31/08/2009 17:12 GMT+7

Mùa cá linh non

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Mình đã hẹn (với mình thôi) về việc viết lại cái cảm xúc về nỗi nhớ mấy món ẩm thực với cá linh non, viết ngay khi mùa nước vừa mấp mé ruộng đồng quê mình. Nhưng quay qua quay lại có khi mùa nước này trôi theo mùa nước khác, mình quên béng mất.

SYn0mztD.jpgPhóng to
Cá linh ăn kèm với bông điên điển - Ảnh: Internet
TTO - Mình đã hẹn (với mình thôi) về việc viết lại cái cảm xúc về nỗi nhớ mấy món ẩm thực với cá linh non, viết ngay khi mùa nước vừa mấp mé ruộng đồng quê mình. Nhưng quay qua quay lại có khi mùa nước này trôi theo mùa nước khác, mình quên béng mất.

Mùa cá linh non bắt đầu với con nước đầu mùa lũ của tháng 8 âm. Cá thường xuôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về sông Tiền, sông Hậu. Người ở miệt thượng nguồn Đồng Tháp như vùng Tân Hồng, Hồng Ngự là nơi đón nước sớm, cũng đồng nghĩa với đón mùa cá linh sớm nhất.

Với cách bắt cá truyền thống là thả dớn (may bằng vải lưới dày, vì cá linh chỉ nhỏ cỡ đầu đũa), họ canh con nước khuya, kéo dớn và mang luôn ra chợ, sao cho cá còn tươi roi rói, nhảy long tong trong thau, có khi còn nhảy luôn vào chân người đi chợ.

Cá linh non thường được đem kho lạt, ăn kèm với rau sống là bông điên điển và bông súng trắng. Loại bông súng này chỉ khi mùa lũ mới có, nở bông trắng cả ruộng đồng. Nhưng ẩm thực từ con cá linh non không chỉ có thế mà còn phong phú vô cùng với các món: cá linh nhúng giấm; cá linh nấu canh chua me; cá linh lăn bột chiên giòn và cá linh kho mắm...

Cá linh đầu con nước, nhỏ, mềm và béo ngậy ngậy. Mấy món cá này có thêm lít rượu đế cay cay dằn vị thì bốn phương đều là bằng hữu cả.

Hồi đó, ba đặc biệt mê mấy món chế biến từ cá linh non. Hễ mùa đầu con nước ba dặn mẹ đi chợ phải đi thiệt hối hả để đem cá tươi về. Ba đem cá rửa sạch, móc hầu để lấy ra mật đắng, rồi kho lạt, nhúng giấm. Chán chê rồi, ba xử lý thêm món cá kho với tương hột, thêm một đĩa rau xanh vườn nhà, ăn cơm quên no.

Mùa cá linh thường kéo dài cho đến khi hết lũ, nhưng cá linh non chỉ được vài ba con nước đầu thì hết. Khoảng từ đầu tháng 9, cá linh đã trọng trọng nhưng chủ yếu để ủ nước mắm và làm mắm tươi. Thường đến lúc này cá linh đã sắp trưởng thành nên không còn béo nữa mà gầy và cứng. Phải qua giai đoạn này, đến giai đoạn trưởng thành và chính chắn, những chú cá linh mới béo mập và ngon trở lại, nhưng tên chú được gọi là cá linh rìa.

Nhắc đến cá linh rìa thì mình lại nhớ đến cá linh được người miệt dưới gọi là cá linh gói. Chẳng là một số em cá linh tung tăng theo con nước mênh mông lạc vào ao nuôi nhà, khi nước rút em hết biết đường ra. Hết nước, bà con thường dọn ao tát đìa tóm được em, bèn gọi em là cá linh gói (chắc là bị... gói trong ao).

Có khi lúc mình viết những dòng này, con cá linh non của mùa trước đã thành con cá linh rìa mất rồi. Cá linh rìa thì không kho tương hột, cũng chẳng thể kho lạt mà chỉ còn có cách nấu canh chua hoặc chiên giòn. Cá linh rìa không mềm lắm, nhưng khi thưởng thức thì như nghe được hương vị của thứ ở lâu với đồng, của thứ cá vừa trải qua cuộc hành trình rong ruổi từ mênh mông vào trong... gói.

Một hành trình xa tít tắp và đầy kinh nghiệm.

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên