Diễn viên - ca sĩ Isaac trong phim Mùa hát tình ca - Ảnh: ĐPCC
Tiếp sau Trường học Bá Vương (3-8) sẽ là các phim Tìm vợ cho bà (10-8), Song Lang (17-8), Chàng vợ của em (24-8), Hoán đổi (31-8) và Mùa viết tình ca (31-8), có thể sẽ tạo ra một tháng phim Việt với những màu sắc hoàn toàn khác biệt.
Sáu phim Việt cùng nhau ra rạp cũng dễ hiểu, vì họ đợi qua mùa bom tấn mới phát hành phim. Số lượng này chưa là gì so với thế giới song cũng là tín hiệu đáng mừng khi có nhiều phim khán giả sẽ có nhiều lựa chọn
Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (giám đốc phát hành của CJ CGV Việt Nam)
Từ tình cảm gia đình đến chuyện cải lương
Tìm vợ cho bà là một bộ phim tình cảm gia đình của đạo diễn mới Tín Lương. Có nhân tố mới (Jang Mi - ca sĩ trẻ nổi tiếng bởi chất giọng bolero trong vai nữ chính) và cũ (ca sĩ ST của nhóm 365), có sự trẻ trung, lãng mạn tươi tắn của tuổi trẻ, có một - hai cú twist đúng lúc để đẩy cao trào của bộ phim.
Tìm vợ cho bà là bộ phim biết cách xử lý câu chuyện, dù vẫn còn rất rập khuôn công thức làm phim của Thái Lan và Hàn Quốc.
Song Lang lại là một câu chuyện khác, được VAA - êkip của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ấp ủ khá lâu và chọn thời điểm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương để trình làng cùng khán giả. Làm một đề tài đòi hỏi kiến thức, cảm xúc đặc biệt dành cho bộ môn nghệ thuật có đông đảo khán giả mộ điệu như cải lương quả là một thách thức không nhỏ.
Và việc giao dự án này cho một tên tuổi còn rất mới là đạo diễn Việt kiều Leon Quang Lê dường như lại càng làm dậy lên sự tò mò về Song Lang.
Teaser Song Lang
Những phân đoạn úp mở về Sài Gòn những năm 1970-1980, thời kỳ hoàng kim của những gánh hát, ông bầu nức tiếng được tái hiện trong phim khiến cảm xúc của người xem được đánh thức. Thế nên cũng không lạ khi Song Lang là dự án được giới chuyên môn lẫn khán giả chờ đợi nhất trong loạt phim lần này.
Thái Hòa trở lại cùng Charlie Nguyễn
Quay lại với chiếc ghế đạo diễn sau một thời gian miệt mài ở vai trò nhà sản xuất, Charlie Nguyễn và Thái Hòa đã đánh dấu sự hợp tác bền bỉ của mình bằng bộ phim thứ 6 làm chung mang tên Chàng vợ của em.
Trailer thứ hai của phim Chàng vợ của em
Được chuyển thể từ tiểu thuyết Anh Busy woman seeks wife của nhà văn Annie Sanders, bộ phim là câu chuyện hài hước, một góc nhìn về cuộc sống của những cô nàng thành thị: có tất cả nhưng dường như lại chẳng có gì! Sự kết hợp của gương mặt nữ chính Phương Anh Đào cùng gương mặt kỳ cựu Thái Hòa, Chàng vợ của em liệu có tạo nên một kỷ lục mới về doanh thu cho phòng vé Việt vẫn còn là câu hỏi.
Trong khi đó, Mùa viết tình ca - một bộ phim ca nhạc đầy hương vị mùa hè của đạo diễn Thắng Vũ - là một phim mang màu sắc khác của nhà sản xuất Lý Minh Thắng, vốn mát tay với những dự án thành công trước đó trong việc kết hợp giữa cái mới và cái cũ như Sài Gòn anh yêu em (đạo diễn), Lô tô (sản xuất).
Có bikini rực rỡ, có nắng vàng, biển trong và một chàng nhạc sĩ đào hoa si tình (Isaac thủ vai) cùng Nàng Thơ của mình (Phan Ngân), dự án này được đầu tư về hình ảnh cũng như dàn diễn viên ăn khách...
Tuy nhiên, điều khiến người xem mong chờ chính là phần âm nhạc của phim. Nhà sản xuất âm nhạc Cao Trung Hiếu đã mang âm nhạc của Phượng Hoàng band - âm nhạc của tuổi trẻ Sài Gòn một thời - vào phim.
Cuối cùng, Hoán đổi - một dự án được thực hiện cách đây khá lâu của đạo diễn Võ Thanh Hòa, sau hơn một năm dời lịch chiếu đã quyết định "tung chiêu" vào dịp này.
Hoán đổi không có gì mới ngoài chuyện "thân anh xác tôi" - đổi hồn hoán xác, nhưng điểm nhấn là vai hài chính trong phim được giao cho Nhã Phương - "nữ hoàng nước mắt" bấy lâu của màn ảnh.
Phim có sự tham gia của Trấn Thành, Việt Hương, Huỳnh Lập, Ngô Kiến Huy, Hứa Minh Đạt, Khả Như...
Đáng lo hay đáng mừng?
Đạo diễn trẻ Leon Quang Lê cho rằng với đạo diễn, phim ra được rạp là rất đáng mừng, còn thời điểm nào phần lớn do nhà sản xuất và nhà phát hành quyết định.
"Thị trường điện ảnh có nhiều phim ra rạp cùng thời điểm vừa cạnh tranh vừa có cái hay. Khán giả sẽ gạn lọc được những phim kém chất lượng, còn nếu các phim đều làm tốt thì càng tăng thêm niềm tin cho khán giả về phim nội địa.
Với Song Lang, tôi tự tin là bởi phim này tôi không làm với mục đích thương mại, không phải để đập tan phim kia hay lập doanh thu phòng vé. Tôi càng không chú ý đến những gia vị, chất liệu để câu khách đến rạp mà chỉ chú tâm kể câu chuyện của mình" - Leon Quang Lê chia sẻ.
Cùng chung nỗi niềm về thời điểm phát hành phim, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết nhà sản xuất phim đã phải đặt lịch với nhà phát hành từ sáu tháng trước khi phim ra rạp. Nhà phát hành thấy tuần nào trống sẽ xếp phim vào.
Anh phân tích cặn kẽ: "Phim rạp bây giờ nhiều quá, vừa cạnh tranh phim ngoại, vừa phải chia thị trường cho năm bảy phim Việt. Như vậy thì đâu đảm bảo được vốn. Đâu ai ra phim mà muốn đụng người này đụng người kia, thực ra muốn né cũng né không được.
Hơn nữa, rạp nhiều, phim nhiều nhưng thời gian phim trụ ở rạp lại ngắn, chỉ tầm 2-3 tuần, phim nào hay lắm thì 4 tuần. Vậy nên, nếu hỏi ngại thì tôi không ngại tất cả các phim ra cùng thời điểm tháng 8 mà chỉ ngại phim chiếu kế phim mình một tuần".
Vấn đề cốt lõi ở đây là phim nhiều vẫn không đáng quan tâm bằng chất lượng phim. Đồng ý với quan điểm này, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng để có được lòng tin của khán giả chỉ có cách làm phim tử tế, đàng hoàng và chỉn chu.
Mở đầu “trận đua” phim Việt tháng 8 là Trường học Bá Vương - phim đầu tay của đạo diễn trẻ Duy Joseph (Nguyễn Ngọc Duy Khương). Trường học Bá Vương có đề tài học đường, lộ rõ sự non tay trong toàn bộ khâu thực hiện phim, từ kịch bản đến êkip.
Điều này càng phần nào khiến khán giả thêm phần “hồi hộp” chờ đón 5 tác phẩm điện ảnh sẽ ra mắt tiếp trong tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận