Cô gái ôm mặt khóc khi bị Công an thị trấn Dương Đông bêu riếu giữa đường - Ảnh cắt từ clip
Vấn đề đặt ra sau vụ Công an thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) đưa những người bị xử phạt hành chính về hành vi mua bán dâm ra đường để công bố: xử lý như thế nào cho hợp lý hợp tình?
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này:
* Luật sư TRẦN ĐỨC PHƯỢNG (Đoàn luật sư TP.HCM): Mức chế tài đã đủ nghiêm khắc
Theo nghị định 167, người mua dâm sẽ bị phạt 500.000 đồng; mua dâm nhiều người sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Nếu ép buộc hoặc lôi kéo người khác cùng mua dâm có thể bị phạt đến 10 triệu đồng. Nếu mua dâm đối với người chưa thành niên dưới 18 tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (1-15 năm tù). Tôi nghĩ mức chế tài nêu trên đã đủ nghiêm khắc.
Có nhiều biện pháp để xử lý tình trạng mại dâm hiệu quả hơn như muốn dẹp bỏ tệ nạn phải quản lý tận gốc, quản lý tại các khách sạn, sử dụng các biện pháp giáo dục, tuyên truyền xã hội... Việc mua bán dâm thường được tổ chức thành đường dây nên quản lý, xử lý triệt để là không khó.
* Luật sư TRƯƠNG CÔNG NGUYỄN ANH PHIỆT (Đoàn luật sư Đà Nẵng): Chỉ phạt tiền
Bán dâm và mua dâm (trừ trường hợp mua dâm người dưới 18 tuổi) không phải là các hành vi tội phạm bị xử lý theo các quy định của pháp luật hình sự. Hành vi mua dâm, bán dâm đã được hướng dẫn cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính tại nghị định 167. Theo đó, chỉ quy định về việc phạt tiền và hình phạt bổ sung đối với hành vi mua dâm, bán dâm đối với cá nhân và tổ chức.
Pháp lệnh phòng, chống mại dâm cũng quy định về xử phạt hành chính bằng tiền đối với người mua dâm; đối với người bán dâm thì quy định "tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh".
Hơn nữa, việc xử phạt cũng phải tuân thủ quy định tại điều 34, Bộ luật dân sự 2015: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
* Ông NGUYỄN VĂN CHUNG (viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM): Phù hợp xu thế tiến bộ
Quy định pháp luật hiện nay trong xử lý đối với hành vi mua bán dâm phù hợp xu thế tiến bộ, văn minh. Trường hợp người bán dâm bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cũng phải tuân theo trình tự bảo đảm đời tư, tránh cho người bị áp dụng cảm giác bị mặc cảm, xúc phạm.
Trường hợp giáo dục tại xã, phường, cán bộ công an, hội phụ nữ, đoàn thể... người nào được phân công thì mới tham gia khuyên răn, giám sát, giáo dục người vi phạm. Tuyệt nhiên không thể công khai bằng văn bản, phương tiện thông tin, bêu tên... tại địa phương.
Xã hội ngày càng phát triển, quyền con người, quyền công dân ngày càng phải được tôn trọng. Nguyên tắc này được ghi nhận vào gần như tất cả các văn bản như Hiến pháp, Luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn.
Chúng ta cần cân nhắc giữa quyền con người với trật tự xã hội. Rõ ràng quyền con người phải được đề cao hơn tất cả. Hoạt động mại dâm có nhiều cách xử lý khác nhau. Chúng ta không thể hi sinh quyền con người để đổi lấy trật tự xã hội.
TS ĐINH THẾ HƯNG (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN)
* Luật sư HỨA THỊ THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM): Không xâm phạm danh dự, nhân phẩm
Hai nghị định quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn cũng như đưa vào cơ sở chữa bệnh đều ghi nhận nguyên tắc rất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Ví dụ, điều 2 nghị định 111 về áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn quy định như sau: "Không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và người chưa thành niên được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.
Không công khai việc tổ chức, nội dung, kết quả cuộc họp tư vấn, hồ sơ và thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên. Chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong quá trình xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ..."
* ThS xã hội học NGUYỄN HỮU TÚC (giảng viên Đại học Luật TP.HCM): Giúp họ nhận thức rõ hơn
Tôi cho rằng mại dâm phải được coi như một hiện tượng xã hội để đưa ra những giải pháp phù hợp. Làm sao để người mua người bán nhận thức rõ hơn việc bảo vệ bản thân và gia đình trước khi thực hiện các hành vi đó. Có như vậy chúng ta mới quản lý được.
Khi phát hiện việc mua bán dâm, có lẽ trong hoàn cảnh hiện nay nên lập một ban gồm người có đủ trình độ, hiểu biết về tâm sinh lý để khi có những trường hợp như vậy có thể đưa vào một phòng để trao đổi, trò chuyện, từ đó có cách giáo dục riêng, giúp đỡ họ nếu cần. Cũng phải để cho người ta con đường lùi, không thì có thể làm nảy sinh các hiện tượng xã hội tiêu cực khác.
* Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG (trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM): Xử lý khéo léo
TP.HCM trước nay khi phát hiện các vụ việc mại dâm, tôi thấy đều có cách xử lý khéo léo, dù có chụp hình đăng báo hay gì cũng che mặt. Bản thân tôi không ủng hộ việc lập phố đèn đỏ, coi đây là một nghề.
Nhưng cũng không ủng hộ việc bêu riếu người vi phạm. Nếu bêu riếu là dồn họ vào đường cùng khiến họ không thể làm lại cuộc đời, họ lại buộc phải quay về đường cũ. Như thế là phản tác dụng.
Không cần công khai trước đông người, mà nên tìm hiểu rõ các đối tượng, tùy từng trường hợp để xử lý phù hợp. Nếu trường hợp nào có thể giúp được họ rời khỏi con đường đó thì tìm cách giúp họ.
Mặt khác, cũng cần xử lý ngang bằng người bán và người mua. Nếu giảm người mua thì người bán cũng sẽ bớt.
* Luật sư TRẦN NGỌC HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM): Hành vi phạm tội và tình tiết tăng nặng
Việc bắt những người vi phạm hành chính - lại là những việc tình dục tế nhị - ra đứng ngoài đường xử lý làm cho bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó cũng cảm thấy nhục nhã, xấu hổ với người khác và với bản thân mình, làm mất đi danh dự, nhân phẩm của họ.
Về các cán bộ công an, mục đích của họ khi đưa những người mua dâm, bán dâm ra nêu tên ngoài đường là để giáo dục, nghĩa là muốn những người này thấy có lỗi, thấy sai, thấy xấu hổ trước xã hội để họ không dám mua dâm, bán dâm nữa, cũng như để răn đe, phòng ngừa tệ nạn mua bán dâm.
Về ý chí chủ quan, các cán bộ công an này đã cố ý làm danh dự, nhân phẩm những người mua dâm, bán dâm bị tổn hại vì nếu có tổn hại thì việc xử lý mới có hiệu quả, nói cách khác, các cán bộ công an đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Như vậy, về ý chí chủ quan và hành vi khách quan của các cán bộ công an này đã có dấu hiệu của tội làm nhục người khác quy định tại điều 121 Bộ luật hình sự 1999 (nay là điều 155 Bộ luật hình sự 2015).
Ngoài ra, các cán bộ công an này là những người có quyền hạn, đang thi hành công vụ và vì công vụ này nên mới xử lý những người mua dâm, bán dâm, nên một khi bị xác định phạm tội làm nhục người khác thì hành vi của các cán bộ công an này là thuộc khoản 2 điều 121, tăng nặng trách nhiệm hình sự, do "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" để phạm tội và phạm tội "đối với nhiều người".
Cũng cần lưu ý thêm: đối với tội làm nhục người khác, cơ quan cảnh sát điều tra chỉ khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại. Do đó nếu dư luận xã hội có lên án các hành vi nêu tên người vi phạm ngoài đường phố, mà không có yêu cầu khởi tố của những người bị nêu tên thì các cán bộ công an vẫn không bị xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận