23/10/2019 07:18 GMT+7

Mua bán sổ bảo hiểm xã hội loạn xạ từ nhà máy đến tiệm cầm đồ

MINH VŨ
MINH VŨ

TTO - Cho vay cầm sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) - "dịch vụ" đang lan từ trong công xưởng, các tiệm cầm đồ gần khu trọ công nhân đến những lời rao thu mua sổ BHXH trên mạng. Sổ BHXH nào phải tài sản có thể dễ dàng cầm cố, mua bán như vậy?

Mua bán sổ bảo hiểm xã hội loạn xạ từ nhà máy đến tiệm cầm đồ  - Ảnh 1.

Rao dịch vụ thu mua sổ BHXH trên mạng - Ảnh: MINH VŨ

Sổ BHXH được xem là cuốn "sổ tiết kiệm" của người lao động để hưởng các chế độ trợ cấp BHXH về sau này. Từ khi sổ được giao cho người lao động tự quản lý, đáng buồn, sổ này thành "món hàng" để mua bán, cầm cố.

Mua công khai

Các loại "dịch vụ" cho vay cầm sổ BHXH vào tận công xưởng, quảng cáo "thu mua sổ BHXH" công khai trên Internet. Theo một địa chỉ và số điện thoại 086641xxxx đăng trên một trang mạng rao công khai "thu mua sổ BHXH với giá cao", chúng tôi được chủ nhân số điện thoại này nhiệt tình hướng dẫn cách bán sổ BHXH. Họ yêu cầu gặp trực tiếp và nhớ mang theo sổ BHXH đã "chốt" (xác nhận thời gian tham gia của cơ quan BHXH hoặc đang trong thời gian làm việc).

Ngoài việc thu mua sổ BHXH, trang mạng cũng có nhiều dịch vụ khác về sổ BHXH như nhận thanh lý sổ BHXH trước thời hạn, đóng BHXH nhưng đã nghỉ việc từ 6 tháng trở lên và muốn bán sổ. Lời rao đánh vào tâm lý "cần tiền gấp và không muốn vay mượn ai" của những người lâm cảnh khó khăn. 

Dù ghi ưu tiên người đang ở TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh lân cận nhưng họ chấp nhận người lao động có hộ khẩu mọi miền, chỉ cần trực tiếp giao dịch và nhận tiền tại phòng công chứng. Liên hệ qua số điện thoại này bằng nhiều cách: có thể gọi, gửi tin nhắn qua điện thoại, tin nhắn Zalo...

Ngoài kiểu mua bán, cầm cố công khai này, hiện nay dịch vụ này vào tận các công xưởng, ở các khu công nghiệp đông công nhân không khó tìm dịch vụ cho vay tiền nhận cầm cố, thế chấp sổ BHXH. Nhiều tiệm cầm đồ gần khu đông công nhân cũng có dịch vụ này. Người quen của tôi đang làm công nhân may cho một công ty ở Bình Dương cho biết chị từng mang sổ BHXH đi cầm để vay tiền của một người làm dịch vụ gần khu công nghiệp... 

Cầm rồi, có người chuộc được, nhiều trường hợp sổ ra đi không hẹn ngày về. Thậm chí người vay bằng cách thế chấp thẻ ATM (nhận lương hằng tháng), đến khi không còn khả năng chi trả nợ hoặc có ý định nghỉ việc hẳn đành chọn cách "gả" sổ BHXH.

Bán cả "của để dành"

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 quy định các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển giao sổ BHXH cho người lao động để người lao động tự quản lý và theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình, cũng như "phòng ngừa" tình trạng doanh nghiệp không trả sổ cho người lao động khi người lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động (từng xảy ra vài nơi). Nhiều trường hợp người lao động bán hay cầm cố, thế chấp sổ BHXH của mình và làm giấy ủy quyền cho bên làm dịch vụ đi làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần.

Cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng đã xử lý một số đối tượng trước đó là cán bộ, nhân viên của cơ quan BHXH "thu gom" hàng chục sổ BHXH của nhiều người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, đã nghỉ việc (nhưng chưa nhận sổ) để làm thủ tục hưởng trợ cấp một lần, trục lợi từ việc này.

Theo quy định của pháp luật, đối với trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, theo luật định sẽ không được cấp lại sổ (quyết định 1035 và quyết định 595 của tổng giám đốc BHXH Việt Nam). Hành vi cầm cố sổ BHXH của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện khai báo không đúng sự thật.

Nhiều người lao động do ngại đi tới đi lui để nhận tiền bảo hiểm, một số người nghỉ việc về quê xa càng ngại hơn nên họ muốn "giao" hẳn cho ai đó làm thủ tục thay cho mình và cầm tiền trước. Số tiền người lao động nhận được hẳn nhiên sẽ thấp hơn số tiền đáng ra họ sẽ nhận được (sau khi trừ phí dịch vụ), khoản trừ này có khi là vài triệu đồng, nhưng với người lao động thâm niên ít có khi chỉ 40-50% số tiền. Đây là khoản lợi không nhỏ cho những người "gom" được hàng chục, hàng trăm sổ BHXH.

Chuyện này nhiều người cho là phí dịch vụ, bên làm dịch vụ được hưởng (khi người lao động đã ký ủy quyền). Nhưng đi kèm với dịch vụ này là dịch vụ cho vay cầm sổ BHXH, việc mua - bán sổ với khoản lãi và lợi ích lớn. Cơ quan BHXH biết điều này không? Những người nhận cầm cố, thế chấp hay thu gom, thu mua sổ BHXH cũng sẽ không dễ nhận được tiền nếu cơ quan BHXH thực hiện chặt chẽ quy trình chi trả bảo hiểm.

Để khắc phục tình trạng sổ BHXH bị xem như vật mua bán, cầm cố, ngăn chặn trục lợi từ việc này, cần có thêm quy định nghiêm cấm các hành vi cầm cố, thế chấp và các hành vi thu gom, thu mua sổ BHXH cũng như cần có mức xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng mua bán sổ BHXH hiện nay.

Biến tướng của vay lãi cao

Sổ BHXH không phải là tài sản riêng của người lao động. Mất hay thất lạc sổ đều gây ra rất nhiều thiệt thòi, phiền phức (thậm chí tranh chấp) sau này. Thực tế đã xảy ra trường hợp một cá nhân nhận ủy quyền của hàng chục người lao động để đến cơ quan BHXH làm thủ tục nhận trợ cấp một lần, cơ quan BHXH từ chối làm thủ tục và tiến hành xác minh.

Nhiều người đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố, thế chấp, thậm chí bán sổ để lấy tiền chi tiêu khi túng thiếu. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều người làm dịch vụ thu gom sổ kiếm lợi hoặc hưởng lãi suất cao. Đây là một "biến tướng" của nạn cho vay lãi suất cao.

Thất thoát 1.700 tỉ tiền bảo hiểm xã hội: Đề nghị truy tố nguyên thứ trưởng Lê Bạch Hồng Thất thoát 1.700 tỉ tiền bảo hiểm xã hội: Đề nghị truy tố nguyên thứ trưởng Lê Bạch Hồng

TTO - Bị can Lê Bạch Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - bị đề nghị truy tố vì có những sai phạm gây thất thoát 1.700 tỉ đồng xảy ra trong thời gian ông được cử làm tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

MINH VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên