Phóng to |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đối mặt với báo giới về vấn đề nợ công tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters |
Người dân Mỹ không hài lòng Kết quả thăm dò của Đài truyền hình ABC và tờ Washington Post cho thấy 35% dân Mỹ cho rằng Tổng thống Obama đã góp phần làm tình hình kinh tế của Mỹ thêm tồi tệ so với tháng 10-2010. Thế nhưng, 65% lại tỏ ra không đồng tình với cách phe Cộng hòa giải quyết vấn đề thất nghiệp hiện ở mức trên 9%. |
Bất đồng là do Đảng Cộng hòa muốn nối kết việc nâng mức nợ trần với việc biểu quyết về cắt giảm thâm hụt ngân sách trong những đạo luật sắp tới về tài chính.
Quốc hội vẫn đang chia rẽ sau khi Tổng thống Barack Obama kêu gọi sẵn sàng thương lượng. Theo CNN, mới đây lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell đã lên tiếng kêu gọi thương lượng lại với Tổng thống Obama. Ông McConnell cho biết Đảng Cộng hòa có thể nhượng bộ. “Tất cả đều phải lui lại để đạt được thỏa thuận - ông McConnell tuyên bố - Chúng ta không thể có được thỏa thuận hoàn hảo. Vì vậy, tôi sẵn sàng chấp nhận kết quả kém hoàn hảo”.
Nhà Trắng ủng hộ kế hoạch của ông Harry Reid, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại thượng viện, là tăng mức trần nợ công thêm 2.400 tỉ USD, trong đó bao gồm cả khoản vay của Chính phủ Mỹ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2012, và cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.700 tỉ USD trong vòng 10 năm. Trong khi đó, chủ tịch hạ viện John Boehner thuộc Đảng Cộng hòa lại đưa ra một kế hoạch bao gồm hai giai đoạn: trước ngày 2-8, nâng mức nợ trần lần đầu thêm 1.000 tỉ USD từ nay đến cuối năm, kèm theo mức cắt giảm ngân sách 1.200 tỉ USD trong 10 năm tới và nâng mức nợ trần lần thứ hai vào năm 2012, trước thời điểm tranh cử. Điều này có nghĩa Chính phủ Mỹ sẽ lại phải có một cuộc đàm phán khác về nâng mức trần nợ công trong năm bầu cử sắp tới. Tổng thống Obama đã đe dọa sẽ phủ quyết dự luật do ông Boehner đề xuất nếu nó được quốc hội thông qua.
Nếu mức trần nợ công không được nâng lên trước ngày 2-8, Mỹ sẽ mất khả năng vay nợ trong khi phải chi trả 32 tỉ USD một ngày sau đó. Khả năng chính phủ vỡ nợ sẽ xảy ra sau một tuần. Khi đó, lãi suất ngân hàng sẽ tăng, giá trị đồng USD giảm. Người dân sẽ gặp khó khăn trong việc vay tiền mua nhà, ôtô, đi học. Thị trường chứng khoán có nguy cơ suy sụp, định mức tín nhiệm nợ của Mỹ cũng sẽ sụt giảm. Chính phủ liên bang sẽ không thể trả các chi phí hoạt động vào tháng tới.
Reuters cho biết Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo hai đảng đang thảo luận kế hoạch B. Chánh văn phòng Nhà Trắng Bill Daley cũng tỏ ý tin tưởng một thỏa thuận về mức trần nợ công sẽ đạt được trước ngày 2-8, bất chấp việc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn bất đồng.
Báo Le Monde (Pháp) trong một xã luận ngày 27-7, đã cho rằng cuối cùng Nhà Trắng “cũng tránh được nguy cơ mất khả năng chi trả thôi. Nhưng thái độ vô trách nhiệm của Đảng Cộng hòa đang tác động xấu đến hình ảnh của nước Mỹ”.
Trong khi đó, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã thúc giục Mỹ tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, chứ nếu không hậu quả “rất nặng nề” cho nền kinh tế toàn cầu. Bà nhấn mạnh nước Mỹ bị vỡ nợ không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, phá hoại tiến trình phục hồi còn khá mong manh hiện nay sau cơn bão tài chính.
Tổng giám đốc IMF cho rằng mặc dù nền kinh tế thế giới đã bắt đầu tăng trưởng đáng lạc quan về trung hạn, nhưng vẫn mất cân bằng đáng lo ngại với sự tăng trưởng quá nóng của các nền kinh tế mới nổi, giá hàng hóa tăng cao phá hoại các nền kinh tế thu nhập thấp, tác động kéo dài của khủng hoảng đối với các nền kinh tế phát triển. Thúc đẩy tăng trưởng ở các nền kinh tế này là nhiệm vụ không dễ dàng, trong đó mục tiêu không chỉ đơn thuần là tăng trưởng mà còn phải tạo nhiều việc làm và nâng cao mức sống xã hội.
Theo Reuters, sự bế tắc tại Quốc hội Mỹ đã tiếp tục đẩy đồng USD xuống mức thấp kỷ lục so với đồng franc Thụy Sĩ. Các nhà đầu tư cũng đang bỏ đồng USD để đổ tiền vào vàng và đồng franc Thụy Sĩ, đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục 1.625 USD/ounce.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận