08/11/2012 06:40 GMT+7

Một phần lỗi thuộc nhà đài

H.LÊ ghi
H.LÊ ghi

TT - Sau loạt bài phim truyền hình Đông tay mà vỗ chẳng kêu và Tìm bột tốt để gột nên hồ (Tuổi Trẻ ngày 6 và 7-11) nói về chất lượng sa sút của phim truyền hình thời gian qua và việc gian nan tìm kịch bản tốt, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của các đạo diễn - những người trực tiếp làm phim truyền hình:

zCGALsZN.jpgPhóng to

Đạo diễn Hoàng Trung - Ảnh tư liệu

* Đạo diễn Hoàng Trung:

“Khâu chuẩn bị không tốt”

Theo tôi, loạt bài trên Tuổi Trẻ như liều thuốc để những người sản xuất phim truyền hình có dịp nhìn lại mình. Có nhiều khó khăn trong việc sản xuất phim, nhưng xét trên góc độ đạo diễn có thể thấy khâu chuẩn bị sản xuất phim của VN quá gấp. Tôi được biết ở nước ngoài họ chuẩn bị ít nhất là ba tháng, có phim mất hàng năm. Chính sự chuẩn bị tốt sẽ giúp đạo diễn “thấm” kịch bản. Nhiều người cho rằng bộ phim Bước qua bóng tối do tôi thực hiện phản ánh cuộc sống của giới giang hồ khá sinh động. Đó là kết quả của khoảng thời gian tuổi trẻ tôi lăn lộn ra đời sớm, trải qua nhiều nghề, gặp gỡ nhiều thành phần... Vậy mà khi xem lại phim, tôi vẫn thấy tiếc vì mình làm chưa “tới” được. Giá như được quay lại quá khứ, tôi sẽ làm kỹ hơn, hấp dẫn hơn...

Đúng là yếu tố kịch bản của phim Việt hiện tại quá yếu, nhiều kịch bản bị kéo nhây để tăng thời lượng, chi tiết không hợp lý. Chính vì thế mà khâu chuẩn bị của đạo diễn phải kỹ lưỡng hơn nữa. Nhiều khi đạo diễn chúng tôi ra trường quay giống như người thợ cầm máy chứ không phải là nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật.

* Đạo diễn Châu Huế:

“Nhiều hãng phim được thành lập chỉ để kiếm tiền”

KQCuWPaC.jpgPhóng to
Đạo diễn Châu Huế - Ảnh tư liệu
Đúng như báo Tuổi Trẻ nêu, kịch bản là khâu quan trọng nhất trong phim truyền hình. Đạo diễn giỏi đến mấy nhưng kịch bản tồi thì chẳng thể làm ra được bộ phim hay. Khán giả giờ quá oải khi xem phim truyền hình bởi các câu chuyện hời hợt, lại na ná nhau.

Để viết được 30 tập phim, có những nhà văn, biên kịch mất gần cả một năm. Trong khi đó, một biên kịch trẻ gặp tôi khoe một ngày viết được đến một tập rưỡi phim. Trước đây, đoàn phim quay mất 5-6 ngày/tập phim, nay có đạo diễn quay một ngày/tập. Nhiều người khi thấy đoàn phim tôi quay khá lâu, họ đùa: “Đi theo đoàn phim của Châu Huế chỉ có mà chết đói!”. Nói như vậy để biết áp lực làm phim cho nhanh bây giờ rất lớn. Dù số tiền làm phim khoảng 130 triệu đồng/tập, nhưng sau khi đi qua nhiều con đường, số tiền sản xuất thật sự có khi chỉ còn 70 triệu đồng/tập. Với số tiền ít ỏi như vậy, làm sao có thể tạo ra được phim hay. Có quá nhiều hãng phim được thành lập chủ yếu chỉ để kiếm tiền chứ chẳng phải làm nghệ thuật.

Theo tôi, vấn đề còn nằm ở các nhà đài. Tại sao một bộ phim chất lượng kém mà nhà đài vẫn cho phát sóng để khán giả phải lên tiếng phản ứng? Họ cần dứt khoát không duyệt những phim chất lượng kém thì các hãng phim mới nghiêm túc sản xuất phim. Những hãng phim nào làm ba phim mà chất lượng kém thì nên rút giấy phép không cho họ sản xuất nữa.

H.LÊ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên