Anh Hồ Ngọc Bảo săn nấm trong rừng tràm - Ảnh: THÁI LỘC
Trời hửng nắng, chúng tôi ghé chợ nấm tràm ngay vỉa hè trước đàn Nam Giao, TP Huế. Hàng loạt người đi xe máy chở từng gùi nấm tràm vừa dừng lại.
Thợ săn nấm
Rất đông người vây quanh. Kẻ xem nấm, người trả giá, chọn lựa... Khách xúm đông nhất quanh đôi vợ chồng trẻ bán mỗi ký nấm chỉ 20.000 đồng, rẻ hơn những người khác nên mau hết hàng. Họ lại lên xe máy lao đi.
Chúng tôi phóng theo. Đó là anh Hồ Ngọc Bảo và chị Hồ Thị Diên, người Vân Kiều ở xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế)...
Họ dừng xe gần cầu Tuần, mua 2 hộp cơm bụi, rồi tiếp tục ngược quốc lộ 49 về phía núi. Đến khu tái định cư lòng hồ thủy điện Hương Điền, vợ chồng ăn vội miếng cơm, rồi đeo gùi, chở thêm đứa con, rẽ đường mòn vào rừng. Chúng tôi bở hơi tai leo theo lên mấy triền đồi dày đặc cây tràm.
Bảo với đôi chân thoăn thoắt, vừa lách mấy bụi cỏ "lét" sắc như dao, vừa nhìn kỹ dưới đám lá khô, cỏ rậm. Thi thoảng, anh dừng lại, cúi xuống nhanh tay tách đám lá, hái những tai nấm ẩn trong đám lá tràm khô hoặc dưới tán cỏ lau, dương xỉ...
Thợ săn nấm tràm này cho biết đây là ngày thứ 4 của đợt nấm này. Sau nhiều tháng nắng hạn, đến khoảng cuối tháng 8 thì mưa dầm dề do ảnh hưởng bão. Nắng lên mấy ngày đầu tháng 9, đợi vài hôm sau thì cả thôn dồn ngay vào rừng tràm hái nấm.
"Hôm đầu nấm nhiều vô kể. Những đám như vầy mọc thành từng vạt, chỉ hái nửa tiếng đã đầy gùi. Sáng hái được cả nửa tạ, chở đầy xe về phố, bán xong lên hái tiếp, đến ba đợt như rứa trong ngày, kiếm hơn triệu bạc. Đến hôm sau nữa, nấm có ít hơn, vợ chồng cũng kiếm thêm gần 1 triệu đồng, và hôm sau nữa cũng bảy tám trăm ngàn" - Bảo vừa kể vừa lách mấy đám cây bụi, hái nấm bỏ vào gùi.
Người vợ nhanh tay, cậu con Hồ Ai Sun Chun mới 10 tuổi cũng tinh mắt, hái từng đám nấm. Chỉ một lát, cậu bé đã hái nấm đầy vạt áo để bỏ vào gùi trên lưng cha. Sau hơn 1 giờ, gia đình họ đã hái được lưng gùi...
Mùa "lộc trời" nấm tràm thường khởi đầu khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, sau những cơn mưa dông gột rửa tháng ngày nắng nóng. Theo kinh nghiệm dân địa phương, chừng 2 hoặc 3 ngày sau cơn mưa lớn, khi những làn tơ nhỏ li ti nhẹ bay theo gió trời và trong sân nhà một loài lan đất hé nở, là họ cắp ngay giỏ vào rừng hái nấm.
Riêng loài lan đất có lá nhỏ dài mọc thành từng bụi, thường được chị em xưa lấy củ xức mụn có tên phong huệ. Ngày nó hé nụ hồng là báo hiệu vào mùa nấm tràm, nên vài nơi cũng gọi "lan nấm tràm".
Năm nay thời tiết "rẽ trái", nắng nóng khô hanh kéo dài. Mãi cuối tháng 7 âm lịch mới có mưa dầm nên lan phong huệ nở muộn và mùa nấm tràm cũng muộn. Tuy nhiên, mùa này nấm lại mọc rộ rất nhiều.
Mọi năm nấm chỉ được giá 1-2 ngày đầu. Năm nay có lẽ người sành ăn nấm nhịn thèm lâu, nên giá ngày đầu mỗi ký 35.000 - 40.000 đồng, đến những ngày sau giá cả vẫn còn hấp dẫn người đi săn nấm...
Chen chân mua nấm ngay trước đàn Nam Giao, TP Huế - Ảnh: N.TRỌNG
"Lộc trời"
Ông Hà Loãng (65 tuổi, ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) cười vui bên vợ vừa bán được hơn 300.000 đồng tiền nấm. Ông kể vợ chồng kiếm được số tiền vậy đã 3 hôm rồi, và tỏ vẻ tiếc nuối "chỉ mấy ngày nữa là hết nấm để hái".
Vợ chồng già miền sơn cước này vừa làm đồng vừa mót củi không đủ nuôi cơm và tiền thuốc thang cho con trai bại não. Họ chỉ tiếc không có sức như thanh niên để hái được thật nhiều nấm. Nhưng chừng đó với họ cũng đã là số tiền lớn "từ trời rơi xuống, có thể lo được mấy việc nhà".
Bán nấm cạnh ông Loãng là chị Nguyễn Thị Thuận đang tươi cười, nhanh tay cân nấm và thu tiền của khách hàng. Hằng ngày Thuận ngồi may vá trên quốc lộ 49 gần chợ Bình Điền (thị xã Hương Trà).
Khi nghe thợ săn nấm rục rịch lên rừng, chị nghỉ may, rủ chồng tạm nghỉ việc thợ hồ để vào rừng hái nấm. Chị tiếc lỡ hôm nấm mọc rộ đầu tiên, song suốt ba ngày liền vợ chồng cũng kiếm được hơn 3 triệu bạc, gấp nhiều lần thu nhập bình thường.
Cũng tại "chợ nấm" mấy ngày này, bà Phương thu tiền to nhờ nấm. Ngay sáng đầu tiên, vợ chồng và 3 người con bà đã cùng vào rừng tràm. Chỉ hôm đó họ chở về phố được hơn 5 tạ, bán được hơn 10 triệu đồng. Tính đến chiều 7-9, họ đã thu được hơn 30 triệu tiền bán nấm.
Cả gia đình người Vân Kiều đi săn nấm tràm - Ảnh: THÁI LỘC
Ngộ nhận nấm tràm
Nấm tràm thường được gọt phần vỏ rồi ngâm nước muối, rửa sạch để xào, nấu với tôm, thịt hoặc hải sản. Nấm có vị đắng nhân nhẩn, ăn nhiều thường có cảm giác "phừng người", có lẽ do giàu năng lượng và được giấc ngủ ngon. Nhiều dân vùng trồng tràm bán sơn địa phía tây và tây nam Huế thường lý giải nấm tràm mọc lên nhờ tinh dầu tràm.
Có thợ săn nấm còn tỏ vẻ đầy kinh nghiệm, giải thích: sau những ngày nắng nóng làm vỏ cây tràm nứt ra, tinh dầu theo nước mưa chảy xuống đọng lại dưới đám lá ẩm mọc lên thành nấm. Có người còn cho rằng nấm mọc lên chính từ mốc meo âm ẩm phía dưới của lớp lá tràm khô...
Tuy nhiên, TS Ngô Anh - chuyên gia về nấm - nói nấm tràm không liên quan đến tinh dầu tràm. Tên khoa học của nấm tràm là tylopilus felleus (bull.), còn gọi là boletus felleus bull., không có độc tính. Đặc tính loài nấm này là sống cộng sinh trên bốn cây trồng: tràm (bản địa), tràm hoa vàng, keo tai tượng và bạch đàn, chủ yếu phát triển vụ mùa thu và chỉ mọc trong thời gian ngắn.
"Bào tử nấm tràm phát tán trong tự nhiên, khi gặp trận mưa xuống tạo độ ẩm thích hợp thì tạo mầm thành sợi nấm, sống cộng sinh với rễ bốn loại cây: tràm, tràm hoa vàng, bạch đàn và keo tai tượng" - TS Ngô Anh chia sẻ.
Nhờ nấm, không phải nợ
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phương vui vẻ kể "lộc trời cho" đủ đóng tiền ăn học cho cả 3 người con. Trước ngày nhập học, họ "tính nát óc" mà không biết cách chi. "Cả chục triệu bạc chứ mô có ít, tui đang nghĩ cách vay mượn chỗ mô mà chưa nghĩ ra. May quá, tự nhiên lại có đợt nấm ni rộ lên, được giá, chừ thì khỏe rồi" - bà Phương vui ra mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận