Nhiều kỳ thi riêng, ôn tập thế nào?
Đây là thắc mắc chung của nhiều học sinh khi tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra đồng loạt tại Trường ĐH Khánh Hòa (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và Trường ĐH Hồng Đức (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sáng 19-2.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các sở giáo dục và đào tạo, tỉnh đoàn Khánh Hòa, Thanh Hóa và Trường ĐH Khánh Hòa, Trường ĐH Hồng Đức phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Tại Thanh Hóa, bất chấp trời mưa, khoảng 6.000 học sinh đã tới dự chương trình. Một trong những băn khoăn của các em là có nhiều kỳ thi xét tuyển của các trường thì việc ôn thi sẽ như thế nào.
Anh Tuấn, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa), chia sẻ về tâm trạng lo âu khi có quá nhiều kỳ thi khác nhau để sử dụng kết quả xét tuyển: "Nếu không thi thì sợ bỏ lỡ cơ hội, sẽ khó cạnh tranh với thí sinh khác, nhưng mỗi kỳ thi một cách khiến em lo lắng và không biết nên ôn thi thế nào?".
Giải đáp thắc mắc này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo (giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội) và TS Nguyễn Quốc Chính (giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐH Quốc gia TP.HCM) đều khẳng định học sinh bám sát kiến thức kỹ năng cơ bản của chương trình THPT thì có thể đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.
PGS.TS Trần Trung Kiên - trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết để hỗ trợ thí sinh làm quen với kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức đợt thi thử cho thí sinh. Các em có thể dự thi trên máy và ngồi ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia được. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo đang tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy đều có các đề thi tham khảo để các em làm quen cấu trúc bài thi.
Học sinh Thanh Hóa cũng quan tâm tới xu hướng đào tạo đa lĩnh vực. Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, trong mỗi ngành đào tạo, ngoài kiến thức chuyên ngành đó, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức của những ngành/chuyên ngành liên quan.
Để đáp ứng sát hơn nhu cầu nhân lực trong bối cảnh có nhiều biến động, các cơ sở đều xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành để giúp sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng các yêu cầu mới của các ngành đào tạo. Ví dụ như ngành khoa học dữ liệu, ngoài kiến thức về kinh tế, sinh viên sẽ được học về công nghệ thông tin và nhiều kiến thức liên quan khác.
Đối diện với thành công, thất bại
Trong khi đó, trao đổi với các học sinh của TP Nha Trang, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ mỗi bạn trẻ đang ngồi tham dự chương trình hôm nay đều sẽ theo đổi một ước mơ, định hướng riêng. Sẽ có người chọn ở lại học và làm tại Khánh Hòa, có bạn mong muốn vào những TP lớn hơn như TP.HCM, có người lại muốn "bay xa" ra nước ngoài.
TS Phạm Tấn Hạ cho rằng từ lúc rời xa cha mẹ vào ĐH, các bạn trẻ "bắt buộc phải trưởng thành". Không còn ở trong vòng tay gia đình, bạn sẽ cần học cách chi tiêu, biết tự lo cho bản thân, biết kiềm chế cảm xúc, biết tạo lập các mối quan hệ, biết cách làm chủ và khám phá bản thân. Học ĐH ở các TP lớn, các bạn sẽ tiếp xúc với các sinh viên từ mọi miền đất nước.
"Chính trong không gian có nhiều va chạm đó, các bạn sẽ "khôn" hơn, biết được mình đang cần gì, thiếu gì. Ở gia đình, cái tôi của các bạn có thể rất lớn, nhưng khi ra ngoài, vào ĐH, các bạn cần luôn biết mình là ai, biết cách hòa nhập thế nào", ông Hạ nói.
Dặn dò các học sinh, TS Phạm Tấn Hạ nhấn mạnh ĐH không chỉ là nơi để học kiến thức, mà còn là khoảng thời gian cho bạn học các kỹ năng: kỹ năng làm việc, kỹ năng sống. Các tân sinh viên sẽ phải chuẩn bị tâm thế đối diện với rất nhiều vấn đề - có những thứ bạn lường trước được, có những thứ không. Bạn cũng sẽ đối mặt với những thành công và cả thất bại, nhưng tất cả sẽ là những bài học để bạn trưởng thành.
Rà soát dữ liệu cá nhân
Trao đổi với học sinh Thanh Hóa về các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh năm 2023, TS Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý nhiều thủ tục đăng ký xét tuyển ĐH năm nay vẫn thực hiện trực tuyến. Ông Hùng nhấn mạnh về việc thí sinh bắt buộc phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, xếp theo thứ tự ưu tiên trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Học bạ điện tử của học sinh lớp 12 năm nay sẽ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo để phục vụ công tác xét tuyển. Để không xảy ra sai sót, các em học sinh cần rà soát dữ liệu của cá nhân theo hướng dẫn của các thầy cô ở trường THPT. Việc này tránh để xảy ra những trục trặc đáng tiếc trong quá trình tuyển sinh", ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận