Tháng 11 năm ngoái, người dùng mạng xã hội ở Philippines được một phen “hú vía" vì một bức ảnh vệ tinh mà nhiều người lan truyền kèm thông tin dự đoán một siêu bão có thể tấn công Philippines vào ngày 18-11 với sức gió lên đến 185km/h.
Thậm chí một bài đăng trên Facebook, được chia sẻ hơn 27.000 lần, còn cảnh báo mọi người hãy sẵn sàng sơ tán.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng của Philippines ngày 13-11 chỉ phát đi cảnh báo về khả năng có một cơn bão với gió lên đến 120km/h, nhưng không dự đoán siêu bão và một ngày sau đó, dự báo này cũng bị hủy bỏ.
Đến ngày 23-11, vẫn không có cơn bão nào tấn công Philippines cả, theo AFP. Sau đó, người ta phát hiện ra đó là hình ảnh vệ tinh của cơn bão Haiyan từ năm 2013.
Do vậy, để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi những thông tin sai lệch, việc biết cách phân biệt tin giả là rất quan trọng.
Bí kíp tránh tin giả
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để nhận diện thông tin sai lệch do Sở Các vấn đề cộng đồng và Đô thị MACA (Canada) khuyến cáo người dân:
Trong những trường hợp khẩn cấp, có rất nhiều thông tin được lan truyền. Không phải tất cả đều đáng tin cậy. Những suy đoán, tin đồn và thông tin sai có thể gây nhầm lẫn, lo lắng và làm trì hoãn các nỗ lực ứng phó khẩn cấp. Một số mẹo dưới đây có thể giúp bạn phân biệt được thông tin sai để tránh:
Cẩn trọng với nguồn thông tin trên mạng xã hội:
Nếu bạn thấy một bài đăng trên nhóm Facebook cộng đồng, trước khi chia sẻ hoặc tin vào nó, hãy thực hiện những bước sau để đánh giá độ tin cậy:
- Kiểm tra lịch sử bài đăng của họ trong nhóm: Họ có thường xuyên đăng tải các nội dung kích động hoặc gây xúc phạm không? Họ có bị các thành viên trong nhóm chỉ trích hoặc bác bỏ trước đây không? Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về các nguồn thông tin không đáng tin cậy.
- Kiểm tra trang cá nhân của họ: Ba dấu hiệu có thể cảnh báo về tài khoản mạng xã hội giả là tài khoản mới tạo, tài khoản có rất ít người theo dõi, và ảnh đại diện là ảnh trên mạng hoặc ảnh của người khác.
Đánh giá tất cả các nguồn thông tin:
Ai đã chia sẻ thông tin với bạn và họ lấy thông tin từ đâu?
Dù thông tin có nguồn gốc từ bạn bè hay gia đình, bạn vẫn cần đánh giá nguồn gốc của nó.
Đối với các trang web, hãy kiểm tra phần “Giới thiệu” và “Liên hệ” để tìm thông tin nền và thông tin liên hệ hợp pháp.
Tìm kiếm tên tác giả trên mạng để xem họ có phải là người thật và/hoặc đáng tin cậy không. Kiểm tra địa chỉ web, địa chỉ email hoặc tiêu đề khi bạn đọc thông tin từ nguồn mới.
Nếu bạn nghe thông tin trực tiếp, hãy đặt câu hỏi. Nếu người đó không có nhiều chi tiết, họ có thể đã nhầm lẫn.
Cảnh giác với tiêu đề, tít tựa:
Tiêu đề hoặc các bài đăng trên mạng xã hội có thể cố tình gây sốc hoặc kích động để thu hút sự chú ý hoặc tạo phản ứng từ người đọc. Hãy đảm bảo bạn đọc hết nội dung chứ không chỉ tiêu đề của bài viết - hãy xem hết toàn bộ câu chuyện.
Hãy tìm kiếm thông tin ngoài mạng xã hội, tìm đến các nguồn thông tin in ấn như báo chí và tạp chí, các nguồn thông tin kỹ thuật số như các trang tin tức trực tuyến, và các nguồn chính thức từ chính phủ và chính quyền địa phương. Đọc nhiều nguồn sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về những gì đáng tin cậy và không đáng tin cậy.
Thận trọng với thư rác và các trang web không đáng tin cậy:
Có 6 dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý:
- Thiết kế giao diện không chuyên nghiệp.
- Sai chính tả và ngữ pháp.
- Sử dụng quá nhiều chữ in hoa hoặc dấu chấm than.
- Địa chỉ web có vẻ giống, nhưng khác một chút so với các trang web đã được xác thực.
- Địa chỉ web sử dụng các tên miền không phổ biến (ví dụ: .biz, .info).
- Những email tuyên bố là từ một tổ chức nhưng có địa chỉ email không liên quan đến trang web của tổ chức đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận