27/08/2018 09:27 GMT+7

Mua thuốc dễ như mua rau!

H.LỘC - X.MAI - T.LŨY - M.TRƯỜNG - K.TÂM - K.NAM - T.TÚ
H.LỘC - X.MAI - T.LŨY - M.TRƯỜNG - K.TÂM - K.NAM - T.TÚ

TTO - Tại hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bán lẻ thuốc cuối tuần trước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quản lý mua bán thuốc ở VN lỏng lẻo bậc nhất thế giới và các nhà thuốc cần tham gia chương trình quản lý bằng công nghệ.

Mua thuốc dễ như mua rau! - Ảnh 1.

Người dân mua thuốc kháng sinh không cần toa bác sĩ tại một nhà thuốc ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM tối 26-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiện mới có 4 tỉnh đầu tiên thí điểm ứng dụng chương trình này, nên việc mua bán thuốc vẫn đang diễn ra khắp nơi.

"Vỉ thuốc có 15.000 đồng mà hóa với chả đơn!"

Ở TP.HCM, chúng tôi thử khảo sát ở 10 nhà thuốc tây, kết quả cho thấy tất cả các nhà thuốc này đều đồng ý bán thuốc kháng sinh một cách vô tư, không cần phải kê đơn. 

Tại nhà thuốc V.T (Q.Thủ Đức), khi chúng tôi nói cần mua 1 trong 4 loại thuốc kháng sinh gồm penicillin, amoxicillin, erythromycin và cephalexin để chữa viêm họng, lập tức được nhân viên nhà thuốc gật đầu ngay. 

Nhân viên này lấy từ tủ thuốc "có kê đơn" một vỉ cephalexin 500mg (10 viên) giá 10.000 đồng hướng dẫn: "Uống ngày 3 viên sau khi ăn".

Theo nhân viên này, cephalexin là thuốc kháng sinh nhưng nhà thuốc vẫn bán bình thường không cần phải kê đơn, bởi nếu đòi hỏi khách sẽ đi mua chỗ khác. 

Quy định của Bộ Y tế về việc tới đây bán thuốc kháng sinh phải xuất hóa đơn, đồng thời phải được liên thông qua hệ thống máy tính, nhân viên này nói: "Tôi mới chỉ nghe nói nhưng thấy quy định này rất khó thực hiện. Ở nhà thuốc rất bận rộn, việc đòi hỏi một ngày bán được bao nhiêu viên phải ghi và nhập lại số lượng, tên tuổi, địa chỉ người mua... là điều không khả thi, chưa kể người dân không hợp tác".

Còn tại nhà thuốc A.B, cùng loại thuốc cephalexin 500mg (10 viên) trị viêm họng nhưng khác nhà sản xuất được bán với giá 20.000 đồng. 

Khi chúng tôi hỏi về việc xuất hóa đơn, quản lý nhà thuốc nói: "Hiện nhà thuốc chỉ bán lẻ không xuất được hóa đơn, nếu làm sẽ phát sinh thêm kinh phí kế toán. Nếu khách cần xem về nguồn gốc chất lượng thuốc, chúng tôi có thể cho xem hóa đơn nhập thuốc". 

Người này thừa nhận theo nguyên tắc, việc bán các loại thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc, nhưng do nhu cầu người dân quá lớn nên vẫn phải bán.

Khảo sát tại một số nhà thuốc tây trên đường Bạch Đằng, Lê Quang Định, Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), các loại thuốc kháng sinh nêu trên đều được bán dễ dàng như... rau khi khách có nhu cầu. 

Tại một nhà thuốc tây gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nữ nhân viên nhà thuốc cho biết nơi này có bán thuốc amoxicillin và chẳng hỏi gì thêm. Nhân viên này lấy thuốc ở ngăn kéo "thuốc theo kê toa" bán cho khách mà không cần đơn thuốc. 

Khi chúng tôi hỏi hóa đơn thuốc, nhân viên này mới xuất hóa đơn với thái độ không mấy niềm nở. Còn tại một nhà thuốc khác gần đó, chúng tôi thắc mắc sao không có hóa đơn thuốc thì nhân viên gằn giọng nói: "Vỉ thuốc có 15.000 đồng mà hóa với chả đơn!".

Mua thuốc dễ như mua rau! - Ảnh 2.

Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc ở quận 1 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Không kiểm soát được

Ở quận trung tâm của Cần Thơ như Ninh Kiều, tình trạng mua bán thuốc không theo toa cũng rất phổ biến. 

Tại một nhà thuốc lớn ở đường Lý Tự Trọng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), khách hàng rất đông, ai muốn mua thuốc gì cũng có. 

Chỉ cần nói tên thuốc hoặc đem theo vỉ thuốc uống dở dang để mua, nhà thuốc không đòi phải có toa bác sĩ, trong đó kể cả các loại kháng sinh như: Curam, Klamentin, Augmentin, Zinnat... 

Theo lời nhân viên ở đây, trong 10 người mua thuốc chỉ có 1-2 người đem theo toa thôi, nếu đòi hỏi có toa mới bán thì bán cho ai đây!

Các nhà thuốc có đông khách còn "nổi tiếng" nhờ "chẩn bệnh" thay bác sĩ, vì cứ ra nhà thuốc kể triệu chứng là nhân viên "chẩn bệnh" và lấy thuốc bán. 

Chị Trang (ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) cho hay ở nhà các con thường hay bệnh vặt như sốt, ho, viêm mũi họng..., mỗi lần như vậy chị hay ra nhà thuốc quen kể triệu chứng, số cân nặng của bé và nhân viên nhà thuốc nói bệnh rồi bán thuốc.

Chị Nguyễn Thị Quyên, ngụ P.5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cho biết nhà có con nhỏ thường bị bệnh vặt, chị tự đi mua thuốc tại các nhà thuốc về cho con uống. 

Bởi theo chị, "cứ mỗi lần con bị sổ mũi, ấm đầu mà ẵm ra bác sĩ là mất tiền trăm. Bình quân mỗi lần bị bệnh là phải khám vài ba lần mới hết bệnh, trong khi ra nhà thuốc chỉ cần tốn vài chục ngàn".

Còn tại Kiên Giang, bà T. - có thâm niên kinh doanh nhà thuốc gần 20 năm ở phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá - chia sẻ mặc dù biết quy định chỉ được bán thuốc theo đơn của bác sĩ, nhưng do sức ép cạnh tranh và thói quen của khách hàng nên nhiều nhà thuốc, trong đó có nhà thuốc của bà, đành phải "xé rào" bán thuốc theo lời trình bày triệu chứng của người mua.

Theo Phòng quản lý dược Sở Y tế Cần Thơ, nhà thuốc GPP có quy định khu vực bán thuốc theo đơn và không theo đơn riêng, phải đạt mới được công nhận. 

Tuy nhiên, việc quản lý các nhà thuốc này có bán đúng như quy định không thì không ai kiểm soát được, kể cả tình trạng bác sĩ bán thuốc tại phòng mạch tư vẫn diễn ra hằng ngày. 

Mỗi khi có đợt đi kiểm tra phát hiện thì cơ quan chức năng mới xử phạt vi phạm hành chính, hoặc rút giấy phép tạm thời…

Mua thuốc dễ như mua rau! - Ảnh 3.

Phố thuốc tây mọc san sát nhau trên đường Hai Bà Trưng (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hậu quả nguy hiểm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM - cho biết việc buôn bán thuốc kháng sinh tràn lan hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ vô cùng nguy hiểm.

"Điều này dẫn đến tỉ lệ kháng thuốc rất cao, nếu vi trùng kháng thuốc đến mức độ không còn thuốc nào có thể trị được thì rất nguy hiểm. Với một người bệnh đáng lẽ bệnh đó chỉ cần hai ngày là khỏi, nhưng vì đổi kháng sinh liên tục dẫn đến kháng thuốc 10 ngày vẫn không khỏi" - ông Tùng nói.

Bác sĩ Dương Thiện Phước, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cảnh báo tình trạng mua bán thuốc điều trị, đặc biệt là kháng sinh tràn lan cực kỳ nguy hiểm.

Có rất nhiều bệnh bị viêm đường hô hấp trên không cần dùng kháng sinh, nhưng người nhà ra nhà thuốc và người ta bán thuốc kháng sinh. Không chỉ tốn kém, nguy hiểm hơn còn gây ra tình trạng kháng thuốc.

Lâu nay tại khoa hồi sức tích cực rất nhiều phác đồ điều trị các bệnh nhiễm trùng thất bại do bệnh nhân đã bị kháng hầu hết các loại kháng sinh.

Nhà thuốc, công ty dược cũng kêu trời vì... nghị định Nhà thuốc, công ty dược cũng kêu trời vì... nghị định

TTO - Không chỉ bệnh nhân, ngay cả nhà thuốc bệnh viện và các công ty dược cũng đang 'kêu trời' vì những quy định kỳ lạ trong Nghị định 54 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật dược sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 1-2018).

H.LỘC - X.MAI - T.LŨY - M.TRƯỜNG - K.TÂM - K.NAM - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên