21/06/2014 08:34 GMT+7

Mua bán 100 USD, phạt 400 triệu đồng: Sẽ trả lời khiếu nại

GIA MINH thực hiện
GIA MINH thực hiện

TT - Chiều 20-6, theo chỉ định của Công an TP.HCM, trung tá Trần Quý Thủy - phó đội trưởng đội 5, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về một số nội dung trong bài báo “Đổi 100 USD, phạt 400 triệu đồng”.

DPcu2YDH.jpgPhóng to
Tiệm vàng Hoàng Mai trên đường Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trước khi bắt đầu cuộc trao đổi, ông Thủy nói:

- Chúng tôi chỉ được trao đổi một số nội dung được cấp trên cho phép, không thể trả lời tất cả thắc mắc, khiếu nại hay những câu hỏi mà nhà báo đưa ra. Vì toàn bộ hồ sơ vụ việc, căn cứ để đề xuất, ra quyết định xử phạt đã nằm trong bộ hồ sơ gửi UBND TP.

* Thưa ông, vì sao có việc ngày 24-4 phát hiện hành vi vi phạm của ông Dương Công Kiên nhưng tới ngày 19-5, Công an Q.Bình Thạnh mới lập biên bản vi phạm hành chính?

- Sau khi vụ việc khám xét tiệm vàng Hoàng Mai vào ngày 24-4 được các phương tiện truyền thông đăng tải, ban giám đốc Công an TP đã tổ chức cuộc họp gồm Công an Q.Bình Thạnh, PC46 để nắm lại vụ việc vào ngày 6-5-2014. Được giao nhiệm vụ thẩm định lại hồ sơ, qua kiểm tra, chúng tôi xác định Công an Q.Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24-4 với ông Kiên về hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là chưa phù hợp nên tư vấn cho ban giám đốc Công an TP, Công an Q.Bình Thạnh lập lại biên bản vi phạm hành chính vào ngày 19-5 với lỗi hoạt động ngoại hối trái phép. Chúng tôi cũng xác định được chính xác danh tính của người bán 100 USD cho ông Kiên là Lê Tấn Hiệp, qua đó lập biên bản vi phạm hành chính với ông này cùng ngày 19-5, do trước đó ông này không khai tên thật.

Khi đã hoàn tất hồ sơ ban đầu, chúng tôi làm báo cáo đề xuất và ngày 30-5-2014, ban giám đốc Công an TP ký văn bản gửi UBND TP đề nghị ra quyết định xử phạt với ông Dương Công Kiên, ông Lê Tấn Hiệp.

* Công an TP.HCM cho rằng việc Công an Q.Bình Thạnh đề xuất chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh ra quyết định khám xét nhà bà Mai là chưa chặt chẽ, vậy việc khám xét, thu giữ tang vật vi phạm hành chính có phù hợp quy định pháp luật, đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt hay không?

- Cái này tôi không bình luận. UBND Q.Bình Thạnh và UBND TP sẽ trả lời dựa trên các hồ sơ đề xuất.

* Trong biên bản tạm giữ tang vật do Công an Q.Bình Thạnh lập lúc 20g30 ngày 24-4 có lập danh sách các tang vật thu giữ, niêm phong của bà Mai, trong đó có 2.105.000 đồng. Nếu cho rằng tiền này là tang vật thì phải là tiền của ông Hiệp, vì sao lại nằm trong biên bản thu giữ của bà Mai mà không có tên ông Hiệp, cũng không có chữ ký của bà Mai?

- Tiền đó là của ông Lê Tấn Hiệp. Đã có một biên bản thu giữ khác đối với ông Hiệp nên không đưa tên vào.

* Theo các luật sư và ý kiến của ông Kiên, nếu có hành vi mua bán ngoại tệ giữa ông Kiên và ông Hiệp, đó cũng là hành vi mua bán ngoại tệ, vì sao Công an TP cho rằng đó là hành vi hoạt động ngoại hối?

- Theo quy định của pháp lệnh ngoại hối và nghị định 160/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành pháp lệnh ngoại hối thì: Hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là hành vi mua bán, thanh toán ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân có chức năng về hoạt động ngoại hối nhưng không thực hiện đúng, đầy đủ về chủ thể giao dịch (chỉ người có thị thực đi nước ngoài, các chủ thể có chức năng mua bán ngoại tệ... mới được mua ngoại tệ, nhưng đơn vị được cấp phép bán cho người không thuộc diện này), hoặc mua, bán ngoại tệ vượt mức giá quy định của Ngân hàng Nhà nước... Còn hoạt động ngoại hối là các tổ chức, cá nhân làm đại lý thu đổi ngoại tệ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ai thu đổi ngoại tệ với mục đích kinh doanh, sinh lợi nhuận mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì được xem là hoạt động ngoại hối trái phép.

* Cùng là hành vi thu đổi ngoại tệ, nhưng có thể áp dụng quy định thu đổi ngoại tệ hay hoạt động ngoại hối, vậy có khái niệm cụ thể để phân biệt hai quy định này?

- Cho tới nay chưa có khái niệm nào quy định rõ ràng thế nào là mua bán ngoại tệ, thế nào là hoạt động ngoại hối một cách đầy đủ, chi tiết để áp dụng vào xử lý thực tế. Trước đó, ngày 26-10-2012, bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP, đã có văn bản giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp cùng Công an TP, Chi cục Hải quan TP và các đơn vị liên quan trao đổi, thống nhất về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép và hành vi hoạt động ngoại hối trái phép. Qua đó có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn cụ thể để thống nhất hình thức xử lý, nhưng tới nay chúng tôi chưa nhận được văn bản hướng dẫn.

Do đó, chúng tôi áp dụng theo cách hiểu pháp luật của mình là người nào thu đổi ngoại tệ trái phép với mục đích kinh doanh, sinh lợi nhuận, thu đổi tại các địa điểm kinh doanh thì áp dụng quy định hoạt động ngoại hối, còn lại các trường hợp khác thì áp dụng quy định thu đổi ngoại tệ trái phép để xử lý. Ngoài ra, ông Kiên có khiếu nại việc không phải là nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai thì trong hồ sơ đã thể hiện đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lời khiếu nại đó.

UBND TP.HCM: Công an TP trực tiếp giải quyết

Chiều 20-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết: sự việc liên quan đến tiệm vàng Hoàng Mai do Công an TP là đơn vị kiểm tra, thụ lý hồ sơ và tham mưu trình UBND TP. Mọi vấn đề tiếp theo liên quan đến sự việc, Công an TP vẫn là cơ quan trực tiếp giải quyết.

Riêng về đơn khiếu nại của ông Dương Công Kiên gửi UBND TP, bộ phận trực tiếp thụ lý hồ sơ về tiệm vàng Hoàng Mai của UBND TP chưa nhận được đơn hay văn bản có liên quan.

_________

Tin bài liên quan:

Vụ tiệm vàng Hoàng Mai: Đổi 100 USD, phạt 400 triệu đồngMua bán 100 USD, phạt 400 triệu đồngTiệm vàng Hoàng Mai đòi 100 USD và bồi thường tinh thầnKhông cần bắt quả tang, vẫn có thể khám xét

GIA MINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên