Mùa xuân dưỡng gan để khỏe mạnh
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết về khái niệm sức khỏe, Tổ chức Y tế thế giới đã định nghĩa đó là trạng thái hoàn mỹ cả về thể xác và tinh thần, không đơn thuần chỉ là việc không ốm đau bệnh tật.
Do vậy, một người được coi là thực sự khỏe mạnh không những không có bệnh tật mà còn đòi hỏi phải có một đời sống tinh thần vui vẻ và lạc quan.
Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong xã hội hiện đại khi con người luôn luôn phải đối mặt với nhịp sống gấp gáp và nhiều căng thẳng thần kinh như hiện nay.
Phép dưỡng sinh là một trong những di sản quý giá của y học cổ truyền phương Đông, chính là những hoạt động tích cực của con người nhằm thích nghi ngày càng tốt hơn với môi trường tự nhiên và xã hội để gìn giữ, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Một trong những nguyên tắc chung hết sức quan trọng của phép dưỡng sinh là phải "thuận theo tự nhiên". Tùy theo từng mùa, ai cũng biết rằng phải chú ý ăn mặc và sinh hoạt cho phù hợp, nhưng việc lưu tâm điều chỉnh đời sống tinh thần tình cảm thuận theo quy luật thời tiết khí hậu thì không phải ai cũng tường tận.
Theo quan niệm của y học phương Đông, ba tháng mùa xuân gọi là phát trần, trời đất sinh sôi, vạn vật tươi tốt, thiên nhiên tràn trề sức sống, muôn vật phơi phới đi lên, dương khí trong con người cũng thuận theo tự nhiên mà bốc lên trên, tỏa ra bên ngoài.
Vậy nên điều dưỡng tinh thần về mùa xuân phải thuận theo sức sống tràn trề của muôn loài mà đạt cho được sự vui vẻ thư thái về tinh thần, khoáng đạt cởi mở về tâm lý.
Y học cổ truyền cho rằng trong ngũ tạng, ngoài tạng Tâm chủ về thần chí, giữ địa vị thống soái về mọi hoạt động tinh thần ý thức và tư duy của con người, tạng Can (gan) cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều tiết tinh thần, ý chí và tình cảm thông qua chức năng điều hòa khí huyết, cái mà cổ nhân gọi là sơ tiết.
Khí huyết là cơ sở vật chất của hoạt động tinh thần, khí huyết được lưu thông là tiền đề bảo đảm cho hoạt động tinh thần được bình thường. Y thư có câu: "Dục dưỡng tâm, tiên tĩnh khí", ý nói muốn dưỡng tâm trước tiên phải tĩnh khí, mà muốn tĩnh khí phải chú ý bồi bổ tạng Can.
Giận dữ cũng có thể gây tử vong
Theo sinh lý và giải phẫu học cổ truyền, tạng Can thích xởi lởi, ghét ức chế, cho nên việc điều dưỡng tinh thần mùa xuân tuyệt nhiên không được kìm nén tình cảm. Sách Hồng lô điểm tuyết viết: "Khí ấy quý sự xởi lởi mà không quý sự ức chế, xởi lởi thì toàn thân thoải mái, ức chế thì trăm mạch không điều hòa".
Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng ý chí tinh thần bị ức chế lâu dài không những gây nên sự mất cân bằng về chức năng của các cơ quan nội tạng, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua hệ thống thần kinh và nội tiết, từ đó khiến cho sức đề kháng của cơ thể đối với mầm bệnh và các tế bào ung thư bị giảm sút.
Thực tiễn lâm sàng cũng cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh ung thư là do đời sống tinh thần có nhiều u uất, thất vọng, lo lắng, uất ức, phẫn nộ. Phương ngôn có câu: "Lo buồn nên đầu bạc", "Phiền não làm chóng già", "Uất ức sinh bách bệnh"...
Giận dữ là một loại tình cảm bột phát của con người, nảy sinh khi ý nguyện hoặc hoạt động gặp phải trắc trở. Đối với sức khỏe con người, giận dữ là một loại tình cảm âm tính.
Theo y học cổ truyền, "giận dữ thì khí bốc lên" làm hại cho Can và Thận, thậm chí có thể gây tử vong. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh: Tức giận làm cho thần kinh giao cảm hưng phấn, tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao. Những người mắc chứng cao huyết áp, bệnh tim mạch… khi tức giận thường làm cho bệnh trầm trọng thêm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Vậy nên điều dưỡng tinh thần về mùa xuân cần phải chú ý tránh giận dữ bằng mọi biện pháp.
Loại bỏ nghịch cảnh để sống vui vẻ
Theo bác sĩ Toàn, khó tránh khỏi nhiều khi bị rơi vào nghịch cảnh. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để giải tỏa được những tình cảm bất thường đó?
Y học cổ truyền cho rằng: "Uất tắc phát" (uất ức sớm muộn gì cũng bột phát ra), bởi thế nếu có những điều uẩn khúc trong lòng thì nên nói ra cho hết, tìm người dốc bầu tâm sự để cho tư tưởng được thanh sáng, tâm trạng được thuần khiết, từ đó giải tỏa hết mọi ưu phiền.
Nhà tâm lý học phương Tây Becer đã đề ra một đơn thuốc độc đáo với tên gọi là "Bảng trạng thái tâm lý", những người mắc chứng uất ức, một khi tâm tình không thoải mái hoặc khó bề tự kiềm chế thì trước hết nên ghi chép lại những tư tưởng tiêu cực của mình và tiêu diệt nó ngay trên giấy, đừng để nó tác oai tác quái trong đầu óc của mình.
Kết quả nhiều nghiên cứu điều tra bí quyết trường thọ của các cụ từ 80 tuổi trở lên cho thấy có tới 96% các vị cao thọ đều có tính cách lạc quan, phấn chấn. Phấn chấn có tác dụng cải thiện cực tốt đối với những người có tính cách hướng nội, tâm tình u uất.
Ngoài ra cũng cần tạo ra một đời sống sinh hoạt có tính hài hước và dí dỏm, bởi hài hước dí dỏm sẽ tạo ra nụ cười, mà cười là một thang thuốc bồi bổ cho sức khỏe con người. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi cười, vỏ não được nghỉ ngơi cao gấp 4 lần so với khi ngủ.
Việc mở rộng quan hệ xã hội, kết giao rộng rãi với bạn bè là biện pháp hữu hiệu để giải tỏa nỗi niềm tức giận trong lòng.
Khi sắp nổi giận có thể đi làm một việc gì đó mà thường ngày mình cảm thấy rất hứng thú như nghe ca hát, nghe nhạc, thưởng thức bức tranh hoặc đi dạo gót ở những nơi có lợi cho sự thư giãn tinh thần. Chơi đùa với trẻ cũng là một biện pháp hữu hiệu cho việc xả cơn tức giận.
Trong cuộc sống, những tình cảm giận dữ thường khó tránh khỏi, song chỉ cần xử trí một cách có lý trí, tự tìm ra một phương pháp xả giận thích hợp với bản thân mình thì những giận dữ có hại vẫn có thể tránh được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận