27/04/2018 10:45 GMT+7

Một tuần Festival - Huế sẽ cho và nhận những gì?

MINH TỰ - NHẬT LINH
MINH TỰ - NHẬT LINH

TTO - Trong 6 ngày đêm, từ 27-4 đến 2-5, Huế lại vào mùa festival với những 'bữa tiệc' văn hóa - nghệ thuật, mang đến cho công chúng hàng trăm 'của ngon vật lạ' của các nghệ sĩ cả nước và năm châu lục.

Một tuần Festival - Huế sẽ cho và nhận những gì? - Ảnh 1.

Sân khấu chìm một phần dưới mặt nước sông Hương sẽ kể câu chuyện "Âm vọng sông Hương" vàođêm 29-4 - Ảnh: NHẬT LINH

Chương trình khai mạc với chủ đề Huế - Tỏa sáng miền di sản sẽ bắt đầu lúc 20h đêm nay 27-4, tại quảng trường Ngọ Môn, truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.

Sau 18 năm với 9 kỳ lễ hội, Festival Huế đã trở thành điểm hẹn văn hóa của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, cứ vào cuối tháng 4 năm chẵn thì về Huế mà ca hát, nhảy múa, triển lãm, giao lưu, hội chợ, hội thảo...

Năm nay, Festival Huế vào mùa thứ 10, tiếp tục là sân chơi thu hút sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ từ 24 đoàn nghệ thuật thuộc 20 quốc gia và 12 đoàn chuyên nghiệp đại diện của các vùng văn hóa ba miền VN. Toàn bộ lực lượng nghệ sĩ cùng sinh viên các trường nghệ thuật của Huế đều có mặt cùng lễ hội này.

Một tuần Festival - Huế sẽ cho và nhận những gì? - Ảnh 2.

Sân khấu chìm dưới mặt nước của vở diễn "Âm vọng sông Hương" - Ảnh: Nhật Linh

Huế + 3 miền + 5 châu & 7 di sản nhân loại

Menu (thực đơn) cho Festival Huế 2018 đã được ban tổ chức thiết kế theo công thức như trên, với hơn 100 sô diễn trên 15 sân khấu từ Hoàng cung tỏa ra khắp các quảng trường, công viên, trường học, công sở, làng quê ven đô.

Nhiều nhất là chương trình hưởng ứng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, của người dân Huế lẫn du khách, đầy ngẫu hứng và đậm đà màu sắc hội hè. Đó là các cuộc ca hát, triển lãm, thư pháp, đọc thơ, giao lưu, thi thố, hội nghị, hội thảo... của bất kỳ ai muốn tham gia festival.

Món chủ đạo tất nhiên là "món Huế" tập trung trong 10 chương trình chính, chia đều trong 6 ngày đêm. Trong đó, chương trình "đinh" được đầu tư công phu nhất có tên gọi "Văn hiến kinh kỳ", làm nổi bật 5 di sản văn hóa của Huế đã được UNESCO công nhận di sản nhân loại gồm:

- Quần thể di tích cố đô Huế

- Nhã nhạc cung đình

- Mộc bản

- Châu bản triều Nguyễn

- Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Một tuần Festival - Huế sẽ cho và nhận những gì? - Ảnh 3.

Sân khấu ở quảng trường Ngọ Môn - nơi diễn ra chương trình nghệ thuật khai mạc festival - Ảnh: Nhật Linh

Ngoài ra, còn có thêm 2 di sản nhân loại khác cũng tham gia sân chơi Festival Huế: tín ngưỡng thờ mẫu với cuộc liên hoan hát văn, chầu văn toàn quốc và nghệ thuật bài chòi tại "Chợ quê ngày hội" ở cầu ngói Thanh Toàn.

"Âm vọng sông Hương" là món hấp dẫn ban tổ chức kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn cho festival. Một câu chuyện về tình yêu của người dân vùng sông nước Hương Giang được tái hiện trên sân khấu chìm dưới mặt nước sông Hương, với diễn xuất của 500 diễn viên, do nhà văn Nguyễn Quang Vinh làm tổng đạo diễn.

Phật giáo Huế cũng tham gia festival với một chương trình nghệ thuật do các tu sĩ thể hiện kết hợp nghi lễ thả hoa đăng trên sông Hương.

Nghệ thuật truyền thống Việt thì có "Âm sắc Việt" - cuộc đối thoại của ca Huế và ca trù Thăng Long. Đại diện cho nghệ thuật đương đại Việt lần này là ban nhạc "Đường chân trời" và nhóm GEN9 cùng nghệ sĩ violin Hoàng Rob.

Đại diện cho các vùng miền văn hóa là Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Đoàn nghệ thuật dân tộc Đắk Lắk...

Một tuần Festival - Huế sẽ cho và nhận những gì? - Ảnh 4.

Liên hoan ẩm thực tại Festival Huế - Ảnh : Công Triệu

"Của ngon vật lạ" từ mọi miền

Ông Nguyễn Dung - phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng ban tổ chức - cho hay đến nay Festival Huế không còn phải đi mời mọc nữa mà các đoàn nghệ thuật đăng ký tham gia. Vì vậy, ban tổ chức đã được quyền lựa chọn "món ngon" từ các nơi gửi về chào hàng.

Đại sứ quán các nước cũng cho biết chương trình họ đưa đến Huế đều là chọn lọc "của ngon vật lạ" thật sự.

Hai ban nhạc của Pháp đều đoạt giải quán quân của hai năm 2016, 2017.

Đại sứ quán Úc giới thiệu ca sĩ Deni sẽ làm mê đắm khán giả VN bằng chất giọng "mịn mượt như sôcôla và một vẻ đẹp hoang dại".

Đại sứ quán Israel đưa ca sĩ Noa (Achinoam Nini) là diva hàng đầu của mình và nếu không vì sứ mệnh "đem chuông đi đấm xứ người" sẽ rất khó mời được cô ấy đến VN.

Nước Bỉ thì đưa sang chương trình nghệ thuật thị giác mang tên "Miệng núi lửa 6899".

Mông Cổ đưa đến VN món nghệ thuật du mục trên thảo nguyên.

Nga có múa dân gian vùng Xibêri.

Tây Ban Nha giới thiệu nghệ sĩ guitar flamenco lừng danh Daniel Casares.

Các ban nhạc Latin quyến rũ và bốc lửa châu Phi đến từ Colombia, Mexico, Morocco, cùng các đoàn múa sư tử của Nhật, dàn nhạc gõ của Hàn Quốc, đoàn cà kheo của Bỉ... hứa hẹn sẽ làm nên những lễ hội sôi động trên đường phố Huế.

"Đến giờ này tiệc tùng đã chuẩn bị tươm tất, chúng tôi rất nóng lòng chờ ngày khai mạc để mời du khách vào cuộc!" - ông Dung nói.

Một tuần Festival - Huế sẽ cho và nhận những gì? - Ảnh 8.

Du khách đội mưa dự liên hoan ẩm thực tại Festival Huế - Ảnh: Công Triệu

Huế có phố sách từ ngày 1-5

Chiều 26-4, bà Phạm Thị Quỳnh Giao, trưởng Phòng văn hóa - thông tin TP Huế, cho biết đề án thí điểm xây dựng Không gian sách đường Hai Bà Trưng, TP Huế (còn gọi là phố sách) sẽ khai trương từ ngày 1-5. Đề án này do UBND TP Huế phối hợp với Công ty CP Sách Huế C&C thực hiện với tổng kinh phí là 7,5 tỉ đồng, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.

Phố sách Huế có chiều dài 150m, nằm ở khu vực vỉa hè đường Hai Bà Trưng, sát với Trường CĐ Công nghiệp Huế. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày, mua bán, giới thiệu sách cũ và mới, có không gian phục vụ mọi người đến đọc sách miễn phí. Ông Hà Huy Chiến - giám đốc Công ty CP Sách Huế C&C - cho biết phố sách có thể phục vụ cùng lúc 500 bạn đọc. Hiện có công ty này và nhà sách Trí Đức, Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News là 3 đơn vị cung cấp sách cho phố sách Huế.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Festival Huế 2018. Sau khi Festival Huế kết thúc, phố sách vẫn mở cửa phục vụ bạn đọc từ 8h-22h mỗi ngày.

N.LINH

Nhạc Trịnh mà vẽ được ư? Nhạc Trịnh mà vẽ được ư?

TTO - Đưa nhạc Trịnh lên tranh - đó là một cuộc chơi đầy ngẫu hứng của nhóm họa sĩ ba miền vừa tụ hội về Huế chơi Festival, diễn ra chiều 26-4 tại quán cafe Nốt Trịnh, trên đường Trịnh Công Sơn, bên bờ sông Hương.

MINH TỰ - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên