Cho đến nay vẫn chưa thấy xu hướng sử dụng bao bì thân thiện môi trường vì chi phí cao hơn nhiều.
Shipper phát hoảng với rác thải nhựa
Là một tín đồ mua hàng và đặt đồ ăn qua mạng, chị Quang Trân (quận 1, TP.HCM) cho biết mỗi ngày nhận 1 - 2 gói đồ từ các cửa hàng bán online, còn đồ ăn thức uống thì 2 - 3 đơn/ngày. Biết là thải ra nhiều rác nhưng do tiện lợi và cần thiết nên vẫn đặt online hằng ngày.
"Tôi cũng có cố gắng hạn chế bằng cách chọn hình thức giao hàng không bao bì nhựa nếu có trên ứng dụng hoặc không thêm muỗng, đũa vì tôi đã có bộ sẵn ở công ty, tuy nhiên rất ít cửa hàng trên app cung cấp các lựa chọn này.
Bên cạnh đó, tôi cũng mang các túi ni lông đựng hàng về nhà đựng rác để giảm thiểu rác thải ra môi trường. Nhưng nói chung lượng rác thải ra vẫn rất nhiều", chị Trân cho biết.
Còn chị Ngọc Thiện (quận Bình Thạnh) cho biết dù rất cố gắng tái sử dụng các hộp đựng, bao bì khi nhận hàng nhưng tỉ lệ không quá 50% bởi vật liệu và cách gói hàng của bên bán.
Đó là dán keo khá kỹ bên ngoài gói hàng để bảo vệ nên muốn mở ra phải dùng kéo rạch, kết quả là cái túi đựng hàng rách nát chỉ còn cách bỏ thùng rác...
Chính giới tài xế giao hàng cũng than phiền các đơn vị bán hàng toàn dùng các hộp nhựa, túi ni lông... khó phân hủy. Ngay một suất cơm bình dân mang đi ít nhất 3 - 4 món đồ nhựa, sự tiện lợi trước mắt nhưng tác hại lâu dài tới môi trường.
Tìm đến một hàng ăn trong hẻm có tiếng được yêu thích trên các ứng dụng đặt đồ ăn như Shopee Food, Grabfood... trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) giờ cơm chiều, chỉ khoảng 10 phút tại tiệm đã có hàng chục shipper ra vào nhộn nhịp với bọc lớn, túi nhỏ các loại đồ ăn.
Theo nam nhân viên, mỗi ngày cửa hàng trung bình bán 300 - 400 đơn hàng. Vào những ngày có chương trình giảm giá đặc biệt, lượng đơn có thể tăng mạnh gấp đôi.
Các đơn hàng đều được nhân viên gói ghém, để riêng từng loại thức ăn cẩn thận trong nhiều lớp túi ni lông. Dễ thấy, lượng rác thải nhựa theo đó có thể lên tới hàng trăm tới cả ngàn chiếc túi, hộp, bọc mỗi quán ăn nếu bán theo hình thức online, đem đi.
Khuyến nghị có tác dụng gì?
Để ý mãi mới thấy một cửa hàng bán đồ ăn nhanh dùng túi đựng bằng giấy là cửa hàng Mixue trên đường Lý Thái Tổ (quận 10). Nhưng tìm hiểu kỹ thì cửa hàng dùng túi giấy vì đang triển khai chương trình khuyến mãi.
Chị Trang - quản lý cửa hàng - nói với Tuổi Trẻ rằng chương trình này rất tốn kém, thậm chí không có lời khi tặng túi giấy nếu đơn hàng không vượt 50.000 đồng. "Cửa hàng chạy chương trình chứ bình thường dùng túi ni lông để tiết kiệm chi phí hơn", chị Trang cho hay.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài một số cửa hàng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm cao cấp dùng bao bì thân thiện môi trường thường xuyên, các cửa hàng khác coi bao bì thân thiện môi trường là điểm nhấn để thu hút khách hàng, chỉ chạy trong các chiến dịch truyền thông.
Trở ngại vẫn là chi phí đồ dùng "xanh" giá cao hơn, đẩy giá thành sản phẩm cao nên khó cạnh tranh. Ví dụ gói 50 hộp cơm 600ml chất liệu nhựa xốp thông thường có giá trên dưới 35.000 đồng.
Tuy nhiên loại hộp xốp phân hủy làm từ bã mía được bán trên các sàn như Lazada, Tiki, Shopee có giá khá cao, từ 113.000 - 165.000 đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện các app công nghệ có lĩnh vực giao thức ăn qua mạng cho biết giảm rác thải nhựa chuyển qua dùng các bao bì thân thiện môi trường dù là xu hướng nhưng không dễ làm.
Thậm chí triển khai chưa thấy tín hiệu khả quan khi sự tiện lợi của bao ni lông, rác thải nhựa vẫn chiếm lĩnh. App chỉ khuyến nghị người dùng hạn chế đồ nhựa không cần thiết khi mua đồ ăn.
Chẳng hạn, đặt đơn hàng GrabFood, nếu khách không có nhu cầu lấy dụng cụ ăn uống chọn nút "dụng cụ ăn uống", tức nếu người dùng không thao tác gì, tức là nghiễm nhiên không lấy dao, thìa, muỗng, ống hút nhựa. Dù vậy, người tiêu dùng cho biết ít quan tâm đến chức năng này.
Nguyên do đến từ việc ưu tiên của các đối tác nhà hàng, quán ăn lẫn người giao hàng là năng suất, làm sao để hàng giao - nhận càng nhanh càng tốt và thà thừa còn hơn thiếu.
Nếu khách hàng không cần thì có thể vứt đi, chẳng cần quan tâm việc đó có gây ô nhiễm môi trường hay không.
TS Trương Ái Nhi - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) - cho hay hiện các loại bao bì thân thiện môi trường như hộp đựng từ bã mía hay sợi chuối... có giá thành cao so với các loại bao bì thông thường.
Quan trọng hơn, nguồn cung các loại bao bì này chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu bao bì khổng lồ nên phương pháp thay thế này chưa thể đạt được hiệu quả tối ưu trong nay mai.
Theo đó, bà Nhi nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện tại là sự tham gia quyết liệt của tất cả các bên liên quan.
Ví dụ, đối với các dịch vụ đặt hàng online, cần xây dựng một hệ sinh thái liên kết mạnh mẽ, chặt chẽ từ nhà sản xuất bao bì, doanh nghiệp sử dụng bao bì tới các đơn vị thu gom rác thải để tạo ra cơ chế thu gom hợp lý, phục vụ quá trình xử lý.
Ngoài ra, lộ trình áp dụng chuyển đổi bao bì và thay đổi hành vi của người tiêu dùng cần bắt đầu từ những nơi dễ áp dụng nhất. Ví dụ như việc quy định các nhà hàng cao cấp với tệp khách hàng sẵn sàng chi trả chi phí cộng thêm.
Sau đó, dần sẽ quy định đối với các cửa hàng và nơi cung cấp dịch vụ thực phẩm vừa và nhỏ. Đối với việc này thì vai trò điều phối, giám sát và thúc đẩy thực hiện chính là các cơ quan chức năng, bộ, ban ngành...
Ra ngoài ăn để thấy đời đẹp hơn
Từ khi đi làm và chuyển ra ở riêng, bạn Phạm Minh Nhật (23 tuổi, ngụ quận 5) có thêm thói quen hẹn bạn bè ra ngoài ăn uống, dạo phố mỗi dịp cuối tuần.
Nhật làm công việc tự do, thường xuyên ở nhà làm việc online lại vốn hướng ngoại nên cô thường xuyên thấy bức bối, sức khỏe tinh thần đi xuống.
Có lần ở nhà lâu, Nhật nhìn lên trần nhà trọ thầm tưởng tượng bốn bức tường căn phòng giống mảnh ruộng hình vuông và bản thân như con trâu cày cuốc chăm chỉ ngày này qua tháng nọ, không ra dáng người, sức khỏe tinh thần đi xuống.
Chính vì vậy, Nhật cho hay cô thường cố gắng sắp xếp công việc và hẹn bạn bè ra ngoài ăn uống dạo phố cuối tuần.
Bản thân cô khi rảnh cũng tranh thủ ra ăn ngoài nhiều nhất có thể để có thể giao tiếp với nhiều người hơn, thay vì đặt nước về nhà cô cũng thường ra quán cà phê làm việc để "đổi gió" và giao tiếp xã hội, nói chuyện với người này người kia, "xem nhân loại đang sống thế nào".
Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa/năm
Theo Trung tâm truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.
Trong đó có hơn 30 tỉ túi ni lông, hơn 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở tốp đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận