10/07/2018 14:50 GMT+7

Nhà thuốc, công ty dược cũng kêu trời vì... nghị định

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Không chỉ bệnh nhân, ngay cả nhà thuốc bệnh viện và các công ty dược cũng đang 'kêu trời' vì những quy định kỳ lạ trong Nghị định 54 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật dược sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 1-2018).

Nhà thuốc, công ty dược cũng kêu trời vì... nghị định - Ảnh 1.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

BS CKII Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết về góc độ quản lý cơ sở y tế, bản thân ông cảm thấy lúng túng về quy định bó hẹp phạm vi bán thuốc của các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện do chỉ được bán thuốc trúng thầu.

Mang tiếng vì… quy định

BS Chiến đặt vấn đề: với một nhà thuốc trong bệnh viện và nhà thuốc ở ngoài thì ở đâu điều kiện tư vấn tốt hơn? "Chắc chắn là nhà thuốc ở bệnh viện bởi tại đây có đầy đủ đội ngũ dược sĩ, bác sĩ tư vấn thường trực có thể xử lý mọi tình huống cần thiết".

Theo BS Chiến, lý thuyết là vậy, tuy nhiên quy định nêu trên khiến các nhà thuốc bệnh viện đang rất rối, vô hình trung hạn chế nhà thuốc bệnh viện trong khi ở ngoài nhà thuốc tư muốn bán "trên trời dưới đất" đều được.

BS Chiến chia sẻ thực tế nhiều loại thuốc "có thương hiệu" không cần tham gia đấu thầu vẫn được nhiều người sử dụng. Nhiều loại thuốc tốt được phép lưu hành ông muốn chia sẻ cho người bệnh nhưng đành "bó tay" bởi không được "đóng dấu" đấu thầu.

"Để đạt kết quả đấu thầu hoàn toàn không đơn giản, thậm chí có những loại thuốc được xem là "cứu tinh" nhưng người bệnh không được tiếp cận ở bệnh viện để cứu sống họ vì quy định này. 

Có nhiều người bệnh hỏi mua thuốc thì chúng tôi phải nói là không có thuốc này chứ đâu thể nói bệnh viện không có kết quả trúng thầu loại thuốc đó. Người bệnh trách bệnh viện mà không có thuốc, cái này đành phải mang tiếng do... theo quy định", BS Chiến chia sẻ.

BS Chiến cho rằng thực tế hiện nay của bệnh viện bao giờ cũng có nhu cầu ở hai mảng là điều trị nội trú và điều trị theo yêu cầu. Đối với một người bệnh có nhu cầu, họ chấp nhận mua loại thuốc tốt hơn là điều đương nhiên nhưng bệnh viện lại không đáp ứng được.

"Đó là nhu cầu xã hội, họ có quyền được hưởng dịch vụ tốt nhất vì chấp nhận bỏ tiền ra mua. Còn thực tế hiện nay nhiều người bệnh có mong muốn nhưng không mua được thuốc bởi quy định ràng buộc thuốc phải đạt kết quả đấu thầu", BS Chiến nói.

Hạn chế khả năng tiếp cận thuốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Lan - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm MEKOPHAR, thừa nhận phía công ty có những khó khăn, lúng túng bởi quy định trên.

"Việc đấu thầu thuốc không phải lúc nào cũng trúng nhưng do đã có số đăng ký nên buộc phải sản xuất rồi chỉ bán được ở các cửa hàng thuốc ở ngoài, còn nhà thuốc bệnh viện đành chịu nên công ty gặp khá nhiều khó khăn", bà Lan chia sẻ.

"Theo tôi, chỉ nên áp dụng quy định này cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, còn dịch vụ thì không nên. Do đó, trong phần bán thuốc ở các nhà thuốc bệnh viện, ngoài những thuốc trúng thầu, tôi thấy nên có bán thuốc tốt của những công ty dược có tiếng trong nước không trúng thầu", bà Lan nói.

Bà cũng cho biết khi dự thảo này triển khai, phía các công ty dược đã có ý kiến để điều chỉnh.

Theo bà Lan, nói về thuốc rất đa dạng (kê đơn, không kê đơn, đấu thầu, không qua đấu thầu…). "Tuy nhiên, nhiều bệnh viện tư và người bệnh thường có nhu cầu sử dụng một số loại thuốc thuộc nhóm G7. 

Do đó, nếu bệnh viện đưa các loại thuốc trúng thầu (chủ yếu thuốc BHYT) thì người bệnh không thích, rồi kêu bệnh viện thiếu thuốc. Điều này vô tình hạn chế khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh", bà Lan phân tích.

Ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết liên quan đến vấn đề nêu trên, Sở Y tế đang trong quá trình tập hợp ý kiến của các chuyên gia, cơ sở khám chữa bệnh để có phản ánh với Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi những điều chưa hợp lý, trong đó có quy định bó hẹp phạm vi kinh doanh thuốc của các nhà thuốc bệnh viện.

Ở góc độ quản lý dược, ông Dũng cho rằng việc bó hẹp phạm vi kinh doanh thuốc của các nhà thuốc bệnh viện chưa hợp lý và có nhiều ý kiến phản ánh về khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân điều trị ngoại trú.

"Nếu tất cả thuốc ở nhà thuốc bệnh viện đều là thuốc trúng thầu (phần lớn là thuốc BHYT) thì với các loại thuốc chất lượng cao, giá cao, những người có điều kiện bỏ tiền túi ra trả cũng sẽ không có cơ hội tiếp cận thuốc", ông Dũng nói.

Yêu cầu kiểm soát kinh doanh thuốc đặc biệt

Sở Y tế TP.HCM vừa có thông báo khẩn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP về việc bổ sung phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Trong 10 nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt có thể nhắc đến gồm thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc độc và dược chất thuộc danh mục chất bị cấm trong một số ngành, lĩnh vực…

Để việc kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt đảm bảo liên tục, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, Sở Y tế TP yêu cầu các giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh rà soát danh mục thuốc đang kinh doanh tại nhà thuốc bệnh viện.

Đồng thời, khẩn trương nộp hồ sơ bổ sung phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt về Sở Y tế để được xem xét, cấp phép.

Kể từ sau ngày 30-6, các cơ sở kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt sẽ không được tiếp tục kinh doanh nếu chưa đăng ký bổ sung phạm vi kinh doanh cho nhóm thuốc nêu trên.

Người bệnh nặng không có thuốc vì vướng... nghị định? Người bệnh nặng không có thuốc vì vướng... nghị định?

TTO - Nghị định 54 có nhiều bất cập khiến nhà thuốc các bệnh viện 'kêu trời' vì thiếu thuốc, còn người bệnh phải cắn răng chịu đau đớn vì không mua được thuốc...

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên