![]() |
Bà Lan bên cháu nội - Ảnh: M.Tâm |
Khi tôi đến bà đang nựng nịu đứa cháu, gương mặt tràn đầy hạnh phúc. Bà tâm sự bà sẽ không có những tháng ngày thảnh thơi, nhàn hạ khi về già nếu các con không hiếu thảo...
Nghèo nhưng vẫn cho con bám chữ
Miên man theo câu chuyện, bà kể, năm 19 tuổi bà lập gia đình, đôi bên đều nghèo nên quanh năm suốt tháng vợ chồng trẻ cực nhọc dãi nắng dầm mưa trên sông nước chở trái cây, củi, gạo đi bán... nhưng vẫn cứ xác xơ nghèo. Cuộc sống càng túng bấn khi tám đứa con lần lượt chào đời. Ngày nào cũng vậy, cứ vét nồi cơm bữa sáng đã lo chạy gạo buổi chiều. Vì vậy hai vợ chồng cố gắng cho các con học có cái nghề nuôi thân để không gặp cảnh phập phồng lo đói no như cha mẹ...
"Nếu mình buông xuôi, tương lai đàn con tám đứa sẽ ra sao?" Bà Trần Thanh Lan |
Được cái tám người con rất hiếu thảo, siêng học. Người con trai lớn Thanh Tân không phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ khi đỗ dự bị vào đại học. Tuy nhiên do gia đình khó khăn, nghĩ tới tương lai các em nên Tân không học đại học mà chỉ học trung cấp y tế ngành y sĩ. Rồi Tân ra trường xin được việc làm ở quê. Hạnh phúc càng nhân đôi khi người con trai kế đặt chân vào giảng đường đại học y dược. Nhưng niềm vui kéo dài không lâu thì nỗi buồn ập đến. Thời điểm đó, chồng bà hùn hạp làm ăn với bạn bè thất bại khiến nợ nần chồng chất. Chịu không nổi lời nặng nhẹ của chủ nợ, người chồng khăn gói đi biệt xứ bỏ lại vợ với đàn con nheo nhóc. Bà hoảng loạn, nhưng trấn tĩnh lại, nghĩ nếu mình buông xuôi, tương lai đàn con tám đứa sẽ ra sao?
Trước tiên bà năn nỉ chủ nợ sau này sẽ trả dứt nợ nhưng giờ hãy cho bà cơ hội nuôi con ăn học trước đã. Đồng thời bà động viên các con hôm nào có tiền ăn cơm, còn không thì ăn cháo nhưng phải giữ lấy sự học đến cùng. 3 giờ sáng bà thức dậy nấu chè, xôi, bắp... mang ra chợ bán. Bán món ăn xong cũng đến 8 giờ, bà xoay sang chèo đò trên con sông rộng, nắng táp mưa sa. Ngày hầu như vắt cạn sức nhưng đêm hiếm khi giấc ngủ của bà được tròn. 1, 2 giờ có khách gọi sang khu công nghiệp là bà vội vã thức dậy đưa họ qua sông, bất chấp gió đêm buốt lạnh, bởi tiền công nhận được gấp đôi ban ngày.
Bà thổ lộ: “Lúc đó làm cực, ăn uống lại rất kham khổ, cũng may ông trời thương nên không ai ốm đau bệnh tật”. Có người thấy bà quá vất vả, khổ cực nên hỏi sao không cho con nghỉ học, tự mưu sinh, chứ nuôi đi học đông như vậy làm sao chịu nổi nhưng bà vẫn quyết tâm cho con đi học.
Cả nhà thương nhau
Những lúc tiền trường, tiền sách vở cùng một lượt kéo đến, lo xong ngần ấy, tiền cạn nên cả nhà ăn cháo loãng. Hiểu được sự cơ cực của mẹ, các con cùng nhau luân phiên phụ giúp. Hễ ai học buổi chiều thì sáng phụ bán chè, xôi, bắp... ngoài chợ. Còn ai học buổi sáng thì bán nước đá, cóc, ổi, bánh kẹo buổi chiều ở những khu sân banh tự phát. Riêng Thanh Tân lãnh lương mỗi tháng đều đưa hết cho mẹ. Vài năm sau, Tân lên Sài Gòn học chuyên tu bác sĩ. Bấy giờ hai người em của Tân đang học đại học trên đó. Cả ba bươn chải bằng đủ thứ nghề: dạy kèm, tiếp thị, đánh giày, bán báo...
Sau đó mấy người em của Tân tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm cũng giống như anh dùng trọn tiền lương lo cho những đứa em còn lại. Cứ vậy, bằng vòng tay ấm áp, họ dìu nhau vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống để rồi tất cả đều ăn học thành tài: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư... Điều bà tự hào là lời hứa năm xưa, khi nào các con có nghề sẽ trả dứt nợ được thực hiện. Kế đó là con có thể tự mua đất cất nhà, điều bà không nghĩ đến. Rồi các con lập gia đình, ra riêng. Bà sống với vợ chồng anh Thanh Tân. Hạnh phúc bên con cháu đề huề, bà cười: “Con cái có nghề nghiệp, đối với tui cuộc sống như thế quá mãn nguyện rồi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận