01/06/2021 12:45 GMT+7

Mùa COVID-19: Luyện thư pháp để rèn nhẫn nại kiên trì

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Tại quận 5, TP.HCM, một số thư pháp gia lâu nay không ngừng mở lớp truyền trao nghệ thuật viết chữ theo đúng truyền thống của người xưa. Các lớp học này cũng đang ngày càng thu hút thêm các học viên trẻ.

Mùa COVID-19: Luyện thư pháp để rèn nhẫn nại kiên trì - Ảnh 1.

Thư pháp gia Lâm Hán Thành hướng dẫn các học viên tại lớp - Ảnh: L.ĐIỀN

Việc đào tạo nên những tay bút trẻ có thể trở thành thế hệ kế cận những thư pháp gia tiền bối cũng là vấn đề trăn trở của những người đang hoạt động tại Chi hội Thư pháp TP.HCM...

Nhiều người trẻ tìm đến các lớp luyện thư pháp

Thật bất ngờ khi bắt gặp cô gái trẻ Thúy Vân, nhà ở tận Gò Công tại lớp thư pháp cuối tuần của thư pháp gia Lâm Hán Thành (Q.5).

Vân đang theo đuổi bộ môn tiếng Trung, được bạn khuyên tìm thầy luyện cách viết chữ bằng bút lông mực tàu theo kiểu người xưa để hiểu về cấu tạo chữ Hán.

Nên Thúy Vân tranh thủ mỗi cuối tuần chạy xe máy hơn 60 cây số từ Gò Công lên Chợ Lớn để luyện chữ, bắt đầu những nét vỡ lòng.

"Em chỉ bột phát quan tâm nên đến với bộ môn thư pháp vì muốn trực tiếp dùng cây bút lông viết chữ Hán xem thế nào, bước đầu chỉ tập các nét cơ bản thôi đã thấy khó, nhưng em cảm nhận được việc luyện chữ này cũng có chỗ hay, ít ra cũng làm mình tập trung nhiều hơn nên sẽ tiếp tục theo học", Thúy Vân chia sẻ.

Cùng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thanh Duyên, một giảng viên tiếng Trung đang học cao học tại Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc), khi về nước dịp tết vừa rồi bị kẹt lại ở Việt Nam, quyết định đến lớp thư pháp để tranh thủ học thêm một bộ môn vốn là đam mê của cô từ nhỏ.

Với Thanh Duyên, học thư pháp sẽ có dịp thực hành viết các thể chữ từ cổ xưa như giáp cốt, đại triện, tiểu triện... chính là một phần nội dung bộ môn cổ văn tự mà cô đang theo học văn bằng thạc sĩ.

"Yêu cầu đầu tiên tôi đặt ra khi học thư pháp là cải thiện chữ viết của mình, từ lâu tôi tự thấy chữ Hán mình viết không cân đối, kể cả chữ viết bằng bút sắt trong tập vở học các bộ môn cũng không đẹp như các thầy, nên thông qua các kiến thức về bố cục kết cấu trong thư pháp, hy vọng chữ viết sẽ đẹp hơn", Thanh Duyên bộc bạch.

Chính những nhu cầu thiết thực như vậy, cộng với tình hình giao lưu tìm hiểu nghệ thuật thư họa đang phát triển trong những năm gần đây, khiến giới trẻ tìm đến các lớp luyện thư pháp ngày càng nhiều.

Học thư pháp không chỉ là luyện cách viết chữ, mà qua đó rèn luyện cả tâm tính chính mình. Luyện chữ là quá trình không ngừng hoàn thiện những gì chưa đạt; cần phải quan sát tỉ mỉ và lặp đi lặp lại bút pháp để thành thục, do vậy quá trình này cũng là rèn tập tính nhẫn nại kiên trì.

Nhà thư pháp Lâm Hán Thành

Dư địa từ dòng văn học Việt Nam

Nhà thơ, dịch giả Dư Vấn Canh trong một lần trả lời phỏng vấn của đài truyền hình về khả năng ứng dụng thư pháp, đã đề cập đến "dư địa" từ những danh tác trong dòng văn học Hán - Nôm của Việt Nam đều có thể là chất liệu tốt để sáng tác thư pháp.

Bằng nghệ thuật thư pháp có thể sáng tạo lại một bài văn, thơ thành tác phẩm thư họa. "Có thể hình dung bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan một khi được thư pháp hóa theo các thể chữ thảo, hành, khải, lệ chẳng hạn, chính là mang lại một đời sống mới cho bài thơ ấy.

Công chúng cũng có thêm một con đường mới để tiếp cận bài thơ, đó là con đường nghệ thuật thư pháp", dịch giả Dư Vấn Canh phân tích.

Đồng thuận với quan điểm này, thư pháp gia Trương Lộ cho rằng có thể khai thác kho tàng tác phẩm Hán - Nôm của Việt Nam để sáng tác bằng nghệ thuật thư pháp. Chính trong triển lãm cá nhân vừa qua của Trương Lộ, ông cũng cố ý đưa ra 4 tác phẩm chữ Nôm để giới thiệu một nét đặc sắc trong thư pháp Hán - Nôm của Việt Nam.

Theo những nhà thư pháp trực tiếp đứng lớp giảng dạy như Lâm Hán Thành và Trương Lộ, trở ngại lớn nhất của người học thư pháp chính là thời gian và tính nhẫn nại, kiên trì.

Đa số học viên đều tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đến lớp thư pháp, như Nguyễn Phúc Ánh vừa dạy các lớp tiếng Hoa ở Đại học Kinh tế và dạy lớp võ ban đêm ở Trung tâm Bình Chánh, còn tranh thủ cuối tuần đi luyện chữ.

Cho rằng học thư pháp còn là cách luyện tâm, nhà thư pháp Lâm Hán Thành chia sẻ: "Người hiếu động lăng xăng nên luyện 3 thể chữ thuộc "tĩnh" là khải thư, lệ thư, triện thư; người chậm chạp ù lì nên luyện 2 thể chữ thuộc "động" gồm hành thư, thảo thư. Lấy tĩnh và động của thư pháp chế ngự hoặc bổ khuyết cho tâm tính bản thân, lâu ngày tự hoàn thiện được mình".

Mùa COVID-19: Luyện thư pháp để rèn nhẫn nại kiên trì - Ảnh 3.

Hướng dẫn "học viên nhí" cách cầm bút lông đúng quy cách - Ảnh: L. ĐIỀN

Hiện tại các lớp nghệ thuật thư pháp chữ Hán tại TP.HCM có tổ chức tại nhà riêng thư pháp gia Trương Lộ (Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), văn phòng thư pháp gia Lâm Hán Thành (Q.5), và lớp do Chi hội Thư pháp TP.HCM tổ chức tại Hội VHNT Các dân tộc thiểu số TP. HCM (135 Triệu Quang Phục).

Triển lãm 100 tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại TP.HCM Triển lãm 100 tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại TP.HCM

TTO - Bộ sưu tập 100 tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa được trưng bày lần đầu tiên tại Việt Nam trong triển lãm mang chủ đề 'Hương thơm quê mẹ'.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên