Phiên điều trần của Quốc hội trẻ diễn ra ngay tại phòng họp chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Lê Kiên |
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Vũ Thị Lan Anh chủ trì phiên điều trần này.
Quốc hội trẻ
Giống như một phiên điều trần thật của một ủy ban của Quốc hội, các bạn sinh viên đã đóng vai lãnh đạo ủy ban, bộ trưởng, đại biểu Quốc hội, chủ doanh nghiệp, đại diện người thất nghiệp... để giải quyết một tình huống giả định được đặt ra, đồng thời đây cũng chính là vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội.
“Xin mời đại biểu Nguyễn Đức Long đặt câu hỏi, lưu ý là đại biểu nên đặt câu hỏi ngắn gọn và rõ” - chủ nhiệm Vũ Thị Lan Anh nói. Đại biểu Nguyễn Đức Long nêu vấn đề: “Thưa bà bộ trưởng Lê Thị Hồng Hạnh, hiện nay nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Bộ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề này, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu?”.
Đại biểu Phạm Thị Hoàng Yến chất vấn: “VN có 90 triệu dân, tỉ lệ thất nghiệp hiện nay là 1,84%, mỗi năm có 174.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Xin bộ trưởng đánh giá về các con số này?”...
Phúc đáp câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, bộ trưởng Hồng Hạnh nói: “Đại biểu hỏi về tỉ lệ thất nghiệp 1,84% và sinh viên thất nghiệp. Khi Bộ Lao động - thương binh và xã hội thống kê con số này thì có nhiều ý kiến cho rằng đây là con số quá lạc quan. Tôi xin khẳng định đây là con số hoàn toàn chính xác dựa trên các tiêu chí của quốc tế. Tôi cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tin vào con số này. Các vị đại biểu cần hiểu rõ không có việc làm tức là người lao động hoàn toàn không tham gia vào thị trường lao động, không có thu nhập. Đối với người lao động VN, họ mất việc chỗ này sẽ đi tìm kiếm việc chỗ khác để mưu sinh, kể cả những công việc nặng nhọc và thu nhập thấp hơn nhiều...”.
Chuẩn bị một thế hệ trẻ cho Quốc hội trong tương lai Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, ông thật sự ấn tượng khi đến Pháp thấy chủ tịch Quốc hội Pháp ngồi chủ trì phiên họp của nghị viện trẻ, còn ở Anh thì nghị viện trẻ do chính các bạn trẻ bầu ra và họ sinh hoạt như nghị viện thật. “Những nghị quyết, chính sách, luật được nghị viện trẻ ban hành có giá trị tham khảo rất tốt đối với nghị viện thật” - ông Dũng cho hay. Ông Dũng cho rằng sinh hoạt này không chỉ mang ý nghĩa truyền thông, để sinh viên hiểu biết về hoạt động của Quốc hội mà còn chuẩn bị một thế hệ trẻ cho Quốc hội trong tương lai. |
Bộ trưởng đang say sưa trình bày thì bị chủ nhiệm Lan Anh ngắt lời: “Đề nghị bộ trưởng trình bày đúng trọng tâm, đi thẳng vào câu hỏi, đặc biệt là về trách nhiệm của bộ trưởng, đề nghị lưu ý thời gian”.
Bộ trưởng nói tiếp: “Vâng, trước tình trạng thất nghiệp và không có việc làm, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Lao động - thương binh và xã hội và cá nhân tôi là bộ trưởng, đặc biệt là trong thông tin định hướng thị trường lao động, định hướng đào tạo còn nhiều hạn chế. Bộ Lao động - thương binh và xã hội chưa có dữ liệu chuẩn xác về thị trường, dự báo về xu hướng của thị trường lao động...”. Cuộc điều trần đã diễn ra rất sôi nổi trọn buổi sáng thứ bảy.
“Nền chính trị không thể tốt đẹp nếu giới trẻ đứng ngoài”
Bên hành lang phiên điều trần của “Quốc hội trẻ”, đại biểu Quốc hội (thật), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi bình luận: “Các em đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình khi thể hiện các vai chủ nhiệm ủy ban, bộ trưởng, nhà doanh nghiệp, đại diện sinh viên. Tôi nghĩ rằng hôm nay nếu các vị bộ trưởng thật ngồi đây thì họ cũng sẽ có rất nhiều cảm xúc. Các bạn trẻ đã nắm rất chắc vấn đề, nắm rõ chức năng của mỗi bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội. Các “nghị sĩ” trẻ đã hỏi - đáp rất thẳng thắn và đi vào trọng tâm vấn đề”.
Ông Lợi bày tỏ sự hài lòng khi khi nghe bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Thị Hồng Hạnh nói là để giải quyết được việc làm cho sinh viên thì việc quan trọng nhất thuộc về chức năng của bộ là phải cung cấp thông tin về thị trường lao động, cụ thể là xã hội đang cần lao động ở những lĩnh vực nào, xu hướng sắp tới ra sao để ngành giáo dục và sinh viên nhận biết là mình cần phải học gì, dạy gì. Bộ trưởng Hồng Hạnh cũng hứa sẽ có định hướng lại để cân đối giữa cung đào tạo và cầu sử dụng lao động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ: “Tôi hi vọng trong các phiên họp Quốc hội trẻ tới đây sẽ có sự xuất hiện của các vị bộ trưởng, các lãnh đạo Quốc hội ngồi lắng nghe các em nói, trao đổi lại với các em về những vấn đề các em quan tâm. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích cho chính các bạn sinh viên mà còn là một kênh để các đại biểu Quốc hội (thật) lắng nghe, chắt lọc ý kiến cử tri trẻ để kiến nghị, quyết định chính sách phù hợp, đúng đắn những vấn đề do giới trẻ đặt ra. Tôi cũng mong muốn tương lai gần sẽ có sự giao lưu giữa nghị viện trẻ VN và nghị viện trẻ các nước đã tổ chức thuần thục vấn đề này như nghị viện trẻ ở Anh, Pháp...”.
TS Nguyễn Sỹ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh: “Chúng ta không thể có một nền chính trị tốt đẹp nếu lớp trẻ không quan tâm, đứng ngoài các sự kiện chính trị của đất nước. Chúng ta có thể chế chuẩn, vận hành chuẩn thì tương lai của chúng ta, của con em chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều”.
Chương trình này do Văn phòng Quốc hội tổ chức dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận