28/06/2012 19:52 GMT+7

Một tượng vàng Oscar giá bao nhiêu?

CÔNG KHANH (Theo Le Figaro)
CÔNG KHANH (Theo Le Figaro)

TTO - Theo đơn vị tổ chức Nate Sanders, tượng vàng Oscar 1944 dành cho Michael Curtiz (1886-1962) - đạo diễn phim Casablanca - được đấu giá ngày 28-6 với mức ước định 2,5-3 triệu USD.

Df0CcYk8.jpgPhóng to
Humphrey Bogart và Ingrid Bergman trong phim Casablanca

Năm 2003, nhà ảo thuật David Copperfield đã mua tượng vàng này tại một buổi đấu giá với số tiền 231.500 USD. Hiện nay, người ta không chắc David Copperfield còn là sở hữu chủ tượng vàng hay không vì Nate Sanders chưa tiết lộ tên người bán.

Điều chắc chắn là nếu đạt được mức ước định, tượng vàng Oscar Casablanca sẽ bỏ xa kỷ lục thế giới mà tượng vàng Oscar Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) đang giữ từ 1999. Vào thời đó, ông hoàng nhạc pop Michael Jackson (1958-2009) đã chi 1,54 triệu USD để có tượng vàng này.

Các tượng vàng Oscar thường bị mua bán hay chuyển nhượng một cách bất thường. Năm 1950, Viện Oscar đã đưa ra một quy định đối với những người nhận giải Oscar, theo đó họ không được bán hay phá hủy tượng vàng. Quy định này cũng áp dụng cho những người thừa kế hoặc được ủy quyền.

Mục đích của quy định là tránh việc tượng vàng Oscar bị đối xử như một vật phẩm thương mại. Vì quy định không được áp dụng cho các giải thưởng trước 1950, việc đấu giá tượng vàng Oscar Casablanca là hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn có một số tượng vàng Oscar sau 1950 bị mua bán lén lút ngoài thị trường chợ đen.

Viện phim Mỹ (AFI) xếp Casablanca vào vị thứ ba trong số những phim Mỹ hay nhất mọi thời đại, sau Citizen Kane (Công dân Kane) và Mario Puzo's the godfather (Bố già của Mario Puzo). Sự vinh danh này khiến những gì liên quan đến Casablanca đều trở nên quý giá, trong đó có các tượng vàng Oscar và các bích chương gốc.

Đạo diễn Michael Curtiz tên thật là Manó Kertész Kaminer, là người Mỹ gốc Hungary, sinh năm 1886 tại Budapest, mất năm 1962 tại California.

Ngoài giải Oscar dành cho đạo diễn xuất sắc nhất với phim Casablanca, ông còn bốn bộ phim khác được đề cử ở hạng mục này: Captain Blood (Thuyền trưởng Blood, 1935), Four daughters (Bốn cô gái, 1938), Angels with dirty faces (Thiên thần với khuôn mặt bẩn, 1938), Yankee doodle dandy (Cuộc diễu hành vinh quang, 1942).

CÔNG KHANH (Theo Le Figaro)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên