Bạn Nguyễn Gia Bảo - học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột - chia sẻ rất ấn tượng khi sử dụng ChatGPT.
Thậm chí, Gia Bảo còn sử dụng ChatGPT để tra cứu tài liệu, học viết code và "nhờ" viết luận. Học sinh này bày tỏ băn khoăn liệu trước sự phát triển rất nhanh của các công nghệ như ChatGPT, người học công nghệ thông tin có khó cạnh tranh với chính các công nghệ này hay không?
Hướng học công nghệ "phi truyền thống"
Trả lời câu hỏi của bạn, ThS Phùng Quán - chuyên gia tư vấn tuyển sinh từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng ChatGPT đạt đến độ thông minh khiến thế giới ngỡ ngàng nhưng vẫn là một sản phẩm được tạo ra bởi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo.
Hệ thống được con người huấn luyện dựa trên nền tảng học sâu và phương thức tối ưu hóa các kho dữ liệu. Những phần mềm như ChatGPT luôn cần đội ngũ chuyên gia thường xuyên cập nhật và tích hợp thêm tính năng mới.
Vì vậy, ThS Phùng Quán khuyên học sinh không nên "sợ" thất nghiệp trước sự phát triển của công nghệ bởi vai trò của con người vẫn là trung tâm trong cuộc cách mạng số. Ngược lại, học sinh cần biết cách sử dụng nó hiệu quả.
Công nghệ sẽ mở ra cho học sinh những kho dữ liệu phong phú, học sinh có thể tận dụng khai thác kiến thức.
"Công nghệ thông tin vẫn là một ngành "hot" hiện nay khi chuyển đổi số vẫn là một xu hướng ở Việt Nam và trên thế giới. Các lĩnh vực kinh tế, xã hội hiện đều có liên quan đến quá trình chuyển đổi số", ông Quán nói.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng công nghệ thông tin là một ngành "hot" nhưng không phải chỉ có một hướng theo học các ngành công nghệ thông tin.
Một hướng đi khác là tìm cách tận dụng ngành này vào từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, công nghệ xử lý ảnh hiện phổ biến và được ứng dụng hiệu quả trong y khoa. Xây dựng và áp dụng công nghệ này không phải chỉ cần bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin, mà rất cần những người sở hữu đồng thời kiến thức công nghệ và chuyên môn y khoa.
Chính họ sẽ "đặt hàng" và sử dụng các công nghệ mới này cụ thể trong những cơ sở y tế.
Ông Bùi Hoài Thắng cho rằng nếu thí sinh cảm thấy yêu thích một chuyên môn như kinh tế, y khoa, nông nghiệp nhưng lại có thêm tố chất công nghệ thông tin thì nên ưu tiên theo các ngành kinh tế, y khoa, nông nghiệp này. Sau đó, bạn có thể học thêm các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin.
Cũng theo ông Thắng, hầu hết các ngành học đều có những học phần về tin học, và việc nâng cao kiến thức công nghệ thông tin qua một số khóa học không quá khó.
"Ngoài ra, học sinh không nên sợ trí tuệ nhân tạo hay công nghệ nói chung mà nên dùng nó như một cơ hội để phát triển năng lực bản thân mình", ông Thắng nói.
Nhiều câu hỏi thú vị
Đầu giờ chiều 11-2, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk).
Đây là điểm mới của chuỗi chương trình năm nay khi ban tổ chức thực hiện thêm một buổi tư vấn tại điểm trường vùng sâu vào chiều cùng ngày, nhằm hỗ trợ học sinh ở những địa phương này dễ tiếp cận các chuyên gia giáo dục và đại diện các trường đại học.
Tại buổi tư vấn, ban tư vấn nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị từ học sinh nhằm hiểu rõ bản chất các nghề nghiệp.
Như Ý - học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - mong muốn được các thầy cô phân biệt giữa hai ngành "quan hệ công chúng" và "quan hệ quốc tế". TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết dù tên gọi của hai ngành có nét giống nhau nhưng thực tế lại rất khác biệt.
Với ngành "quan hệ quốc tế", sinh viên sẽ học nhiều kiến thức, kỹ năng về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa... để có khả năng làm việc cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp có yếu tố quốc tế, ngoại giao.
Còn ngành "quan hệ công chúng" lại hướng đến các kiến thức, kỹ năng giúp người học biết cách tổ chức, kết nối doanh nghiệp với khách hàng, xây dựng những chương trình, chiến lược thúc đẩy hình ảnh doanh nghiệp.
Ông Hạ cho rằng từ việc hiểu đúng các ngành, học sinh sẽ đối chiếu với những sở thích và sở trường của bản thân, từ đó đưa ra quyết định nghề nghiệp phù hợp.
Còn Hải Yến - học sinh Trường THPT Buôn Hồ (Đắk Lắk) - thắc mắc sự khác nhau giữa ngành luật và luật kinh tế.
Giải đáp câu hỏi này, ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho rằng đây là hai ngành phổ biến trong những ngành luật được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Với ngành luật, sinh viên sẽ được học "rộng" trên nhiều mảng như luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng... Sinh viên sẽ có kiến thức bao quát để sau khi tốt nghiệp có thể theo đuổi nhiều hướng luật.
Trái lại, ngành luật kinh tế có phần "sâu" hơn, tập trung vào áp dụng luật cho hoạt động kinh tế. Sinh viên sẽ được học thêm nhiều kiến thức về quản trị, kinh doanh...
Hôm nay, chương trình đến với học sinh Gia Lai
Sáng nay (12-2), chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sẽ tiếp tục đến với các học sinh tỉnh Gia Lai.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Địa điểm tổ chức tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku). Thí sinh cả nước có thể xem trực tiếp phần tư vấn của các chuyên gia trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn). Thời gian từ 8h đến 9h30 ngày 12-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận