩn bị sẵn thuốc chống dị ứng khi đi xa

Bác sĩ Nhựt cho biết thêm nếu bị dị ứng thực phẩm, hãy đọc kỹ nhãn của tất cả các loại thực phẩm khi mua và ăn.

Khi đi ăn ngoài, hãy hỏi xem từng món ăn được chế biến như thế nào và tìm hiểu xem món ăn đó có những thành phần gì.

Ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm mà dị ứng cũng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng.

Có thể chuẩn bị sẵn hộp thuốc y tế khẩn cấp với các loại thuốc chống dị ứng. Đặc biệt là đến những nơi xa lạ hoặc vùng xa cơ sở y tế.

Chủ quan với viêm mũi dị ứng, sẽ dễ thành viêm xoangChủ quan với viêm mũi dị ứng, sẽ dễ thành viêm xoang

Tình trạng ô nhiễm khiến tỉ lệ mắc viêm mũi dị ứng ngày càng tăng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm xoang cấp, viêm tai giữa…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên