Bà Trần Thị Ngọc Ánh - Ảnh: Yến Trinh |
* Bà TRẦN THỊ NGỌC ÁNH (49 tuổi, bán bún ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM):
Tiền BHYT gần bằng tiền học phí
Hai con gái của tôi năm nay vào lớp 2 và lớp 12, vừa rồi tôi đã đóng BHYT cho hai con hơn 1 triệu đồng.
Thu nhập của cả gia đình chật vật vì chỉ trông nhờ vào xe bán bún, vì vậy số tiền bỏ ra đóng BHYT cho hai con là một gánh nặng, rồi mấy bữa nữa còn tiền học phí, tiền học thêm, sách vở, chưa kể tiền thuê nhà trọ của cả nhà là 3 triệu đồng/tháng...
Năm ngoái, nhà trường thông báo tiền đóng BHYT hai đứa tổng cộng khoảng 700.000 đồng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã làm đơn miễn đóng. Năm nay, tôi lo không mua BHYT lỡ có chuyện gì xảy ra nên bấm bụng mua.
Tôi không hiểu tại sao mức đóng lại cao như vậy. Những gia đình khác khó khăn hơn có lẽ khó mà xoay xở mua được. Tiền BHYT năm nay tính ra cũng gần bằng tiền học một học kỳ.
Lúc tôi đóng, thấy nhiều phụ huynh khác cũng than trời. Nhà nước nên xem xét lại mức đóng BHYT cho hợp lý hơn.
Ông Nguyễn Hồng Hà - Ảnh Tư liệu Tuổi Trẻ |
* Ông NGUYỄN HỒNG HÀ (phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM):
Sẽ bàn thêm hướng hỗ trợ học sinh nghèo
Thời gian trước, chúng ta chỉ thu BHYT chín tháng, còn chừa lại ba tháng hè. Qua làm việc với nhiều nơi, có ý kiến cho rằng làm như vậy là chưa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, vì trong thời gian nghỉ hè lỡ các em học sinh có chuyện cần dùng đến BHYT thì lại bị gián đoạn.
Sau đó, chúng ta tăng thu lên 12 tháng cũng vì mục đích chăm lo tốt hơn cho các em.
Năm nay, việc tăng thời gian đóng BHYT lên 15 tháng dẫn đến số tiền phải đóng tăng lên. Đầu năm học phải đóng nhiều khoản tiền trường khác nữa nên phụ huynh có phản ứng.
Nhà trường, giáo viên nên giải thích kỹ cho phụ huynh lý do tại sao tăng, tăng để nhằm mục đích gì, quyền lợi của học sinh khi tham gia BHYT có ảnh hưởng gì không...
Ở đây, tăng thời gian đóng lên 15 tháng nhưng số tiền BHYT cho từng tháng vẫn không tăng, chỉ vì đóng dồn một lần nhiều tháng hơn nên số tiền mới tăng thêm. Ở lứa tuổi học sinh - lứa tuổi nhiều hiếu động, tai nạn, rủi ro, bệnh tật có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì việc đóng BHYT là cần thiết.
Những em học sinh nghèo, những em có hoàn cảnh khó khăn thì lại càng cần phải có bảo BHYT để khi ốm đau, chi phí chữa trị không thành gánh nặng thêm cho gia đình.
Riêng với những trường hợp đặc biệt khó khăn, những học sinh thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với ngành giáo dục và UBND TP.HCM để có biện pháp hỗ trợ.
* Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM:
Có trường nhờ mạnh thường quân đóng giùm để đạt tỉ lệ 100%
Đọc văn bản hướng dẫn về việc thực hiện thu BHYT HS-SV mà tôi giật mình, mức thu cao như thế thì phụ huynh phản ứng là đúng. Nhà nước cần tính toán lại mức thu cho hợp lý với đại đa số người dân.
Tôi đọc báo thấy nói quỹ BHYT còn tồn rất nhiều thì tại sao năm nay lại thu cao như vậy? Tại sao chất lượng khám BHYT chưa được nâng lên?
Nói thật là chúng tôi cảm thấy áp lực với khoản thu này lắm. Một bên thì phụ huynh chất vấn, còn một bên cấp trên yêu cầu phải vận động được 100% học sinh tham gia BHYT bắt buộc.
Tôi biết có trường không vận động được đành nhờ mạnh thường quân đóng giùm khoản này cho một số học sinh để nhà trường đạt tỉ lệ 100%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận